Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Nếu bằng tuổi, tôi sẽ rất ghen tị với các bạn”

13/08/2015 08:00 AM | Công nghệ

"Không giống như thế hệ trước, các bạn là một thế hệ doanh nhân trẻ đi lên bằng công nghệ mới, là chất xám. Các bạn là những người dám mơ ước, dám vượt qua được giấc mơ của mình. Đó là những thứ đáng ngưỡng mộ. Nếu bằng tuổi, tôi sẽ rất ghen tị với các bạn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ.

Đó là câu nói của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ trong buổi gặp gỡ với cộng đồng Startup Việt Nam tại Văn phòng Chính Phủ.

Cùng với ông Đam, tham dự buổi gặp gỡ này còn có lãnh đạo của nhiều bộ ban ngành: Bộ Tài chính, bộ Kế hoạch Đầu tư, bộ Khoa học Công nghệ, Tổng công ty vốn Nhà nước SCIC…

Đa phần thời gian của buổi gặp gỡ diễn ra trong không khí vui vẻ, thân mật. Mặc dù vậy, nó vẫn cho thấy thái độ của Chính phủ: Thể hiện sự quan tâm nghiêm túc tới các DN khởi nghiệp trong nước.

Hết thời ‘rừng vàng, biển bạc’

“Nhìn vào kinh tế Việt Nam, chúng ta có thể thấy những người giàu nhất hiện nay đi lên nhờ thâu tóm bất động sản, tiếp nữa là làn sóng đầu tư ngân hàng, chứng khoán. Thế hệ tiếp theo sẽ hoàn toàn khác”, PTT Vũ Đức Đam chia sẻ.

Cũng giống như các nền kinh tế khác trên thế giới, Việt Nam cũng trải qua những làn sóng đầu tư vào tài nguyên, khoáng sản và đất đai. Theo thời gian, khi những ngành đầu tư này dần bão hóa, hay nói một cách khác là không còn nhiều “đất” để các DN đầu tư nữa, nền kinh tế cần có những động lực mới để thúc đẩy sự phát triển.

Công nghệ có thể sẽ là một câu trả lời.

Kể từ những năm 1990, startup đã là xu thế phát triển trên thế giới. Đây là những công ty công nghệ hình thành nên từ những ý tưởng, đưa ra những giải pháp mới thúc đẩy sự phát triển của thế giới. Có thể kể tới những cái tên như Intel, Facebook hay Google.

Sau bong bóng dotCom, làn sóng đầu tư vào công nghệ đến nay lại tiếp tục bùng nổ. Những công ty công nghệ tiềm năng như Uber hay Airbnb có thể gọi vốn đến hàng chục tỉ đô chỉ sau một thời gian ngắn.

Tại Việt Nam, startup mới chỉ bắt đầu manh nha khoảng mười năm trở lại đây, nhờ những lợi ích từ sự phát triển không ngừng của hạ tầng viễn thông và mạng Internet.

Trong quãng thời gian ngắn ngủi đó, đã xuất hiện những startup thành công. Ở thị trường trong nước, VNG hay VCCorp đã phát triển và trở thành những công ty trị giá hàng trăm triệu đô la. Ở nước ngoài, cũng có những tên tuổi Việt vang danh (ngay cả ở thung lũng Silicon) như Đỗ Hoài Nam, sáng lập của Emotiv và SeeSpace.

Cho đến vài năm trở lại đây, làn sóng khởi nghiệp đang rất mạnh mẽ khi ngày càng nhiều startup mới nổi xuất hiện: Giaohangnhanh, Topica, Foody, Tiki,… với sự tham gia của các quỹ đầu tư ngoại như IDG, CyberAgent, VinaCapital, và cả quỹ đầu tư trong nước như Seedcom.

Nếu so về quy mô, các startup tại Việt Nam chưa thể gọi là lớn, đa phần là các DN vừa và nhỏ. Vì vậy, cũng giống như thế giới, điều mà Chính phủ quan tâm tới cộng đồng startup đến từ tiềm năng phát triển của nó nhiều hơn là những gì nó đang thực sự đóng góp.

Để cộng đồng những startup có thể thực sự phát triển mạnh mẽ, sự hỗ trợ từ phía Chính phủ là không thể thiếu. Đó là lý do Phó Thủ tướng và những quan chức cao cấp của Chính phủ có mặt trong buổi gặp gỡ này.

“Không giống như thế hệ trước, các bạn là một thế hệ doanh nhân trẻ đi lên bằng công nghệ mới, là chất xám. Các bạn là những dám mơ ước, dám vượt qua được giấc mơ của mình. Đó là những thứ đang ngưỡng mộ. Nếu bằng tuổi, tôi sẽ rất ghen tị với các bạn”, ông Vũ Đức Đam chia sẻ.

Lời hứa của Phó Thủ tướng

Trình Tuấn, nhà sáng lập của Babyme chia sẻ, khi thành lập startup tại Việt Nam, anh đã gặp rất nhiều khó khăn để tiếp nhận được vốn của nước ngoài. Cuối cùng, anh phải đi đường vòng là thành lập một công ty khác ở Singapore, công ty Việt Nam chỉ hoạt động trên danh nghĩa là outsourcing cho công ty này.

“Sản phẩm của Việt Nam, công sức của Việt Nam lại phải đặt tại Singapore, đóng thuế cho Singapore”, Tuấn chia sẻ.

Đây cũng là một dạng chảy máu chất xám đáng báo động. Misfit, startup của người Việt rất thành công với sản phẩm chăm sóc sức khỏe tại Mỹ nhưng không hề có mặt tại Việt Nam.

Những bất cập trong cơ chế khiến việc tiếp nhận vốn đầu tư hay những ưu đãi của Chính phủ chưa đến được với cộng đồng này. Khá nhiều vấn đề đáng quan tâm được đưa ra. Đó là những ưu đãi thuế cho DN cung cấp dịch vụ trên Internet, vấn đề rào cản trong việc tiếp nhận vốn đầu tư ngoại, hay kể cả những vấn đề nhạy cảm như sự chèn ép của các doanh nghiệp cùng ngành… những trở ngại trên không chỉ một bộ có thể giải quyết, mà cần có sự phối hợp của nhiều ban ngành khác nhau.

“Vấn đề các bạn nêu hôm nay chúng tôi sẽ làm. Những điều các bạn nêu nghe có vẻ dễ, nhưng thật ra không dễ. Nó có những vấn đề khó mà chúng tôi phải tìm cách khắc phục. Nhưng như một người bạn, chúng tôi hứa sẽ ủng hộ hết sức trong trách nhiệm”, ông Vũ Đức Đam phát biểu.

Lời hứa của ông Đam có thể tạm an lòng những người khởi nghiệp trẻ tuổi.

Nếu nhìn vào các quốc gia như Hàn Quốc, Singapore hay kể cả Malaysia, có thể thấy mức hỗ trợ của họ và startup là rất lớn thông qua những đòn bẩy tài chính. Chẳng hạn, chính phủ Hàn Quốc có những vườn ươm cho các công ty công nghệ để cơ quan quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ đổ vốn vào. Tương tự tại Singapore và Malaysia, chính phủ có những quỹ đầu tư và cơ chế để thu hút không chỉ startup trong nước mà kể cả các startup nước ngoài cũng dễ dàng thành lập công ty tại đây.

Dù khởi đầu chậm hơn, cộng đồng startup Việt Nam vẫn rất hy vọng. Bản thân Hàn Quốc mới chỉ bắt đầu chuyển mình từ vài năm trở lại đây. Trước năm 2007, gần như không có nhà đầu tư nào muốn đổ tiền cho các startup, cũng như rất khó kết nối được với nhà đầu tư của nước ngoài.

Mọi thứ có thể thay đổi rất nhanh nếu có sự tham gia của Chính phủ.

Phạm Kim Hùng, sáng lập TechElite, đồng thời là một thành viên của dự án xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam - Vietnam Silicon Valley (VSV) chia sẻ, "Nếu nhìn vào sự phát triển của thung lũng Silicon, có thể thấy startup chính là trái tim của sự phát triển. Các công ty lớn rất giỏi về một vấn đề, nhưng để đột phá thì phải là startup. Google, Facebook là những startup thay đổi thế giới như vậy".

“Ưu thế giúp các startup làm được như vậy đó là vì họ sẵn sàng hy sinh,còn những công ty lớn luôn phải hướng tới giải pháp an toàn hơn”.

Với những thay đổi nghiêm túc từ phía Chính phủ, biết đâu một ngày Việt Nam cũng có thể làm điều tương tự bạn bè quốc tế: biến các startup trở thành động lực phát triển nền kinh tế.

Trang Lam

Cùng chuyên mục
XEM