Khát vọng 20 năm "bình dân hóa" dịch vụ di động

16/04/2013 23:12 PM | Công nghệ

"Tôi đã nghĩ là sẽ có ngày nông dân có điện thoại dắt vào cạp quần và đúng là sau đó được nhìn thấy người nông dân ra gốc vải mang theo điện thoại trong túi".

Nguyên Bộ trưởng Bộ BCVT Đỗ Trung Tá chia sẻ khát vọng đưa dịch vụ di động trở nên bình dân trong hai thập kỷ qua.

Xin ông cho biết khi quyết định thành lập MobiFone, chúng ta gặp phải những khó khăn gì?

Vào những năm 1990, Tổng cục Bưu điện đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống điện thoại GSM ở Hà Nội. Tổng cục thấy rằng cần thành lập một doanh nghiệp độc lập để có thể liên doanh, liên kết được với nước ngoài. Tuy nhiên, chúng ta đã vấp phải 2 khó khăn chính, đầu tiên là vì các hệ thống di động khi đó vẫn được xem là “xa xỉ” mà lại dễ lộ bí mật. Thứ hai là trong những năm đó, việc hợp tác với một doanh nghiệp nước ngoài chưa hề có tiền lệ, nhất là ở lĩnh vực viễn thông di động, một lĩnh vực khá “nhạy cảm”.

Mặc dù vậy, chúng tôi rất kỳ vọng vào mạng MobiFone với công nghệ số (công nghệ GSM). Bởi lúc đó thị phần của GSM đã đạt đến mức hơn 80% thị phần di động thế giới. Vì vậy, sau thử nghiệm, năm 1993, VMS-MobiFone được ra đời; năm 1995, VMS-MobiFone đã hợp tác với Comvik (Thụy Điển).

Thưa ông, lúc cho mở mạng MobiFone có những ý kiến ngược như lo lắng về an ninh. Khi đó, ngành đã thuyết phục Chính phủ và cả xã hội như thế nào để mạng MobiFone được phép ra đời?
 
Theo tôi, chính các hệ thống thông tin di động số cũng đảm bảo tính an ninh rất tốt so với hệ thống analog nên góp phần vào việc bảo đảm lòng tin cho Chính phủ cũng như xã hội. Hơn nữa, trong vấn đề an ninh mạng lưới, chúng ta đã theo dõi những nhân tố bất thường trên mạng và phối hợp với các lực lượng an ninh đảm bảo cho người dân yên tâm sử dụng hệ thống di động. 

Ban đầu giá cước và giá máy điện thoại di động rất cao và có nhiều người chất vấn ngành Bưu điện về điều đó. Ông đã giải thích cho họ như thế nào?
 
Giá cả thiết bị và dịch vụ viễn thông phụ thuộc vào thị trường cũng như điều kiện của doanh nghiệp. Tại thời điểm ấy, tôi đã phải giải thích với Quốc hội về việc chúng ta đưa ra mức giá như vậy để đảm bảo doanh nghiệp có sự phát triển, dù mức giá khi đó tương đối cao so với đời sống xã hội. 

Nhưng đưa ra mức giá cao như vậy không phải để tiếp tục đẩy giá lên cao hơn nữa mà nhằm mục đích tái đầu tư cho doanh nghiệp. Từ đó, các doanh nghiệp di động có điều kiện giảm giá để phục vụ đông đảo người dân hơn.

 Đây là bài toán mà riêng ngành viễn thông có chiến lược giá đúng đắn nhất, bắt đầu với mức giá cao để những người có thu nhập cao sử dụng và ủng hộ, sau đó mới đến lượt những người nghèo. 

Ông là người theo sát sự phát triển của hai mạng di động MobiFone và VinaPhone, vậy ông đánh giá như thế nào về MobiFone?
 
MobiFone có thuận lợi rất lớn vì hợp tác với một đối tác ở Thụy Điển - quốc gia rất thành công về di động. Vì vậy, những kinh nghiệm về tiếp thị, quản lý, giải pháp kỹ thuật đã được Comvik tư vấn rất nhiều. Bên cạnh đó, hàng năm, chúng ta đã dành một tỷ lệ ngoại tệ tương đối khá cho việc đào tạo cán bộ của VMS - MobiFone về ngoại ngữ, kỹ thuật, thăm quan triển lãm cũng như dự các diễn đàn về di động toàn cầu để học tập. Chính vì thế, sau 10 năm hợp tác, lực lượng cán bộ được đào tạo của MobiFone có số lượng rất lớn, đây là một ưu thế so với VinaPhone.

Còn về chất lượng các mạng di động hiện nay, tôi cho rằng các doanh nghiệp đều có tiến bộ rất nhiều, thể hiện qua việc không nghẽn mạng trong dịp Tết Nguyên Đán những năm gần đây. Tuy nhiên, do mạng 3G tối ưu chưa thực sự tốt nên sự bắt sóng giữa mạng 2G và 3G đôi lúc trục trặc như hiện tượng đứt mạng hay phải gọi 2 lần, nói chuyện thì chỉ 1 bên nghe được… Do đó, không nên chủ quan về chất lượng các mạng di động.

Tôi đang dùng cả 2 mạng VinaPhone và MobiFone và thấy rằng, nếu tại khu vực thành thị tập trung đông người thì chất lượng các mạng di động gần như tương đương nhau. Sự khác biệt giữa các mạng thể hiện khi đi xa hay len lỏi ở các khu dân cư do vùng phủ sóng của các nhà mạng khác nhau và ưu thế thuộc về MobiFone, Viettel. Do Viettel có những đặc thù riêng nên số trạm BTS của họ phát triển khá nhanh trong khi VNPT vẫn gặp khó khăn khi phát triển trạm. Bản thân nhà tôi đang gặp tình trạng sóng VinaPhone rất kém vì không có trạm BTS gần nhà. 

Lúc MobiFone bắt tay với Comvik, ông có tin vào thành công của việc hợp tác này hay không?
 
Tôi là một trong những người dự thảo ra thỏa thuận hợp tác giữa MobiFone và Comvik nên hoàn toàn tin tưởng. Sau này, những kết quả của sự hợp tác đó còn vượt dự tính ban đầu. Ví dụ, sau 10 năm, chúng tôi dự kiến doanh thu chia ra khoảng hơn 350 triệu USD cho mỗi bên nhưng kết quả mỗi bên nhận được đến 550 triệu USD (gần gấp rưỡi dự tính ban đầu). 

Sau 20 năm từ khi mạng di động đầu tiên ra đời, nhớ lại những ngày gian khó đầu tiên ông có tưởng tượng được viễn thông sẽ phát triển như hiện nay không và còn điều gì khiến ông băn khoăn?
 
Sau khi MobiFone hợp tác với đối tác Comvik và quyết định cho Viettel kinh doanh di động, lãnh đạo ngành Bưu điện đã phán đoán được sự phát triển của di động ở Việt Nam. Từ năm 2005, tôi đã nghĩ đến là sẽ có ngày “nông dân có điện thoại dắt cạp quần”. Ngay sau đó, chỉ sau một mùa vải ở Bắc Giang, những người nông dân ra gốc vải đã mang theo điện thoại trong túi. Cho nên, dù di động phát triển nhanh và gây ra không ít sự ngạc nhiên nhưng không đến mức đột ngột hay "không tưởng tượng được" với những người từng lãnh đạo ngành. 

Điều khiến tôi đáng tiếc nhất là trong một số thời điểm, chúng ta đã không cân nhắc toàn diện trong việc lựa chọn công nghệ và tần số sử dụng cho di động nên gây ra những tổn thất khá lớn. Hi vọng sau này, chúng ta sẽ phải tính toán thật kỹ trên cơ sở tối ưu mạng lưới và lợi ích của người dùng để không lặp lại những sai lầm cũ. 

Theo ông, thị trường di động trong 5-10 năm tới sẽ phát triển ra sao?
 
Doanh thu thị trường di động trong 5-10 năm tới sẽ rất lớn do có sự bùng nổ về lưu lượng. Đánh giá sự phát triển của di động không còn căn cứ theo số lượng thuê bao mà phải đánh giá trên doanh thu bình quân của mỗi thuê bao (ARPU).  Khi đó, ứng dụng công nghệ số hiện hữu ở tất cả các ngành nghề trong xã hội. Những nội dung phục vụ cho y tế từ xa, đào tạo từ xa, hệ thống thông minh…sẽ được phản ánh trên hệ thống di động và dù ở bất kỳ đâu, người dùng cũng được tiếp cận mọi dịch vụ như khi đang ở trong nhà. Các máy đầu cuối di động sẽ dần gắn kết, hội tụ các dịch vụ viễn thông, Internet, phát thanh - truyền hình và qua đó tạo ra những gói lưu lượng rất lớn. 

Để làm được như vậy, các mạng di động phải có chất lượng mạng rất cao, đi kèm chế độ hậu mãi chu đáo trong quá trình chăm sóc, giữ chân khách hàng. Nhất là sau này khi áp dụng quy định chuyển mạng giữ nguyên số, việc giữ chân khách hàng càng phải được các nhà mạng quan tâm đúng mức. Việc đảm bảo tính an ninh, an toàn của mạng lưới cũng phải được chú ý nhiều hơn nữa, đây là vấn đề cấp bách của 5-10 năm tới. Hơn nữa, khi đời sống của người dân nâng cao và các ngành nghề hiểu được vai trò của CNTT thì các ứng dụng trên di động sẽ ngày càng sôi động và đa dạng. 

Chính vì những lý do như trên, tôi cho rằng, nếu trước đây chúng ta đã có “cơn lốc Internet” thì 5-10 năm tới sẽ có “cơn lốc lưu lượng di động”. Doanh nghiệp di động nào chuẩn bị kỹ nguồn lực và mạng lưới, chất lượng phục vụ thỏa mãn người dùng sẽ là nhà mạng thành công nhất. 

Xin cảm ơn ông!

Theo NK

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM