Thương mại hóa 'Cá tháng Tư'

02/04/2013 21:11 PM | Công nghệ

Ngày Cá tháng Tư đang dần biến thành công cụ quảng cáo thương hiệu cho các doanh nghiệp.

Ngày Cá tháng Tư đã chết! Đó ít nhất là nhận xét của các nhà quan sát sự kiện vốn chỉ là cơ hội để người ta đùa giỡn, trêu chọc nhau mà không sợ bị giận dỗi, nhưng nay đang dần biến thành công cụ quảng cáo thương hiệu cho các doanh nghiệp. 

Mỗi khi tới ngày 1/4, các công ty công nghệ lớn và nhỏ trên thế giới thường tung ra nhiều trò đùa được tính toán cẩn thận. Việc này vừa cho thấy họ biết cách tạo niềm vui, vừa giúp quảng bá miễn phí tên tuổi của công ty. 

Google vô địch đùa bỡn

Năm nay, Google tiếp tục giữ ngai vô địch trong việc đùa cợt nhân ngày Cá tháng Tư, với hàng loạt các trò đùa khác nhau liên quan tới các sản phẩm của công ty. Đơn cử như việc dịch vụ bản đồ Google Maps thông báo việc đang đưa vào sử dụng một tấm bản đồ kho báu cũ đã 315 năm tuổi. 

Tấm bản đồ này được các thợ lặn đang chụp ảnh phục vụ dịch vụ bản đồ dưới nước của Google Maps tình cờ tìm thấy. Nó thuộc về tên cướp biển William "Captain" Kidd và có chứa "các manh mối cũng như biểu tượng bí hiểm". Công ty đã kêu gọi người dùng toàn cầu tham gia tìm kiếm kho báu, nhưng cũng nhắc nhở họ cảnh giác trước những tên cướp biển.

Tương tự, trang tìm kiếm nổi tiếng của Google công bố việc cung cấp dịch vụ Google Nose, trong đó nếu người dùng gõ một số cụm từ như quả sầu riêng, khu cắm trại, mũ của ông nội hay syro lá phong, một dòng mô tả về mùi đặc trưng liên quan tới các cụm từ này sẽ hiện lên, bên cạnh một nút đề chữ "ngửi" rất to có màu xanh, nằm cạnh kết quả tìm kiếm. 

Google nói rằng theo "cơ sở dữ liệu mùi hương" của hãng, cố Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln có mùi giống "tàn dư mốc meo của lịch sử Mỹ". Hãng cũng nói rằng kho dữ liệu mùi hương với 15 triệu đề mục của mình đã được thu thập thông qua các thiết bị sử dụng Android (một cách quảng bá khéo léo cho hệ điều hành do Google tạo ra) và qua những chiếc xe thông minh.

YouTube, công ty con thuộc Google thì tuyên bố việc đã đóng cửa hoàn toàn. Công ty nói rằng 8 năm qua thực tế chỉ là một cuộc thi để xem đoạn video nào tuyệt vời nhất đã được tạo ra. YouTube cuối cùng đã có thể thu thập đủ các tác phẩm dự thi và đang trong tiến trình lựa chọn người chiến thắng. Tiến trình lựa chọn sẽ kéo dài 10 năm, với 150.000 người lọt vào chung kết. 

Để tăng thêm sức nặng, những nhân vật từng nổi tiếng qua YouTube như Charlie trong đoạn video Charlie Bit My Finger (Charlie cắn tay tôi) đã xuất hiện trong đoạn video thông báo về cuộc thi của YouTube.

Các nỗ lực trêu chọc người dùng (và quảng bá thương hiệu) khác của Google gồm việc thông báo triển khai dịch vụ Gmail Blue (mọi thứ trong dịch vụ thư điện tử Gmail đều được thiết kế lại với màu xanh), dịch vụ Google+ tự động phát hiện và sử dụng biểu tượng mặt cười, dịch vụ Google Fiber sẽ lắp các điểm phát sóng wifi tại các cột điện! 

Các “ông lớn” cũng tranh thủ để PR

Không chịu kém cạnh, Twitter cũng tham gia cuộc chơi bằng thông báo rằng công ty sẽ chia đôi, một nửa sẽ chuyển thành phiên bản thu phí, trong đó thu phí sử dụng các nguyên âm là 5 USD/tháng. Nửa còn lại miễn phí mang tên "Twttr", sẽ chỉ cho phép người dùng sử dụng phụ âm. Tuy nhiên nguyên âm "Y" sẽ tiếp tục được cho sử dụng miễn phí và độ dài của các tin nhắn tweet sẽ tăng lên 141 ký tự. 

"Chúng tôi làm điều này bởi tin rằng thông qua việc loại bỏ các nguyên âm, chúng tôi sẽ khuyến khích một hình thức giao tiếp hiệu quả hơn..." - công ty nói trên blog của họ trong ngày 1/4. Thực tế các sáng lập viên Twitter cũng từng cân nhắc việc sử dụng một cái tên không có nguyên âm khi đặt tên cho mạng xã hội này.

Nokia "nổ súng" xung trận bằng thông báo hãng sẽ làm một chiếc lò vi sóng có màn hình cảm hứng, tích hợp công nghệ theo dõi mắt nhìn và hệ thống chụp ảnh đồ ăn tự động. Thiết bị mang tên Nokia 5AM-TH1N6 Constellation sẽ có giá bán lẻ 399 euro (khoảng 511 USD) và công ty đã tính tới việc bán một số phiên bản trợ giá rẻ hơn. 

"Thêm nhiều mẫu lò nữa, gồm một phiên bản mini hướng tới những người không cầu kỳ về ăn uống và một mẫu lò nhỏ chừng 20cm chẳng nhắm cụ thể tới ai, đã được lên kế hoạch sản xuất" - công ty tuyên bố trên blog.

Tờ Daily Express loan tin “Cá tháng Tư” là Nữ hoàng Anh Elizabeth đã cho thuê sạch các căn phòng ở Điện Buckingham để có tiền chi tiêu

Sony chẳng kém cạnh khi nói rằng công ty đang triển khai một dòng tai nghe mới dành cho chó, mèo và thậm chí là chuột lang, gọi là Animalia. Công ty viễn thông KDDI của Nhật Bản chào bán một chiếc điện thoại di động mới, thực tế là một chiếc giường, nhằm giúp người dùng thậm chí không cần phải đứng dậy để gọi điện.

Hãng nước súc miệng Scope của công ty Procter & Gamble đã giới thiệu một mẫu nước súc miệng mới có mùi... thịt xông khói.

Càng ngày càng nhạt?

Trong bối cảnh các trò đùa (khó gây cười) như ở trên càng lúc càng nhiều, vẫn còn vài câu chuyện mang hơi hướng truyền thống.

Trang tin Yahoo phiên bản tiếng Pháp đã giật tít trên trang nhất nói rằng để tiết kiệm tiền trong bối cảnh thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng, Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ dọn khỏi điện Elysee và tới sống tại một trong những khu ngoại ô của Paris. 

Tờ Daily Mail của Anh đã viết về việc một công ty đã huấn luyện những con cú để chúng có thể đưa thư như trong truyện Harry Porter.

Đối thủ của nó là Daily Express cho biết Nữ hoàng Anh Elizabeth đã cho thuê sạch các căn phòng ở Điện Buckingham để có tiền chi tiêu. Tuy nhiên do lo ngại việc độc giả lo lắng gọi tới, tờ báo đã vội vã loan báo rằng đây chỉ là một trò đùa. 

Tờ Sun đã chỉnh sửa một tấm ảnh để có kết quả ca sĩ Mick Jagger đang đứng trước một căn lều và nói rằng ban nhạc siêu giàu Rolling Stones đang chuẩn bị cho liên hoan rock Glastonbury bằng cách tập luyện ngoài trời, tại khu cắm trại Rolf Apilo.

Tờ La Poste của Pháp lại nêu bật sự khó khăn của báo in, khi nói rằng để cạnh tranh trong thời đại mới, tờ báo sẽ thuê máy bay không người lái để chuyển ấn phẩm tới cho độc giả. 

Xét về tổng thể, các trò đùa năm nay khá vụng về và chúng giống như lời thú nhận về sự thất bại của một hình thức giải trí từng rất trong sáng và rất thịnh trước đây, đơn cử như việc đài truyền hình BBC dựng một chương trình truyền hình hết sức thuyết phục và lừa cho khán giả tin về sự tồn tại của cây mỳ ống. 

Theo Tường Linh

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM