Người khổng lồ Qualcomm gặp nguy - vì đâu nên nỗi?

15/11/2015 20:58 PM | Công nghệ

người khổng lồ từng chiếm 95% thị phần toàn cầu về vi xử lý cho smartphone, đang trải qua thời kỳ khó khăn, khi thị phần, doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm nghiêm trọng. Điều này đều làm mọi người đặt ra câu hỏi "Vì sao vậy Qualcomm?"

Bản báo cáo tài chính quý 3 của Qualcomm đã được công bố, và các con số trong đó nhanh chóng khẳng định những khó khăn mà công ty đang gặp phải. Doanh thu và lợi nhuận của quý 3 đều cho thấy sự sụt giảm trầm trọng của công ty này. Từ mức tăng trưởng 30% của ba năm trước, giờ doanh thu quý 3 của Qualcomm ghi nhận mức giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận quý 3 giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ giảm so với năm ngoái, lợi nhuận và doanh thu của quý này còn giảm tiếp so với mức quý trước.


Báo cáo tài chính quý 3 - 2015 của Qualcomm

Báo cáo tài chính quý 3 - 2015 của Qualcomm

Câu hỏi đặt ra là tại sao một công ty từng nắm giữ đến 95% thị phần chip di động toàn cầu lại nhanh chóng sa sút đến như vậy. Không chỉ sa sút ở phân khúc giá rẻ trước MediaTek, ngay cả phân khúc cao cấp vị trí của hãng cũng bị đe dọa nghiêm trọng.

Phân khúc giá rẻ: MediaTek dồn ép

Theo báo cáo mới nhất của BI Intelligence, trong năm 2014 đã có khoảng 1,3 tỷ smartphone được xuất xưởng, trong đó xấp xỉ 50% số smartphone xuất xưởng đến từ thị trường Trung Quốc, với hơn 500 triệu chiếc. Mặc dù là một thị trường có nhu cầu khổng lồ vê smartphone, nhưng với bình quân thu nhập đầu người Trung Quốc vẫn còn kém xa so với các nước phát triển như Mỹ hay châu Âu nên điều dễ nhận ra yếu tố giá cả đã trở thành vũ khí quyết định để đạt được thành công ở thị trường màu mỡ này.

Để có thể cho ra đời những chiếc smartphone với giá cả hợp túi tiền người tiêu dùng Trung Quốc, ngoài nguồn lao động giá rẻ vốn là thương hiệu đã làm nên "công xưởng Trung Quốc", các nhà sản xuất cần phải có nguồn linh kiện giá rẻ. Với phương châm “lấy lợi nhuận từ số đông hơn là số ít”, MediaTek không chỉ đưa ra các sản phẩm có giá rẻ, mà còn cung cấp trước các bản thiết kế chip, giúp các nhà sản xuất tích hợp vào thiết bị nhanh hơn. Điều này làm cho MediaTek trở thành nhà cung cấp chip xử lý chính cho các nhà sản xuất của Trung Quốc.


Sự trỗi dậy của MediaTek

Sự trỗi dậy của MediaTek

Theo Ryan Reith, giám đốc bộ phận di động của hãng nghiên cứu IDC, tính đến quý 3 năm 2013, đã có 46% số smartphone toàn cầu có mức giá trung bình 200USD hoặc thấp hơn. Tại Ấn Độ, thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, theo thống kê của Dazeinfo Inc., hết quý 1 năm 2015, gần 71% số smartphone giao cho khách hàng có giá trung bình dưới 200USD. Với quy mô như vậy, không chỉ các nhà sản xuất smartphone tại Trung Quốc, ngay đến các nhà sản xuất nối tiếng trên thế giới như Sony, HTC, cũng muốn tham gia vào phân khúc này.

Và đó là lý do cho các phiên bản sử dụng chip MediaTek của các nhà sản xuất danh tiếng này.

- Qualcomm không phải là không có các sản phẩm giá rẻ để cạnh tranh với đối thủ. Nhưng dường như phân khúc phổ thông không phải lợi thế của Qualcomm vì khi so sánh với các chip cùng mức giá của MediaTek, cấu hình sản phẩm và các tính năng của Qualcomm đều thua sút hơn.


Bảng so sánh giữa hai chip cùng mức giá MediaTek MT6589 và Qualcomm Snapdragon 400 MSM8228

Bảng so sánh giữa hai chip cùng mức giá MediaTek MT6589 và Qualcomm Snapdragon 400 MSM8228

Hay một phân khúc cao hơn, tầm trung giữa Qualcomm Snapdragon 615 MSM8939 và MediaTek MT6752


Bảng so sánh giữa Qualcomm Snapdragon 615 MSM8939 và MediaTek MT6752

Bảng so sánh giữa Qualcomm Snapdragon 615 MSM8939 và MediaTek MT6752

Phân khúc cao cấp: Samsung, Google muốn chia tay

Nếu như tại phân khúc giá rẻ, MediaTek đang lần lướt Qualcomm, thì tại phân khúc cao cấp, vốn là lợi thế lâu nay của hãng này, vị trí của Qualcomm cũng không còn an toàn. Chiếc smartphone cao cấp và mới nhất của Samsung, Galaxy S6 và S6 plus, đã không còn có phiên bản nào sử dụng chip của Qualcomm như thường lệ.

Với Snapdragon 810, chip mới nhất của Qualcomm đang được sử dụng trên nhiều thiết bị cao cấp, các vấn đề về nhiệt độ quá cao dẫn đến hao pin cũng như tuổi thọ, có thể đã làm Samsung e ngại. Trước đây, Samsung thường phải lựa chọn chip Snapdragon trên nhiều thiết bị của mình do CPU được tích hợp sẵn modem LTE, đáp ứng nhu cầu về internet tốc độ cao cho thị trường Hàn Quốc.

Tuy nhiên, với quy trình 14nm, chip Exynos 7420 mang lại tốc độ xử lý cao hơn, tiết kiệm pin hơn so với Snapdragon 810 – vốn vẫn dùng quy trình 20nm. Dường như nhược điểm của Snapdragon 810 đã buộc Samsung phải chấp nhận đánh đổi, để sử dụng chip Exynos của riêng hãng. Với việc bị từ chối trên dòng Galaxy S6, Qualcomm có lẽ đã mất đi hàng triệu đơn vị sản phẩm cũng như vô số lợi nhuận từ dòng sản phẩm cao cấp này.


Điểm Antutu cao hơn hẳn của Exynos 7420 so với Qualcomm 810

Điểm Antutu cao hơn hẳn của Exynos 7420 so với Qualcomm 810

Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn không chỉ nằm ở vấn đề quá nhiệt trên Snapdragon 810. Theo báo cáo của ETNews, vào cuối năm 2014 Samsung đã đầu tư 15 tỷ USD để xây một nhà máy sản xuất chip tại Pyeongtaek, Hàn Quốc. Dường như với Samsung, chip Exynos mà hãng tự thiết kế và sản xuất sẽ không chỉ xuất hiện trong một số phiên bản điện thoại đặc biệt nào đó. Với thị phần smartphone hàng đầu thế giới, việc sử dụng các con chip do tự mình phát triển sẽ giúp Samsung tiết kiệm được vô số chi phí.

Ngoài ra, hẳn mọi người cũng biết hiện Samsung là một trong những nhà cung cấp màn hình smartphone cho Apple, vậy sao Samsung không cạnh tranh với Qualcomm trên mảng chip di động này? Khi mà hãng đã tự thiết kế được chip cho bản thân mình? Khi mà thị trường smartphone vẫn được dự báo sẽ còn tăng trưởng tiếp trong tương lai.

Và cũng mới đây, Google cũng phát đi thông điệp muốn tự làm chip xử lý riêng. Nếu điều đó trở thành sự thật, nó sẽ còn khiến Qualcomm lâm vào cảnh khốn khó hơn bây giờ rất nhiều.


Google, Samsung không còn muốn chơi cùng Qualcomm

Google, Samsung không còn muốn chơi cùng Qualcomm

Tuy nhiên, dù khó khăn đang tràn ngập cho Qualcomm nhưng có lẽ hiện tại vẫn chưa là quá muộn. Theo nguồn tin từ ETNews, Samsung đã hợp tác trở lại với Qualcomm cho chip xử lý cho Galaxy S7, dù chưa chắc chắn. Ngoài ra, danh tiếng về sự ổn định, hiệu năng tốt của Snapdragon vẫn là yếu tố giúp mang lại các khách hàng phân khúc phổ thông cho Qualcomm. Ngoài ra, hãng vẫn còn một quỹ tiền mặt khoảng 21 tỷ USD, và thị phần toàn cầu khoảng 66%.

Nhưng nếu Qualcomm không nhanh chóng tìm ra lối thoát cho mình, thì có thể tin xấu sẽ đến nhanh hơn và nhiều hơn hiện tại.

Theo Nguyễn Hải

Cùng chuyên mục
XEM