Vì sao đồng hồ cơ vẫn 'sống' mạnh dù smartwatch đang lên ngôi?

11/09/2014 14:50 PM | Công nghệ

Liệu những chiếc smartwatch đầy hấp dẫn có thể là dấu chấm hết cho đồng hồ cơ đeo tay - sản phẩm "công nghệ" từ thời thế kỷ 16 hay không?

Vừa qua cùng với iPhone 6, chiếc đồng hồ thông minh mang tên Apple Watch đã chính thức được Apple trình làng. Nhiều người sẽ cho rằng những chiếc smartwatch đầy hấp dẫn này có thể là dấu chấm hết cho đồng hồ cơ đeo tay - sản phẩm "công nghệ" từ thời thế kỷ 16. 

Và cũng dường như trong suốt thập kỷ vừa qua, đồng hồ đeo tay đang rơi vào thế "thất sủng" bởi người ta nay đã có điện thoại để xem giờ.

Tiền tỷ vẫn có người mua

Tháng tư vừa qua, thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ Audemars Piguet đã tổ chức sự kiện ra mắt các mẫu mới trong bộ sưu tập đồng hồ Royal Oak Offshore. Liệu có phải tại sự kiện chỉ toàn những ông già "cổ lỗ sĩ" ngồi rủ rỉ với nhau về đồng hồ? 

Không hề, trái lại đó còn là một buổi tiệc sôi động chưa từng có với hơn bảy trăm khách bao gồm rất nhiều gương mặt nổi tiếng. Muốn được chiêm ngưỡng những chiếc đồng hồ thật, có giá siêu "chát" từ 21.000 USD cho tới 800.000 USD, khách phải có giấy mời đặc biệt đến khu vực riêng bên trong một buồng trưng bày được canh gác!

Kourtney Kardashian trong buổi ra mắt bộ sưu tập Royal Oak Offshore của Audemars Piguet.

Cho dù đang bị Apple và các hãng đồng hồ công nghệ khác "lấn át", ngành kinh doanh đồng hồ không những không chết mà còn đi lên một cách đáng kinh ngạc. 

Theo thống kê của Liên Đoàn Công Nghiệp Đồng Hồ Thụy Sĩ, từ năm 2000 đến năm 2013 xuất khẩu đồng hồ hạng sang của Thụy Sĩ vẫn tăng gấp ba từ 2,48 triệu chiếc mỗi năm lên 7,47 triệu.

Tháng bảy vừa qua, hãng đồng hồ Watches of Switzerland, Thụy Sĩ đã khai trương cửa hàng ba tầng đồng hồ sang trọng lớn nhất thế giới tại con phố Regent với 6.000 chiếc đồng hồ trong kho, giá bán dao động từ 3000 USD đến khoảng 1,5 triệu USD. 

Cách đó không xa, nhà sản xuất đồng hồ Patek Philippe cũng mở rộng gấp đôi cửa hàng ở New Bond.

Lý giải cho sức sống mãnh liệt của đồng hồ cơ

Timothy Barber, biên tập viên của tạp chí đồng hồ hạng sang QP nói rằng văn hóa đồng hồ là văn hóa nam tính, chỉ cần nhìn một lượt những cửa hàng đồng hồ đắt tiền ta cũng có thể nhận ra điều đó. "Giống như sưu tầm truyện tranh thì đây lại là một sở thích 'trưởng thành' hơn của đấng nam nhi, không ảnh hưởng về mặt logic nhưng ảnh hưởng về mặt cảm xúc". 

Tựu chung, đây là thứ đồ trang sức mà phái mạnh thích đeo. Chúng giúp chủ nhân "khoe" sự nam tính, hệt như việc lái một chiếc Ferrari vào bar vậy.

Trong tháng bảy, tạp chí công nghệ Wired đã đăng tải phụ trương về đồng hồ, mô tả thêm về một số mẫu đồng hồ cơ không sử dụng đến công nghệ hiện đại. Giám đốc xuất bản Rupert Turnbull cho biết họ làm điều này vì nam giới ngày nay có xu hướng sở hữu hai đồng hồ cùng một lúc, một chiếc mang tính trang sức và một chiếc đồng hồ thông minh.

Thế nhưng dường như nhiều người vẫn ngày một thích đồng hồ cơ. Người đeo đồng hồ bị cuốn hút bởi chính cỗ máy tinh tế nằm trên cổ tay. Những tác phẩm sang trọng này thể hiện đẳng cấp của người đeo. 

Barber nói: "Gần đây người ta có xu hướng coi trọng những thứ được chế tác bằng tay. Trong các cuộc gặp mặt làm ăn, người ta để ý đến đồng hồ của bạn, và bạn cũng để ý đến đồng hồ của họ".

Xét về tính chính xác, các dòng đồng hồ điện tử hiện đại đều nhỉnh hơn đồng hồ cơ. Những người thích công nghệ hiện đại như Mark Todam, đến từ blog WatchGeek, nói: "Nếu tôi muốn xem giờ, thì tôi sẽ nhìn vào điện thoại".

Tuy nhiên, bàn về "thế yếu" này của đồng hồ cơ, giám đốc quản lý phân khúc hàng cao cấp François Le Troquer của Aurum, công ty mẹ của Watches of Switzerland nói như sau: "Tôi thích nhìn đồng hồ hơn. Mọi thứ còn tùy vào việc đến đúng giờ quan trọng ra sao đối với bạn, với một số người, năm phút, mười lăm phút chưa phải là muộn.

Hơn nữa, dù sở hữu một chiếc đồng hồ thạch anh vô cùng chính xác nhưng bạn vẫn luôn tìm kiếm những giá trị khác. Khi sắm một chiếc xe đẹp và sành điệu thì thứ quan trọng không chỉ là vẻ bề ngoài mà còn là những thứ bên trong. Đồng hồ cũng vậy thôi." 

Vậy khi tính chính xác "không mấy quan trọng", thì một chiếc đồng hồ sẽ hấp dẫn người ta qua chi tiết trên dây đeo hoặc thiết kế vỏ, còn chuyển động bên trong thì có thể chỉ ở mức cơ bản là được.

Vài điều thú vị về đồng hồ cơ

 Chiếc đồng hồ "thy cơ" của HYT

Những chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên được sản xuất tại Anh và chỉ dành cho phái nữ. Nữ hoàng Elizabeth I từng được bá tước Robert Dudley tặng cho một chiếc đồng hồ vào năm 1571.

- Tới đầu thế kỷ 20 phái mạnh mới bắt đầu dùng đồng hồ quả quýt.


- Ngày nay ngành đồng hồ ở Anh tuy quy mô còn nhỏ nhưng vẫn đang tăng trưởng. Các thương hiệu như Bremont, Christopher Ward, West Sussex và Robert Loomes đều trứ danh thế giới.


- Roger W Smith ở Isle of Man là một trong những bậc thầy chế tạo đồng hồ lừng danh nhất thế giới. Ông có một danh sách đặt hàng sản phẩm trị giá từ 80.000 USD tới 160.000 USD, trong đó có những khách phải chờ từ bảy đến mười năm.


- Trong khi đó, các thương hiệu mới vẫn xuất hiện ở Thụy Sĩ. HYT còn là một công ty chuyên về đồng hồ "thủy cơ", sản phẩm chỉ có một kim chỉ phút, còn giờ sẽ được thể hiện bằng một ống chất lỏng có màu điều khiển bằng piston.  


>> Vì sao không phải iWatch mà là Apple Watch


Thùy An

vandoan

Cùng chuyên mục
XEM