Phát hiện một loại vi khuẩn ăn nhựa có thể cứu hàng triệu bãi rác

21/03/2016 09:41 AM | Công nghệ

Nhựa không thể phân hủy? Chuyện đã xưa lắm rồi. Các nhà khoa học vừa phát hiện ra một loại vi khuẩn mới có khả năng ăn được nhựa!

Trong trường hợp bạn đã quên mất bài học môn Khoa học năm xưa, thì câu chuyện là thế này: Một thứ bị phân hủy sinh học tức là nó bị làm cho thối rữa ra, và quá trình phân hủy này được thực hiện bởi vi khuẩn.

Trước nay, nhựa vẫn được cho là thứ không thể phân hủy, vì chẳng có con vi khuẩn nào có thể “làm thịt” nhựa. Tuy nhiên, tình hình có vẻ sắp thay đổi rồi.

Một nhóm các nhà khoa học Nhật Bản đã phát hiện ra loại vi khuẩn ăn nhựa PET tại khu tái chế rác thải.

Các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho loại vi khuẩn mới này là Ideonella sakaiensis, trong đó “Sakai” chính là thành phố nơi người ta tìm ra loại vi khuẩn này. “Chúng là thứ độc đáo nhất. Loại vi khuẩn đó có thể phân rã nhựa PET và sinh sôi từ nhựa PET” – ông Shosuke Yoshida cho biết. Ông Yoshida là một nhà vi sinh vật học tại đại học Kyoto, đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu xuất bản trên tạp chí khoa học Science.

PET hay còn gọi là polyethylene terephthalate, là loại nhựa được dùng để làm vỏ chai nước, các loại sản phẩm vệ sinh hoặc làm đồ đựng mĩ phẩm.

Loại vi khuẩn này có thể phân giải nhựa thành carbon và nước.

Nhựa được cấu tạo bởi các chuỗi hydrocarbon dài, bao gồm các nguyên tử hydro và carbon. Các nguyên tử này thực chất lớn hơn kích thước của con vi khuẩn rất nhiều, do đó vi khuẩn không thể trực tiếp “ăn” nó. Thay vào đó, nó sản sinh ra 2 loại enzim để phá vỡ cấu trúc phân tử nhựa, sau đó mới từ từ “thưởng thức!”

Nhóm nghiên cứu đã thu thập loại vi khuẩn này, sau đó quan sát chúng phân rã một mẩu phim nhựa trong 6 tuần.

Tin tốt và tin xấu

Hiện nay, ước tính mỗi năm có từ 4 đển 12 triệu tấn nhựa được xả xuống biển, và đó mới chỉ là một phẩn nhỏ so với lượng nhựa được sản xuất ra mà thôi.

Tin tốt là, nếu như loại vi khuẩn này được nuôi và rải rác ra những bãi chứa chất thải, chúng có thể giúp loài người phần nào xử lí được vấn nạn rác thải nhựa.

Tin xấu là, loại vi khuẩn này sinh sôi vô cùng nhanh, nhưng lại ăn cực kì chậm. Bằng chứng là chúng mất tới 6 tuần để “xơi” hết một mẩu nhựa bé xíu. Theo các nhà nghiên cứu, loại vi khuẩn này không hẳn là giải pháp cho vấn đề rác thải nhựa. Lí do là, nếu chúng có thể giải quyết được vấn đề, thì hiển nhiên giờ này chúng đã có mặt ở các bãi rác trên khắp thế giới rồi.

Một nỗi lo khác chính là vấn đề đồ chứa đựng. Người ta sử dụng nhựa để chứa đựng bởi vì nhựa chống thấm và chống vi khuẩn. Nếu như giờ đây nhựa không còn kháng khuẩn, chúng ta sẽ không thể chứa đồ ăn, thức uống và hàng triệu đồ dùng khác trong đồ dùng bằng nhựa nữa.

Nói chung, tất cả những gì chúng ta có thể làm bây giờ là hi vọng các nhà nghiên cứu có thể đưa phát hiện này tiến xa hơn nữa và tìm ra cách cứu hành tinh này!

Minh Hằng

Cùng chuyên mục
XEM