Công ty "xác sống" hồi sinh nhờ công nghệ 5G, nhà sáng lập đút túi gần tỷ đô

24/09/2019 18:55 PM | Kinh doanh

Đối với hầu hết mọi người, công nghệ 5G đồng nghĩa với tốc độ xử lý dữ liệu di động có thể nhanh hơn gấp 100 lần so với hiện tại. Còn đối với Kim Duk-yong, công nghệ 5G đồng nghĩa với gia tài trăm triệu đô.

Khi Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai công nghệ di động 5G trên cả nước hồi tháng 4 vừa qua, công ty chuyên cung cấp thiết bị viễn thông KMW của Kim là một trong những công ty được hưởng lợi nhiều nhất. Cổ phiếu của KMW đã tăng gấp 7 lần kể từ đầu năm đến nay, nâng giá trị vốn hóa của công ty lên mức 2,6 tỷ USD.

Sở hữu 36% cổ phần KMW cùng với gia đình, hiện Kim có tài sản vào khoảng 900 triệu USD, theo tính toán của Bloomberg. Ông là một trong những người đầu tiên thắng lớn từ công cuộc chuyển đổi sang công nghệ 5G đang bùng nổ trên toàn thế giới.

Đó cũng là dấu ấn rất đáng chú ý đối với 1 công ty đã ngập trong thua lỗ trước khi ghi nhận doanh thu tăng hơn gấp đôi trong nửa đầu năm 2019. "Chúng tôi thậm chí đã bị các ngân hàng gọi là công ty xác sống. Mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn sau khi mạng 5G được triển khai", Kim từng phát biểu trên trang tin tức công nghệ ZDNet Korea.

Tháng trước, Bộ trưởng khoa học và công nghệ Hàn Quốc You Young-min đã tới thăm KMW ở Hwaseong, thành phố nằm ở phía Nam Seoul. Kim nói với bộ trưởng rằng nhu cầu về các sản phẩm của KMW đã tăng mạnh. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2019 tăng 113% so với cùng kỳ năm trước.

KMW sản xuất các linh kiện tần số vô tuyến cho các trạm gốc. Samsung và Nokia là hai trong số các khách hàng chính của công ty. Điểm đặc biệt của KMW là khả năng sản xuất số lượng lớn với chi phí thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Số thuê bao 5G ở Hàn Quốc hiện đã vượt mốc 2,5 triệu người tính đến tháng trước, với hơn 89.000 trạm gốc đang hoạt động.

Chính phủ Trung Quốc bắt đầu cấp phép 5G cho các nhà mạng không dây từ tháng 6. KMW đang cung cấp thiết bị cho ZTE, đối thủ của Huawei.

Theo Kim Hong-sik, chuyên gia phân tích tại Hana Financial Investment, chi tiêu cho 5G của riêng 3 công ty lớn nhất ở Trung Quốc đã cao hơn nhiều so với toàn bộ Hàn Quốc. KMW cung ứng cho công ty lớn nhất, China Mobile, thông qua ZTE. Và chắc chắn KMW sẽ hưởng lợi lớn khi mà Trung Quốc đang chuẩn bị cho 5G.

KMW cũng sản xuất cả đèn LED (chiếm 10% doanh thu).

Thực ra ông Kim không hề có ước mơ trở thành 1 doanh nhân. Khi còn là sinh viên theo học ngành điện tử tại Seoul, ông muốn học sâu thêm để đi theo con đường hàn lâm. Tuy nhiên điều kiện kinh tế không cho phép nên ông phải tìm việc, đi làm ở nhiều công ty trong đó có liên doanh giữa Samsung với HP trước khi thành lập KMW năm 1991.

Kim lập ra công ty bằng tiền bán nhà và ban đầu chỉ có thể thuê 1 nhân viên. Trước khi có công nghệ 5G, KMW liên tục thua lỗ vì các đối thủ đến từ Trung Quốc tràn ngập thị trường với mức giá rất rẻ. Do đó các ngân hàng đều không muốn giao dịch với KMW.

"Tôi đã trải qua cảnh bị tước mất chiếc ô quý giá ngay khi trời đổ mưa. Tôi đã cố gắng hết sức để chứng minh rằng 1 công ty xác sống vẫn có thể sống sót như thế nào", Kim nói.

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM