Vì sao Google Glass chết yểu?

19/11/2014 10:29 AM | Công nghệ

Google Glass gặp phải rất nhiều sự phản đối và mỉa mai từ cộng đồng, song đó không phải là nguyên nhân dẫn tới cái chết của thiết bị từng một thời được coi là "tương lai của ngành công nghệ" này.

Cái chết của Google Glass đã trở nên rõ ràng. Twitter và một loạt các nhà phát triển khác từ bỏ hoặc tạm hoãn các ứng dụng viết cho chiếc kính thông minh này. Trong thời gian gần đây, gã khổng lồ tìm kiếm cũng rất ít khi đề cập tới chiếc kính của mình. Các dự án khác như Project Ara (điện thoại lắp ráp), Cardboard (điện thoại 3D) hoặc Baloon (phát Wi-Fi miễn phí qua khinh khí cầu) hiện đang chiếm phần lớn sự chú ý của người hâm mộ dành cho Google.

Song hẳn nhiên, một thiết bị đã từng được rất yêu quý sẽ không nhanh chóng lụi tàn nếu như chỉ gặp phải các khó khăn về kho ứng dụng. Thử lấy ví dụ về chiếc tablet PlayBook cũ kỹ của BlackBerry: cho đến giờ, PlayBook vẫn còn sở hữu một lượng người dùng đáng ngạc nhiên, dẫu rằng Dâu đen đã bỏ rơi không cập nhật cho sản phẩm của mình lên hệ điều hành BB10.

Từ những điều này, bạn có thể dễ dàng nhận ra rằng nguyên nhân Google Glass "chết yểu" không phải là do số lượng tính năng ít ỏi. Thay vào đó, Glass bị "ghét" vì một lý do rất đơn giản: thiết kế của chiếc kính thông minh này quá kỳ cục.

 Các blogger nổi tiếng đã cạn kiệt tình cảm với chiếc kính của Google

 Các blogger nổi tiếng đã cạn kiệt tình cảm với chiếc kính của Google

Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters, Shevetank Shah, một chuyên viên tư vấn tại Washington DC khẳng định: "Google Glass trông quá kỳ cục. Tôi là một thằng nerd (tạm dịch: mọt sách) thích sưu tập bài ma thuật, nhưng Glass là một lá bài quá thừa thãi".

Sau khi đến tay một số ít người hâm mộ vào năm ngoái và gây "sốt" trong thời gian đầu, Google Glass đã nhanh chóng trở thành một thiết bị bị căm ghét. Bộ phận camera khá rõ ràng trên chiếc kính này khiến mọi người cảm thấy khó chịu với những người dùng Glass, do lo ngại bị chụp lén hoặc quay lén. Một số địa phương tại Mỹ ra điều luật cấm sử dụng Glass tại các địa điểm công cộng hoặc khi lái xe.

Song, điều đáng lo ngại nhất đối với tương lai của Google Glass là sự chán ghét của chính những người hâm mộ cuồng tín đã sẵn sàng bỏ ra tới 1.500 đô la (khoảng 32 triệu đồng) để "được" mua Glass trong những đợt phát hành đầu tiên. Ví dụ điển hình nhất có thể kể tới blogger nổi tiếng Jeff Jarvis, một người tự nhận là "fan vĩ đại nhất của Google". Khi mới sử dụng Glass ít lâu, anh này tuyên bố cảm thấy "xấu hổ"vì đã bỏ tiền ra mua chiếc kính của Google: Glass "nhìn chung là vô dụng", "quá đắt" và "bất tiện".

Một khi ngay cả cộng đồng "fan cuồng" đã không thể chấp nhận nổi Glass, tương lai của chiếc kính này trên thị trường người tiêu dùng coi như đã khép lại. Một điều thật đáng buồn, với cả Google và với cả những người đã từng hy vọng vào một chương mới của thế giới công nghệ.

>> Người Ấn Độ bán 'giày thông minh' thách thức Google Glass

Theo Lê Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM