Thứ trưởng Bộ TTTT: 4G để làm gì? Nếu chỉ để lướt web, gửi thư thì chưa cần...

27/03/2015 09:02 AM | Công nghệ

“Quá trình thử nghiệm 4G, cơ bản về mặt công nghệ mà nói, đã đáp ứng được yêu cầu về việc triển khai công nghệ này ở Việt Nam. Ở góc độ thị trường kinh tế thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố".

Nội dung nổi bật:

- Triển khai 4G tại Việt Nam, phải chọn thời điểm chín muồi. Trước đây đã có bài học khi triển khai CDMA tại Việt Nam. Công nghệ CDMA tại Việt Nam trước đây chỉ được sử dụng duy nhất tại S-fone – đơn vị đã phát triển rầm rộ vào năm 2008 và dần đi xuống, gần như không tồn tại vào năm 2012.

- “4G để làm gì? Nếu chỉ để lướt web, gửi thư thì chưa cần đến 4G, vì 3G ngày càng tốt hơn. 4G chủ yếu dùng cho các dịch vụ như xem phim, video, chơi game hoặc tải các ứng dụng rất lớn. Để phát triển như thế, công nghiệp nội dung cũng phải phát triển đồng bộ”.


2016 sẽ triển khai 4G

* Công nghệ 4G LTE (Long Term Evolution - Tiến hóa dài hạn) được coi là công nghệ tiên tiến vượt trội so với công nghệ 3G Việt Nam đang dùng đại trà. Lộ trình xây dựng và triển khai việc ứng dụng công nghệ này ở Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng: Khi công nghệ 4G bắt đầu phát triển trên thế giới, ngay từ năm 2010, Bộ Thông tin và Truyền thông bắt đầu có những tiêu chí, xây dựng việc áp dụng công nghệ này. Khi nghiên cứu các cơ chế chính sách phát triển cho 4G, chúng tôi thấy thời điểm thích hợp để triển khai 4G tại Việt Nam là rất quan trọng.

Điều này rút ra từ bài học khi chúng ta triển khai 3G. 3G chính thức bắt đầu từ năm đầu của thế kỷ này, nhưng đến năm 2009 mới vào Việt Nam. Thời điểm cấp phép 3G là khi các thiết bị, đặc biệt thiết bị đầu cuối như máy tính bảng, điện thoại smartphone giá rất rẻ. Nên, khi chúng ta đưa dịch vụ 3G vào, số lượng người dùng phát triển rất nhanh, đáp ứng được yêu cầu của xã hội.

Mình là nước đang phát triển, không phải nước sản xuất ra công nghệ nguồn, nên chúng ta phải xem xét, khi công nghệ chín muồi và số lượng người dùng công nghệ ấy trên thế giới khá phổ biến, khi áp dụng vào Việt Nam sẽ thành công.

Trước đây đã có bài học khi triển khai CDMA (công nghệ được sử dụng duy nhất tại S-fone – đơn vị đã phát triển rầm rộ vào năm 2008 và dần đi xuống, gần như không tồn tại vào năm 2012 - PV) tại Việt Nam. Khi đó, công nghệ này rất tốt, nhưng tính phổ biến rất hạn chế, cho nên khi triển khai tại Việt Nam, nó cũng chưa ổn.

Căn cứ vào nguyên tắc ấy, chúng tôi đã xây dựng lộ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo quy hoạch Phát triển Viễn thông quốc gia đã được phê duyệt, năm 2015 trở đi sẽ nghiên cứu và cho áp dụng công nghệ 4G tại Việt Nam. Căn cứ vào quy hoạch đó, năm 2014 vừa qua đã cho các doanh nghiệp thử nghiệm công nghệ 4G LTE. Ngày 1/3 vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành thông tư cho phép triển khai công nghệ 4G LTE vào băng tần 1.800 Mhz mà các doanh nghiệp đang sử dụng.

Theo lộ trình, bắt đầu từ năm 2016, sẽ chính thức cấp phép để triển khai 4G.

* Rút kinh nghiệm từ việc phát triển 3G và thời gian thử nghiệm 4G, theo ông nhìn nhận, đâu là dấu hiệu tốt để chuyển sang 4G?

Thứ nhất, theo báo cáo, đến cuối 2014, có gần 500 triệu thuê bao 4G trên thế giới. Chủng loại thiết bị đầu cuối để phục vụ 4G cũng rất phong phú. 4G ngày càng trở thành xu thế công nghệ phổ biến, đấy là tiền đề quan trọng để Việt Nam triển khai công nghệ này.

Thứ hai, 3G tương đối phổ biến, nhưng cũng khá hạn chế về tốc độ. Bên cạnh việc hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, chính phủ điện tử trên di động, triển khai 4G cũng hỗ trợ sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

4G để làm gì? Nếu chỉ để lướt web, gửi thư thì chưa cần..

* Các hãng viễn thông lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT Telecom... đã thử nghiệm công nghệ mới này. Kết quả thử nghiệm thế nào, thưa ông?

Cơ bản về mặt công nghệ mà nói, đã đáp ứng được yêu cầu về việc triển khai công nghệ này ở Việt Nam. Còn góc độ thị trường kinh tế thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

* Đâu là khó khăn, thách thức của cơ quan quản lý khi triển khai công nghệ này?

Để triển khai 4G, phải tính đến các yếu tố:

Một là, băng tần. Hiện băng tần Việt Nam tương đối sẵn sàng. Có hơn 200 Mhz sẵn sàng cho công nghệ 4G.

Hai là, để triển khai 4G thì phải chọn thời điểm chín muồi và các thiết bị không quá đắt. Nếu không, đầu tư của doanh nghiệp sẽ rất khó khăn.

Thiết bị trên mạng lưới chỉ là một phần. Doanh nghiệp đầu tư 1 tỷ USD thì xã hội cũng phải đầu tư 1 tỷ USD để mua sắm. Có lẽ, khó khăn hiện nay, một là giá cả thiết bị đầu cuối cho 4G còn tương đối đắt. Tuy trên thế giới còn triển khai rất nhiều chủng loại, nhưng so với thu nhập của người dân Việt Nam, những máy hỗ trợ 4G như iPhone 5, 6, các thiết bị của samsung đời mới trong thời gian gần đây, ở Việt Nam còn đắt, có giá từ 7, 8 -10 triệu đồng, chưa có thiết bị 4G ở mức giá 1 - 2 triệu đồng, phổ cập với người dùng.

Đó cũng là rào cản khi triển khai 4G chưa thu hút được số đông người dùng mà mới nhằm vào phân khúc cao cấp phía trên. Đấy là bài toán cho doanh nghiệp khi đầu tư vào công nghệ 4G.

4G để làm gì? Nếu chỉ để lướt web, gửi thư thì chưa cần đến 4G, vì 3G ngày càng tốt hơn.

4G chủ yếu dùng cho các dịch vụ như xem phim, video, chơi game hoặc tải các ứng dụng rất lớn. Để phát triển như thế, công nghiệp nội dung cũng phải phát triển đồng bộ.

* Xin cảm ơn ông!

>> Người Lào đã được sử dụng mạng 4G

Thanh Thủy (ghi)

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM