Bao giờ sóng 3G ổn định?

09/07/2013 11:38 AM | Công nghệ

Khách hàng đang than phiền về chất lượng sóng 3G của các nhà mạng. Dù phải trả cước 3G hàng tháng nhưng nhiều thuê bao không thể kết nối bằng chuẩn 3G. 

Bà Ngô Bích Huyền, giáo viên trường mầm non huyện Hóc Môn (TP.HCM) than vãn: “Khi nhà mạng đã bán rộng rãi sim 3G ở khắp nơi thì phải đảm bảo chất lượng. Đừng để người tiêu dùng vừa tốn tiền lại vừa phập phồng vì chất lượng dịch vụ”.

Từ khi nhà mạng công bố có mạng 3G cũng như thiết bị đầu cuối ngày càng thông minh hơn, thuê bao đăng ký sử dụng gói cước 3G ngày càng nhiều hơn. Ước tính hiện nay có khoảng 12 triệu thuê bao 3G, bao gồm kết nối qua điện thoại và thiết bị USB. Thế nhưng những lời than phiền về chất lượng sóng 3G cũng ngày càng tăng…

Trạm phát sóng của Vinaphone ở xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau có sóng 3G để phục vụ khách du lịch và nhiệm vụ an toàn thông tin. Ảnh: Minh Phúc

Mua sóng 3G nhưng kết nối bằng 2G

Một khách hàng có tên hungkd203@ cho biết, dù sống ở trung tâm thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang) nhưng sóng 3G của Vinaphone quá yếu, khi ra khỏi nhà còn có sóng 3G nhưng khi vào trong nhà thì sóng 3G rất yếu, máy tự động chuyển về chế độ 2G nên không thể kết nối internet. 

TS Nguyễn Anh Nghĩa (viện Nghiên cứu cao su Việt Nam) cũng than phiền sóng Vinaphone: khu tập thể của viện (ấp Lai Khê, xã Lai Hưng, Bến Cát, Bình Dương) hầu như không có mạng 3G, còn mạng 2G thì chập chờn, vào trong nhà thì mất sóng. 

Dù sống tại một thành phố lớn như Biên Hoà (đường Phạm Văn Diêu, ấp 3, xã Tân Hạnh, Biên Hoà, Đồng Nai) nhưng theo lời phản ánh của kannie_dt@, sóng 3G của Vinaphone quá yếu. Dù ngoài trời hay trong nhà, sóng 3G luôn chỉ có một vạch sóng, vì vậy hay mất sóng 3G nên không thể kết nối internet. “Không biết lỗi này bao giờ sẽ được khắc phục?”, kannie_dt@ đặt câu hỏi.

Là một giáo viên mẫu giáo nhưng để phục vụ cho việc dạy học, bà Ngô Bích Huyền (trường mầm non huyện Hóc Môn, TP.HCM) mua một New iPad 3G và đăng ký gói cước 3G của Mobifone (vì nhà trường không có kết nối wifi) nhưng từ nhiều tháng nay không thể sử dụng được dịch vụ 3G để tải hình ảnh. Bà Huyền đã nhiều lần gọi đến trung tâm chăm sóc khách hàng của Mobifone, dù có người tiếp nhận thông tin nhưng không có bất kỳ giải pháp hỗ trợ kỹ thuật nào.

Một bạn đọc tên Phong cho biết, tại khu vực Gò Vấp (TP.HCM), sóng 3G Viettel vào rất nhanh nhưng tình trạng “down” rất nhanh, phải thoát ra và kết nối lại nhiều lần mới sử dụng được. “Tình trạng đó đã xảy ra khá lâu. Tôi có gọi đến tổng đài thì nhân viên cho rằng do máy chứ không phải mạng. Tôi chuyển sang thuê bao Vinaphone lại thấy bình thường”, Phong kể.

Nhà mạng không theo kịp khách hàng

Khi tiếp nhận những thông tin từ khách hàng, các nhà mạng thừa nhận chất lượng mạng 3G “chập chờn” là điều không thể tránh khỏi. Ông Nguyễn Sơn Hải, phó phòng kinh doanh của Vinaphone xác nhận, vấn đề “đau đầu” hiện nay của các nhà mạng là phát triển băng thông không theo kịp nhu cầu của người tiêu dùng. 

“Hiện nay những người dùng 3G sử dụng nhiều ứng dụng đòi hỏi băng thông lớn hơn. Không chỉ Vinaphone mà các nhà mạng khác đang đầu tư khá lớn vào hạ tầng mạng nhưng vẫn không đáp ứng”, ông Hải chia sẻ. 

Cũng theo ông Hải, hiện tượng sóng 3G chập chờn có thể thuê bao đó đang hoạt động trong vùng “giáp ranh” giữa hai trạm BTS. Được biết, với chiều cao của trạm BTS hiện nay chừng 50m, tầm hoạt động của trạm với bán kính khoảng 3km, chưa tính đến những yếu tố làm suy giảm chất lượng sóng như nhà cao tầng…

Ông Nguyễn Trọng Sơn, chuyên viên phòng tiếp thị giá cả của Mobifone cho rằng, có nhiều yếu tố tác động đến chất lượng mạng 3G như: trạm phát sóng (BTS), tác động của thời tiết và tình trạng điện thoại di động của khách hàng. 

Theo lời ông Sơn, ngoài những yếu tố trên, còn có tình trạng nghẽn mạng đột xuất khi khu vực trạm BTS đó có lượng thuê bao sử dụng 3G tăng bất thường. “Chúng tôi tính toán thuê bao hiện hữu cho từng khu vực nhưng bất ngờ có một cuộc họp hay hội nghị gì đó có hàng trăm thuê bao sử dụng 3G cùng lúc, mạng 3G sẽ bị nghẽn. Đó là những trường hợp bất khả kháng”, ông Sơn giải thích thêm.

Ông Hồ Văn Tuấn, trưởng đại diện Vinaphone Cần Thơ: khi khách hàng đăng ký thuê bao, các đại lý đều biết rõ vùng nào có sóng 3G hoặc không có sóng 3G để tư vấn cho khách hàng biết, tránh những phức tạp về sau. Hiện nay, vì hai nhà mạng Mobifone và Vinaphone có chia sẻ mạng với nhau nên khi không có sóng nhà mạng này, máy sẽ tự động kết nối với nhà mạng kia để chia sẻ tài nguyên.

Câu chuyện thu cước và bán thiết bị 3G của các nhà mạng hiện tại giống hình thức nhà vườn bán vé ăn trái cây bao bụng. Có những người mua vé vào vườn được ăn no nhưng cũng có nhiều người mua vé vào để nhìn thấy những cây không có trái nào.

Theo Trọng Hiền

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM