Công nhân làm gà phải đóng bỉm vì không có thời gian nghỉ giữa giờ

15/05/2016 15:01 PM | Kinh doanh

Theo một tổ chức phi chính phủ, những công nhân tại nhà máy gà của Mỹ phải đóng bỉm khi làm việc vì quản lý không cho họ thời gian nghỉ.

Mỹ là một trong số các quốc gia tiêu thụ gà lớn nhất trên thế giới. So với thời điểm 20 năm về trước, người dân Mỹ có mức tiêu thụ gà nhiều hơn 30%. Đó là nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ của ngành công nghiệp chăn nuôi và chế biến gà tại Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, khách hàng luôn muốn các sản phẩm có giá rẻ. Chính vì vậy, những ông lớn trong ngành chăn nuôi tại Mỹ đang cố gắng cắt giảm hết mức có thể để cho ra đời những sản phẩm siêu rẻ. Một trong những phương pháp tiết kiệm "hiệu quả" là tăng giờ làm, giảm tiền lương của nhân viên. Các công nhân làm việc tại đây thường phải chịu áp lực về giờ giấc, hàng dài giờ đồng hồ làm việc với chỉ 30p nghỉ ngơi và kiếm được chưa tới 10$ (khoảng 200.000 đồng) cho mỗi giờ làm việc.

Các công nhân chỉ có thời gian đi vệ sinh rất ít và họ phải đóng bỉm trong giờ làm việc.

Đỉnh điểm của sự hà khắc đến vô nhân tính trong ngành sản xuất gà là tình trạng các công nhân không được phép đi toilet trong giờ làm việc. Đây là một phần trong bản báo cáo của tổ chức Oxfam khi nghiên cứu về quyền của người lao động trong ngành công nghiệp gia cầm tại Mỹ.

Để tránh những tình huống "dở khóc dở cưới" hay việc không nhịn được mà đi ngay ra sàn, nhiều công nhân nói rằng họ phải đóng bỉm khi làm việc.

"Tôi phải mang tã giấy Pampers", một nữ công nhân chia sẻ với Oxfam. "Tuy nhiên không phải chỉ tôi mà rất nhiều người khác cũng phải làm vậy".

Mặc dù các nhà máy có những quy định khác nhau về thời gian nghỉ ngơi và đi vệ sinh của nhân viên, nhưng kể cả với những nơi có chế độ làm việc "thoáng", việc đi vệ sinh không phải là quyền mà là "đặc ân" cho người lao động. Nếu công nhân muốn đi vệ sinh, họ phải tìm ai thay thế họ trong dây chuyền sản xuất. Đôi khi, các công nhân phải mất hàng giờ liền mới tìm được người thay thế.


Đa phần công nhân tại đây là người nhập cư.

Đa phần công nhân tại đây là người nhập cư.

Với chỉ 30 phút nghỉ ngơi mỗi ngày, họ không thể làm được gì nhiều khi phải vừa tranh thủ ăn trưa, thay quần áo, đi vệ sinh và ngay lập tức trở lại với công việc. Nhiều công ty áp dụng chính sách "vệ sinh 5 phút". Bạn sẽ phải chạy đua với nhu cầu của mình chỉ trong vòng 5 phút. Đôi khi điều đó rất nguy hiểm khi sàn nhà rất trơn, bẩn và có thể khiến bạn gặp những tai nạn đáng tiếc.

Hơn nữa, với môi trường làm việc độc hại, nhiều công nhân mắc các chứng bệnh về tiêu hóa hay hô hấp. Việc đi vệ sinh trong 5 phút hay thậm chí là 7 phút dường như là bất khả thi với họ.

"Những tay quản lý nói rằng chúng tôi không nên uống nhiều nước để đỡ phải đi vệ sinh", Susana, một nữ công nhân tại nhà máy gà Tyson chia sẻ.

Đây không phải chỉ là vấn đề phẩm chất hay vi phạm quyền con người, nó cũng gây ra những nguy hiểm cho sức khỏe của công nhân. Việc không được đi vệ sinh sẽ dẫn đến nhiều căn bệnh liên quan tới thận, hệ bài tiết. Thậm chí, kể cả nếu các công nhân có dùng bỉm cũng không tránh khỏi các vấn đề sức khỏe liên quan tới khu vực vùng kín.


Việc phải chịu đựng điều kiện làm việc tồi tàn trong thời gian dài dễ dẫn tới các bệnh liên quan tới hệ bài tiết, các nhóm cơ xương và nhiều vấn đề khác.

Việc phải chịu đựng điều kiện làm việc tồi tàn trong thời gian dài dễ dẫn tới các bệnh liên quan tới hệ bài tiết, các nhóm cơ xương và nhiều vấn đề khác.

Không chỉ có vậy, báo cáo cũng chỉ trích điều kiện làm việc rất tồi tàn tại các nhà máy gà. Những công nhân phải làm việc trong tình trạng rất căng thẳng và như những chú robot chỉ biết làm việc không ngừng nghỉ. Đa phần họ đều là những người tị nạn hay dân nhập cư từ các nước nghèo nên họ phải chấp nhận những điều kiện như thế để có thể bám trụ tại Mỹ.

Oxfam đang kêu gọi sự vào cuộc của các cơ quan luật pháp tại Hoa Kỳ. Nhiều người dân Mỹ cũng tỏ thái độ giận dữ trước những thông tin như vậy. Được biết, đây không phải là lần đầu tiên những sự vụ như này xảy ra và ngành công nghiệp chăn nuôi, chế biến gà chỉ là một ví dụ điển hình về chế độ lao động tồi tàn của công nhân trên toàn thế giới.

Cùng chuyên mục
XEM