Công ty đào vàng duy nhất trên TTCK kinh doanh ra sao?

10/08/2020 14:12 PM | Kinh doanh

Vàng Lào Cai có quy mô doanh thu hàng trăm tỷ và lãi hàng tỷ đồng trước khi hết hạn cấp phép khai thác. Do hết hạn khai thác mỏ tháng 4/2019, công ty báo lỗ 15,6 tỷ đồng trong năm ngoái.

Vàng Lào Cai lỗ do chưa được cấp phép mới

Công ty cổ phần Vàng Lào Cai ( UPCoM: GLC ) hiện là công ty khai thác vàng duy nhất trên sàn chứng khoán. Được thành lập năm 2007 với vốn điều lệ ban đầu 45 tỷ đồng, đến nay công ty đã tăng vốn lên 105 tỷ đồng. Hoạt động chính là đầu tư dự án khai thác, tuyển và luyện vàng gốc mỏ vàng Minh Lương, Văn Bàn, Lào Cai.

Sản phẩm của dự án là tinh quặng vàng hàm lượng (quy đổi) 82 gam Au/tấn, với sản lượng cỡ 7.450 tấn/năm, tương đương với khoảng 100.000 tấn quặng nguyên khai/năm; tinh quặng vàng quy đổi ra vàng được phép khai thác lớn nhất 500 kg vàng/năm. Toàn bộ lượng khai thác được bán cho Tổng công ty Khoáng sản TKV để sản xuất vàng tiêu thụ trên thị trường.

Báo cáo kinh doanh trước khi lên sàn chứng khoán đầu năm 2019, Vàng Lào Cai có quy mô doanh thu hàng năm quanh 100 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2018 đạt mức cao 17 tỷ đồng, thu nhập trên mỗi cổ phần đạt 1.621 đồng.

Công ty đào vàng duy nhất trên TTCK kinh doanh ra sao? - Ảnh 1.

Tuy nhiên qua năm 2019, công ty ghi nhận sản lượng tinh quặng vàng tiêu thụ 8,3 tấn, chỉ bằng 4% kế hoạch năm. Từ đó doanh thu thuần đạt 11,25 tỷ đồng, giảm 90% so với năm 2018 và ghi lỗ 15,6 tỷ đồng. Việc tụt dốc kinh doanh là do giấy phép khai thác vàng đã hết hạn từ tháng 4/2019 nên công ty đã tạm dừng khai thác, chủ yếu tập trung bảo vệ tài nguyên.

Cũng liên quan đến báo cáo tài chính này, kiểm toán viên lưu ý lỗ lũy kế của công ty đến hết tháng 12/2019 là 53,4 tỷ đồng; đồng thời nợ ngắn hạn là 10,7 tỷ đồng, cao hơn 9,3 tỷ so với tài sản ngắn hạn. Ban giám đốc công ty tin rằng các chủ sở hữu và các bên liên quan sẽ tiếp tục hỗ trợ công ty; do đó Báo cáo tài chính vẫn được lập trên cơ sở giả định hoạt động liên tục.

Báo cáo tài chính mới nhất quý I/2020, công ty tiếp tục không có doanh thu nhưng các chi phí hoạt động vẫn phát sinh, từ đó ghi lỗ hơn 4 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế đến cuối tháng 3 là hơn 57 tỷ đồng. Tổng tài sản khoảng 60 tỷ đồng.

Giấy phép khai thác mỏ vàng Minh Lương của GLC có thời hạn đến 26/4/2019. Công suất khai thác được cấp phép cho năm 2016 là 22.000 tấn quặng vàng, năm 2017 – 2018 là 28.000 tấn quặng vàng/năm, năm 2019 chỉ cấp phép khai thác 11.702 tấn quặng vàng.

Theo định hướng phát triển, Vàng Lào Cai có khả năng sẽ được mở rộng quyền khai thác mỏ theo cả 2 hướng, bao gồm được khai thác khu vực mỏ hiện có với chiều sâu khai thác thêm 100m và được mở rộng phạm vi khai thác thêm hơn 120 ha.

