Motorola đã sai lầm nghiêm trọng khi bắt tay với Steve Jobs

18/04/2015 16:10 PM | Công nghệ

Thành công vang dội với việc sản xuất ra chiếc ĐTDĐ đầu tiên của thế giới, nhưng cũng chính ĐTDĐ đã gây ra cuộc chiến tranh nội bộ thảm khốc trong Motorola, khởi đầu cho chuỗi thất bại liên tiếp trước Nokia và đặc biệt là cái bắt tay sai lầm với cố CEO Apple, Steve Jobs.

Như đã nói ở bài trước, Motorola là hãng đã tạo ra chiếc điện thoại di động đầu tiên trên thế giới. Chính ĐTDĐ đã đưa Motorola “ngập trong tiền bạc”. Tuy nhiên, thành công trên cũng mang đến một luồng gió độc hại vào nền văn hóa tập đoàn của Motorola. Các nhân viên trong bộ phận an ninh công cộng, những người sản xuất sản phẩm cho cơ quan an ninh, cứu hỏa, không khỏi xao xuyến khi thấy bộ phận máy ĐTDĐ giàu lên trông thấy.

Nhân sự của mảng ĐTDĐ ồ ạt mua xe hơi siêu sang vào ngày họ nhận tiền thưởng. Thậm chí, trong bữa tiệc kỷ niệm hàng năm, phòng marketing của bộ phận ĐTDĐ đã thuê cả những người mẫu nam trong bộ trang phục hình những tờ đô la xanh to lớn, và hát vang bài hát “We’re in the Money” (Chúng tôi đang ngập trong tiền bạc).

Người Motorola gọi thời đại “chiến tranh bộ lạc” bắt đầu. Những cuộc tranh giành, đấu đá giữa những người đứng đầu làm rung chuyển cả công ty. Các CEO William Weisz (thời 1986-88) và sau đó là George Fisher (1988-93) thừa nhận thảm kịch đấu đá nội bộ và họ hầu như không làm gì để ngăn chặn. Kết quả là, không hề có một kế hoạch kết nối nào giữa mảng công nghệ mạng và mảng công nghệ ĐTDĐ. Hai bên hoạt động hoàn toàn độc lập, và hoàn toàn theo những định hướng khác nhau. Các kỹ sư mạng lưới của Motorola đều dùng điện thoại có link kiện do Qualcomm sản xuất, trong khi Qualcomm là một trong những đối thủ quyết liệt nhất của Motorola ở mảng bán dẫn. “Không hề có một chiếc điện thoại Motorola nào trong tòa nhà”, một người của Motorola nhớ lại. “Mặc dù bộ phận thiết bị di động đang phải cạnh tranh khắc nghiệt để chống lại Qualcomm”.

Phải mất một thời gian thảm kịch chiến tranh nội bộ này mới thể hiện ra những con số của công ty. Thực ra, phần lớn nhờ các mảng kinh doanh vẫn đang gặp thời, năm 1994, Motorola đứng thứ 23 trong danh sách 500 Fortune, với doanh thu 22 tỷ USD và lợi nhuận gần 2 tỷ USD. Năm 1994, 60% ĐTDĐ bán tại Mỹ là của Motorola, đóng góp gần 65% doanh thu cho công ty.

Cuộc chạm trán với Nokia

Nhưng Motorola sắp rơi xuống vực thẳm. Bởi vì đối thủ Phần Lan Nokia bắt đầu tỏa sáng. Vào thời điểm Gary Tooker kết thúc 4 năm làm CEO Motorola năm 1997, Nokia đã vượt qua ngôi vị nhà sản xuất ĐTDĐ lớn nhất thế giới của Motorola. Nokia cũng trở thành một đối thủ hùng mạnh trong mảng xây dựng mạng lưới. Và trong 15 năm tiếp theo, Nokia liên tục giữ vững vị trí nhà sản xuất ĐTDĐ lớn nhất thế giới.

Năm 1997, ban lãnh đạo Motorola đưa “một thành viên Galvin mới” nhằm thay đổi vận mệnh. Chris, con trai của Bob, hiểu rõ công ty hơn bất cứ ai. Ông đã dành gần 2 thập kỷ ở đó, làm việc với bố của mình. Chris Galvin kế thừa gia sản khổng lồ với 60 ngành kinh doanh khác nhau trải rộng cả thế giới, nhưng gần như tất cả chúng đều yếu kém. Trong đó, mảng điện thoại di động là tệ hại nhất.

