Hơn một nửa dân số thế giới ngày nay vẫn không biết Internet là gì
Tuy số người sử dụng internet trên toàn thế giới đã tăng gấp 3 lần so với năm 2005 nhưng vẫn còn khoảng 4 tỷ người không có internet.
Một báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới - World Bank (WB) cho biết internet, điện thoại di động và các công nghệ số khác đang phát triển với tốc độ cao tại các nước đang phát triển, nhưng 60% dân số thế giới vẫn đứng ngoài lề nền kinh tế số đang phát triển như vũ bão này.
Theo đó, con số người sử dụng internet toàn thế giới đã tăng gấp 3 so với năm 2005 nhưng vẫn còn 4 tỷ người không có internet.
Khảo sát của WB cho thấy, trên 40% người thuộc độ tuổi trưởng thành tại khu vực đông Phi trả tiền điện, nước thông qua điện thoại di động.
Tại Trung Quốc, 8 triệu doanh nhân, trong đó 1/3 là phụ nữ, thực hiện bán sản phẩm cho các khách hàng trong cả nước và xuất khẩu tới 120 nước khác dựa trên nền tảng thương mại điện tử.
Trong vòng 5 năm, Ấn Độ đã cấp mã nhận dạng công nghệ số cho 1 tỉ người qua đó tăng cường tiếp cận và hạn chế tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công. Trong lĩnh vực y tế công, dịch vụ tin nhắn (SMS) cũng được sử dụng để nhắc nhở bệnh nhân HIV uống thuốc...
Ông Kaushik Basu, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới cho rằng cuộc cách mạng số đang làm thay đổi thế giới, thúc đẩy trao đổi thông tin, và tạo điều kiện cho các nước đang phát triển nếu họ biết cách tận dụng các cơ hội mới.
“Thật là một sự chuyển đổi đáng kinh ngạc. Hiện nay đã có 40% dân số thế giới kết nối với internet. Đây là một kết quả đáng mừng, nhưng đồng thời nó cũng nhắc ta phải làm sao tránh tạo ra một giai cấp mới bị đẩy xuống dưới đáy xã hội. Khi còn gần 20% dân số mù chữ thì công nghệ số cũng không giúp xoá bỏ được khoảng cách về tri thức trên thế giới.”, vị này nói.
Nhằm thực hiện đầy đủ cam kết về phát triển trong thời đại công nghệ số, Ngân hàng Thế giới đề xuất hai hành động chính:
Thứ nhất, xoá bỏ khoảng cách công nghệ số bằng cách cung cấp dịch vụ internet cho toàn dân, với chi phí vừa phải, dịch vụ mở và an toàn;
Thứ hai, tăng cường các quy định nhằm đảm bảo thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, nâng cao kỹ năng cho người lao động nhằm đáp ứng đòi hỏi trong thời đại mới, và tăng cường trách nhiệm giải trình của các thể chế.
Báo cáo cũng đề xuất một số biện pháp như đầu tư vào hạ tầng cơ bản, giảm chi phí kinh doanh, giảm rào cản thương mại, khuyến khích các công ty khởi nghiệp gia nhập thị trường, tăng cường năng lực cơ quan quản lý cạnh tranh, và khuyến khích cạnh tranh giữa các nền tảng số nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và đổi mới sáng tạo...
<a draggable="false" data-cke-saved-href="https://cafebiz.vn/xu-huong-cong-nghe/nam-2015-virus-may-tinh-an-cua-nguoi-viet-8-700-ty-dong-20160114103521244.chn" href="https://cafebiz.vn/xu-huong-cong-nghe/nam-2015-virus-may-tinh-an-cua-nguoi-viet-8-700-ty-dong-20160114103521244.chn" title="Năm 2015, virus máy tính '" ăn'="" của="" người="" việt="" 8.700="" tỷ="" đồng"="" type="2">