Công ty viễn thông lớn thứ 2 thế giới 'lao đao' vì Brexit

30/06/2016 09:17 AM | Kinh doanh

Việc người dân Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu EU có thể khiến cho công ty viễn thông lớn thứ 2 thế giới tổn thất vô cùng lớn.

Gã khổng lồ viễn thông của Anh Vodafone (VOD) cho biết họ đang xem xét chuyển trụ sở chính của mình ra khỏi Vương quốc Anh ngay sau khi kết quả trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại Liên minh châu Âu EU gây sốc hồi tuần trước được công bố. Việc mất công ty này là một đòn đau đối với Anh.

Vodafone cho biết việc Anh là thành viên của EU là một yếu tố sống còn trong sự phát triển của công ty. Ngoài ra các nguyên tắc nền tảng của EU bao gồm tự do đi lại của người dân, lưu động vốn và hàng hóa đều đóng vai trò quan trọng đối với các công ty trong khu vực.

Mặc dù chưa có kết luận chính thức về việc công ty sẽ đặt trụ sở ở đâu nhưng phía đại diện công ty cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục đánh giá tình hình và sẽ có quyết định thích hợp vì lợi ích của khách hàng, cổ đông và nhân viên."

Vodafone cho biết đại đa số khách hàng trong tổng số 462 triệu khách hàng và 108 nghìn nhân viên của công ty làm việc ở trụ sở bên ngoài Vương quốc Anh. Công ty kiếm được 55% doanh thu trước thuế ở châu Âu, trong khi chỉ có 11% đến từ nước Anh.

Các doanh nghiệp Anh hiện phải đối mặt với nhiều rủi ro trong bối cảnh của cuộc bỏ phiếu. London bây giờ phải thiết lập các mối quan hệ kinh doanh mới với các đối tác nước ngoài lớn của họ, và xác định tình trạng nhập cư của người nhập cư EU hiện đang làm việc tại Vương quốc Anh.

Ở cấp độ công ty, dư chấn từ cuộc bỏ phiếu Brexit vẫn đang lan mạnh: Các ngân hàng lớn, trong đó có nhiều ngân hàng có trụ sở ở Canary Wharf, London và hoạt động chủ yếu tại châu Âu đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody cảnh báo rằng các nhà sản xuất ô tô, thực phẩm ở Anh có thể phải chịu những rào cản thương mại cao hơn và sụt giảm khối lượng xuất khẩu. Cơ quan này cũng cho biết các doanh nghiệp viễn thông, hàng không và các nhà sản xuất thuốc cũng sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nhà thầu xây dựng cũng chịu nhiều tổn thất. Các nhà phân tích lo ngại rằng sự sụt giảm mạnh trong chỉ số niềm tin tiêu dùng sẽ làm ảnh hưởng đến các thương vụ mua bán nhà. Người mua nước ngoài cũng có thể coi London một lựa chọn ít hấp dẫn hơn khi đầu tư bất động sản.

Chỉ số FTSE 250, chỉ số cổ phiếu của các công ty hạng vừa và nhỏ của Anh, đã giảm mạnh gần 10% kể từ khi diễn ra cuộc bỏ phiếu.

Thuỵ Dương

Cùng chuyên mục
XEM