Các biến động thế giới dường như cũng khiến Chris Galvin gặp khó khăn. Cuộc khủng hoảng công nghệ và viễn thông bắt đầu vào năm 2000 ảnh hưởng xấu đến cổ phiếu Motorola. Giá cổ phiếu công ty giảm gần 40% trong suốt 7 năm ông làm CEO. Năm 2001, vụ tấn công khủng bố vào Trung tâm thương mại thế giới tại Mỹ và dịch SARS 2002 gây ngưng trệ với các chuỗi cung ứng quốc tế của công ty và giảm sút doanh số. Riêng trong năm 2001, doanh thu Motorola đã giảm gần 8 tỷ USD, thua lỗ gần 4 tỷ USD.

Để hạn chế thiệt hại, Chris sa thải 56.000 trong số gần 150.000 nhân sự của công ty. Ông đóng cửa các nhà máy. Motorola chỉ có 1 điểm sáng: đó là mảng sản xuất thiết bị an toàn công cộng. Đơn đặt hàng tăng cao sau vụ khủng bố 11/9.

Huyền thoại Motorola Razr

Motorola Razr V3i

Motorola Razr V3i

Lúc này, ở mảng ĐTDĐ, Chris hy vọng phát triển được mẫu điện thoại số mới có thiết kế sexy. Và Razr ra đời, mỏng, gần như hoàn toàn bằng kim loại. Razr có thiết kế dạng gập và rất sang trọng. Nhưng Chris không sống được đến ngày Razr ra đời.

Đó là một trong những thực tế tàn nhẫn của nghiệp kinh doanh. Theo  David Garfield, giám đốc điều hành của hãng tư vấn AlixPartners tại Chicago: “Một nhà lãnh đạo kế thừa tình huống đầy khó khăn, thách thức và đã đưa ra nhiều quyết định sáng suốt, nhưng lại ra đi quá sớm và không được hưởng thành quả. Đôi khi, người kế vị lại được hưởng thành quả đó”. Chris Galvin có vẻ là một người kém may mắn như vậy.

3 tháng sau khi Chris Galvin rời khỏi Motorola, các con số kinh doanh của công ty bắt đầu đảo chiều đi lên. Razr xứng đáng là “bom tấn”, với 50 triệu máy bán ra trong 2 năm đầu lên kệ. Cuối năm 2004, giá trị thị trường của Motorola đạt 42 tỷ USD. Lúc này, Ed Zander là CEO của Motorola.

Với thành công của Razr, Motorola bắt đầu kiếm được hàng tỷ USD tiền mặt. Trong 2 năm đầu làm CEO của Zander, cổ phiếu Motorola tăng gấp đôi. Vị CEO mới khai thác triệt để thành công của Razr, cho ra nhiều thiết bị có màu sắc và hình dạng khác nhau, với một số tính năng mới.

CEO Ed Zander là người rất đáng quan tâm trong lịch sử Motorola. Bởi, một trong những quyết định mà ông đưa ra đã bị xem là tồi tệ nhất. Đó chính là cái bắt tay với người bạn tại Silicon Valley, Steve Jobs. Cùng với nhau, hai công ty Motorola và Apple đã tạo ra chiếc điện thoại Motorola iTunes, chiếc điện thoại đầu tiên kế nối với kho nhạc của Apple.

Có tên là Rokr, sản phẩm ra đời vào mùa thu năm 2005. Jobs, người giới thiệu Rokr, đã gọi đó là “một chiếc iPod Shuffle nằm trong điện thoại”.

Zander nói ông tin làm việc với Apple, Motorola có thể lại phát tài phát lộc. Nhưng cũng như thời Motorola từng dạy cho Trung Quốc cách cạnh tranh với hãng cách đây nhiều năm, Motorola đang dạy cách sản xuất một chiếc điện thoại cho một trong những công ty sáng tạo nhất, cạnh tranh nhất và am hiểu tâm lý người tiêu dùng nhất trong mọi thời đại.

>> Motorola tạo ra điện thoại di động đầu tiên thế giới như thế nào?

(Còn nữa)

Theo Bảo Bình

Cùng chuyên mục
XEM