“Cước 3G của Việt Nam đang được bán dưới giá thành”

27/04/2015 10:14 AM | Công nghệ

“Chắc chắn chúng ta là một trong những nước có cước 3G rẻ nhất và hiện tất cả các loại cước, phí của chúng ta đều đang được bán dưới giá thành”.

Nội dung nổi bật:

- Thực tế vừa qua, chúng ta đầu tư rất nhiều hạ tầng nhưng chưa tăng giá cước 3G

- Chính vì cạnh tranh gay gắt giữa các nhà mạng nên giá cước đưa ra thấp, Chính phủ đã yêu cầu tăng giá, không bán dưới giá thành, xu hướng là chúng ta bán bằng giá thành để doanh nghiệp có tiền đầu tư.

- Nếu tăng giá theo đúng quy định của pháp luật và tăng giá để góp phần đầu tư chất lượng tốt hơn là cần thiết và chúng ta cũng nên ủng hộ, tuyên truyền cho người dân, giải thích cho người dân thấy rằng việc tăng giá là cần thiết, bảo đảm cho người cung cấp dịch vụ có lãi và dùng lãi đó quay trở lại đầu tư cho hạ tầng.


Khẳng định trên được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đưa ra trước những thắc mắc của báo giới chiều 25/4, về việc các cơ quan viễn thông cũng như Bộ chủ quản đang “lên kế hoạch” tăng cước 3G sau khi cho tiến hành một khảo sát với kết quả khiến “không ít người giật mình”.

Theo Bộ trưởng Son, trước đây đã có lần chúng ta tăng cước 3G theo đúng quy định của pháp luật, tức là chúng ta không bán dưới giá thành. Thực tế vừa qua, chúng ta đầu tư rất nhiều hạ tầng nhưng chưa tăng giá cước.

Chính vì vậy, theo Bộ trưởng Son, rõ ràng việc tăng giá là cần thiết để đầu tư chất lượng hạ tầng tốt hơn. Nếu tăng giá do cạnh tranh không lành mạnh, tăng giá không đúng quy định của pháp luật thì rõ ràng là tăng giá bất hợp lý.

Còn nếu tăng giá theo đúng quy định của pháp luật và tăng giá để góp phần đầu tư chất lượng tốt hơn là cần thiết và chúng ta cũng nên ủng hộ, tuyên truyền cho người dân, giải thích cho người dân thấy rằng việc tăng giá là cần thiết, bảo đảm cho người cung cấp dịch vụ có lãi và dùng lãi đó quay trở lại đầu tư cho hạ tầng.

Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, hiện nay chúng ta có khoảng 140 triệu thuê bao, trong đó có 10 triệu thuê bao cố định, 130 thuê bao di động.

Chính vì vậy, vừa rồi có khảo sát mẫu để đánh giá chung, số người được khảo sát là rất nhỏ so với tổng số, nên kết quả sẽ không được chính xác. Tuy nhiên, việc tăng giá 3G này theo đúng quy định của pháp luật và theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là không bán dưới giá thành.

Hiện nay, thị phần của Viettel là khoảng 50%, thị phần của Vinaphone khoảng 21%, MobiFone khoảng 18% và các nhà mạng khác nữa, tức là có sự cạnh tranh rất gay gắt. Chính vì cạnh tranh gay gắt nên các nhà mạng bán giá thấp, nên Chính phủ đã yêu cầu tăng giá, không bán dưới giá thành, xu hướng là chúng ta bán bằng giá thành để doanh nghiệp có tiền đầu tư.

“Vì sao thời gian qua doanh nghiệp vẫn có lãi, vì chúng ta vẫn sử dụng trên nền 2G, bây giờ phải mở rộng đầu tư hơn nữa, phải tăng giá để lấy thu bù chi. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ hơn nữa để làm sao có tăng giá nhưng tăng giá đúng quy định của pháp luật”, ông Son nói.

Trước đó, trong một khảo sát "Nghiên cứu sự hài lòng của người dùng 3G tại Việt Nam năm 2014" tại ba thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Tp.HCM - được GFK và báo Bưu điện Việt Nam công bố 23/4 - nêu rằng, hầu hết người dùng đều... chấp nhận tăng cước 3G.

Liên quan đến việc cáp quang của Việt Nam liên tục bị đứt gần đây, ảnh hưởng lớn đến hoạt động, công việc của người sử dụng, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, Bộ đã yêu cầu các tập đoàn gia cố cáp quang ở vùng biển mình cũng như vùng biển liên kết với nước ngoài, đồng thời phải xây dựng những tuyến cáp quang mới.

Theo ông Son, dung lượng sử dụng tuyến cáp quang biển càng ngày càng lớn, khi cáp quang bị đứt ảnh hưởng rất lớn đến truy cập internet của người dân và doanh nghiệp, chính vì vậy chúng ta sẽ xây dựng tuyến cáp quang thứ hai trên đường bộ sang Trung Quốc.

Hiện nay, Tập đoàn VNPT đang triển khai 2 tuyến cáp quang mới sẵn sàng cung cấp thêm dung lượng. Người dùng internet sắp tới là trên 30 triệu thuê bao nên chúng ta phải có thêm nhiều tuyến cáp mới cũng như gia cố lại tuyến cáp cũ. Những sự cố đáng tiếc như thế này sẽ hạn chế không xảy ra nữa, không để gián đoạn truy cập của người dân.

“Trong quá trình triển khai, việc đứt cáp quang là bất khả kháng. Tuy nhiên, việc cung cấp dịch vụ đứt đoạn thì người cung cấp dịch vụ cũng phải có lời xin lỗi, phải có thông báo với người tiêu dùng. Nếu là điều kiện bất khả kháng thì khách hàng sẽ chia sẻ với người cung cấp dịch vụ. Chúng tôi sẽ tiếp thu và có sự khuyến cáo đến các nhà mạng, không chỉ chuyện cáp quang biển, kể cả dịch vụ, ví dụ như nghẽn mạng, cũng phải có lời xin lỗi đến khách hàng. Đó là văn hóa cần thiết trong kinh doanh”, Bộ trưởng Son khẳng định.

>> Khảo sát: 92% người dùng 3G chấp nhận tăng giá dịch vụ?

Theo Ngô Trang

Cùng chuyên mục
XEM