Công viên năng lượng mặt trời 13,6 tỷ USD của Dubai

02/05/2019 14:37 PM | Công nghệ

Dự án công viên năng lượng mặt trời Mohammed bin Rashid Al Maktoum của Dubai có tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 13,6 tỷ USD. Khi hoàn thành, đây sẽ là công viên năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới.

Nằm sâu bên trong sa mạc nội địa của Dubai, công viên năng lượng mặt trời Mohammed Bin Rashid Al-Maktoum – được đặt theo tên của tiểu vương Dubai, cũng là phó tổng thống và thủ tướng Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang tiếp tục được hoàn thiện.

Cơ quan Năng lượng và Nước Dubai (DEWA) cho biết, sau khi công viên với chi phí đầu tư 13,6 tỷ USD này được hoàn thành, nó có thể cung cấp năng lượng cho 1,3 triệu ngôi nhà, giảm lượng khí thải carbon xuống 6,5 triệu tấn mỗi năm.

Công bố lần đầu tiên vào năm 2012 và dự kiến hoàn thành năm 2030, quá trình xây dựng công viên năng lượng mặt trời 5.000 megawatt gồm 3 giai đoạn. Hai giai đoạn đầu đã hoàn thành, bao gồm 2,3 triệu tấm quang điện với công suất 213 megawatt. Giai đoạn 3, với các hạng mục xây dựng kỳ công hơn, để cung cấp hơn 3 triệu quang điện và thêm 800 megawatt, sẽ được hoàn thành vào năm 2020.

Tuy nhiên, sau nhiều năm trải rộng trên khắp sa mạc, dự án hiện đang thực hiện giai đoạn 4 - một sự phát triển đầy tham vọng.

Tháng 3/2018, với những gì đã hoàn thiện, DEWA tuyên bố, khu công viên này có tòa tháp năng lượng mặt trời tập trung (CSP) cao nhất thế giới.

"Thông thường, CSP sẽ có hiệu suất cao hơn một chút so với quang điện", Christos Markides, giáo sư công nghệ năng lượng sạch tại Imperial College London, nói với CNN. "CSP lưu trữ năng lượng dưới dạng nhiệt hơn là trong pin. Lưu trữ năng lượng nhiệt rẻ hơn 10 lần so với lưu trữ năng lượng điện", ông giải thích. "Điều này mang lại lợi thế cho công nghệ đặc biệt đó."

Thực tế, điều đó có nghĩa là CSP có thể tiếp tục tạo ra điện ngay cả khi không có mặt trời và vào ban đêm. Tháp năng lượng của Dubai có thể lưu trữ nhiệt trong 15 giờ và cung cấp năng lượng 24 giờ mỗi ngày. Tháp CSP có độ cao 260 mét (853 feet) khi hoàn thành và sẽ được bao quanh bởi 70.000 heliostats (gương theo dõi mặt trời).

Công viên năng lượng mặt trời 13,6 tỷ USD của Dubai - Ảnh 1.

Ảnh: DEWA.

Bên cạnh tháp năng lượng mặt trời có công suất 100 megawatt, giai đoạn 4 sẽ cung cấp thêm 850 megawatt điện thông qua các máng parabol (một dạng tháp năng lượng mặt trời khác) và quang điện. Và theo một thông báo gần đây, giai đoạn 5 với công suất 900 megawatt quang điện sẽ được bắt đầu từ năm 2021, trong khi thực hiện các công việc khác để có thể giúp công viên đạt mục tiêu cuối cùng là 5.000 megawatt theo đúng kế hoạch.

Với công suất 1.963 megawatt, công viên Mohammed Bin Rashid Al Maktoum đã ghi tên mình vào danh sách các công viên năng lượng mặt trời có công suất lớn nhất được vận hành trên toàn thế giới. Theo Diễn đàn kinh tế Thế giới, một công trình khác ở Ấn Độ - Trang trại năng lượng mặt trời Ladakh sản xuất 3.000 megawatt sẽ đi vào hoạt động năm 2023. Hiện tại, công viên năng lượng mặt trời sa mạc có công suất 1.547 megawatt ở Ninh Hạ, Trung Quốc được coi là công viên quang điện hoạt động lớn nhất thế giới.

Chiến lược năng lượng sạch của Dubai 2050 đang hướng tới việc tạo ra 25% sản lượng năng lượng từ các nguồn sạch vào năm 2030 và 75% vào năm 2050 - tương đương với công suất 42.000 megawatt.

Theo Trang Trang

Cùng chuyên mục
XEM