Báo cáo tại ĐHĐCĐ thường niên cuối tháng 6, lãnh đạo công ty cho biết đã thực hiện các thủ tục cần thiết nhằm xin gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản, để đi vào ổn định sản xuất. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, việc gia hạn giấy phép vẫn chưa hoàn thành. Rủi ro giấy phép chỉ là một trong những rủi ro lớn mà doanh nghiệp khai thác vàng phải đối mặt.

Ngành khai thác vàng nhiều rủi ro

Quặng vàng ở Việt Nam phân bố khá rải rác và quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc (Hòa Bình, Lào Cai, Hà Giang...) hay một số tỉnh miền trung như Quảng Nam, Quảng Bình. Do tính chất rải rác, ngành khai thác vàng chưa có doanh nghiệp quy mô quá lớn, kết quả kinh doanh cũng khá nghèo nàn.

Trước Vàng Lào Cai, Tập đoàn Besra Việt Nam cũng được cấp phép khai thác mỏ vàng Bồng Miêu (1997) và mỏ vàng Phước Sơn (1999). Theo công bố của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, từ năm 2008 - 2012, Công ty Vàng Bồng Miêu và Công ty Vàng Phước Sơn khai thác được hơn 4.430 tấn vàng, nộp ngân sách hơn 650 tỷ đồng. Nếu trừ khoản hoàn thuế VAT 105 tỷ đồng, cộng với khoản thuế đã nộp 650 tỷ đồng thì Besra còn nợ thuế 278 tỷ đồng. Việc nợ thuế kéo dài buộc Cục Thuế Quảng Nam 11 lần ra quyết định xử phạt nộp chậm thuế.

Báo Người Lao Động từng đưa tin hội nghị chủ nợ Công ty Bồng Miêu tháng 8/2018, các chủ nợ đã đồng ý tuyên bố phá sản Công ty Bồng Miêu. Theo số liệu báo cáo, tính đến ngày 12/11/2017, Vàng Bồng Miêu có 100 chủ nợ với số tiền hơn 943 tỷ đồng, bao gồm cả 108 tỷ đồng tiền nợ thuế nhà nước.

Hay đầu tháng 6/2020, UBND tỉnh Quảng Trị dẫn Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết CTCP Phát triển khoáng sản 4 nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mỏ vàng Apey A với hơn 5,9 tỷ đồng, công ty này đã rời đi mà chưa hoàn thổ cho chính quyền.

Công ty đào vàng duy nhất trên TTCK kinh doanh ra sao? - Ảnh 2.

Nhiều doanh nghiệp khai thác vàng nợ nần, phá sản. Ảnh minh họa.

Trở lại với Vàng Lào Cai, bên việc chưa được gia hạn giấy phép khai thác, công ty còn đối mặt với nhiều khó khăn khác. Biến đổi địa chất khiến các thân quặng đang khai thác có sự đứt quãng, teo thắt và xê dịch; do đó quá trình sản xuất phải luôn điều chỉnh theo điều kiện thực tế, các kế hoạch kỹ thuật và biện pháp thi công đầu năm chỉ mang tính định hướng.

Các thân quặng tại mỏ Minh Lương đều mỏng, trữ lượng không lớn và phân tán ở 4 khu vực đồi cách xa nhau làm tăng chi phí vận chuyển. Công ty phải áp dụng hình thức khai thác cuốn chiếu từng khu vực mà không thể khai thác đồng bộ, sản lượng khai thác chỉ đạt khoảng 40% công suất thiết kế giai đoạn 1.

Dự án khai thác vàng có vòng đời ngắn nhưng thời gian đầu tư kéo dài nên chi phí khấu hao, chi phí trước hoạt động, chi phí lãi vay... những năm đầu dự án chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành, dẫn đến hiệu quả kinh doanh chưa cao và gây khó khăn về tài chính.

Chính sách pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản không ổn định, các loại thuế phí đối với khai thác quặng vàng được duy trì ở mức cao.

Ngoài ra, công tác bảo vệ tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng là khó khăn lớn do lực lượng bảo vệ còn hạn chế và địa bàn mỏ trải rộng. Hiện tượng đào vàng trái phép trong khu vực vùng đệm diễn ra liên tục với quy mô lớn hơn, các đối tượng vàng tặc ngày càng manh động hơn khi công ty và chính quyền truy quét (đặc biệt là khu vực vùng đệm Pú Mẹo).

Huy Lê

Cùng chuyên mục
XEM