Apple đã rơi vào cái bẫy quá hoàn hảo của chính phủ Mỹ

20/02/2016 13:12 PM | Công nghệ

Tim Cook đã rơi vào bẫy của FBI khi tự biến vụ việc San Bernardino thành một vũ khí để chính phủ Mỹ đánh bại mã hóa.

Apple đã quá quen với việc phải đấu tranh trên mặt trận công chúng. Nhưng, quyết định từ chối giúp đỡ Cơ quan Điều tra Liên bang FBI có thể truy cập vào chiếc iPhone 5c thuộc về 1 trong 2 tên khủng bố trong vụ thảm sát San Bernardino năm ngoái có lẽ sẽ khiến người dân Mỹ chống lại Apple.

Một tuyên bố được đưa ra bởi nghị sĩ Tom Cotton, bang Arkansas sẽ chứng minh điều này. Trong tuyên bố về vụ việc Apple vs FBI, Cotton mô tả Apple là một công ty sẵn sàng giúp đỡ khủng bố và các loại tội phạm khác. Nghị sĩ Đảng Cộng Hòa vốn rất giỏi bóp méo sự thật này cho rằng Apple hiện đang muốn "bảo vệ quyền riêng tư của một kẻ khủng bố đã chết hơn là an ninh của người dân nước Mỹ".

Dĩ nhiên, những người có hiểu biết về công nghệ cũng sẽ hiểu được mức độ sai lệch của luận điểm này: Apple chống lại FBI vì công ty này hiểu rằng một công cụ có thể vượt qua các biện pháp bảo vệ của iPhone rất có thể sẽ rơi vào tay của các tổ chức tình báo và đáng lo ngại hơn là vào tay các tổ chức khủng bố và các loại tội phạm số khác.

Hãy nhớ rằng, mới chỉ vào đầu tháng 2 FBI đã để lộ tên tuổi, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ của hàng nghìn nhân viên trực thuộc cơ quan này: điều gì đảm bảo rằng FBI có thể giữ an toàn cho công cụ mở khóa iPhone trong tay họ không rơi vào tay những kẻ khủng bố?

Thế nhưng, vấn đề là phần đông dân số Mỹ lại không thực sự hiểu được điều này, và bởi vậy sự ủng hộ của công chúng dành cho Apple có lẽ sẽ là rất thấp. Đáng tiếc hơn, trong bức thư được công bố rộng rãi trên trang chủ của Apple vào đầu tuần qua, CEO Tim Cook đã đánh đồng những gì mà FBI yêu cầu Apple thực hiện với một hành động đáng lo ngại khác: tạo ra cửa hậu (backdoor) trên tất cả các dữ liệu mã hóa.

Giáo sư Anna Lysyanskaya, bộ môn Mã hóa, Đại học Brown cho biết bà rất lo rằng những người dân thường sẽ không cảm thông cho quan điểm của Apple về việc hủy bỏ tính năng vượt passcode trên chiếc iPhone 5c của kẻ khủng bố, và điều này có thể gây hại tới cuộc chiến lâu dài, quan trọng hơn: ngăn cản chính phủ Mỹ không được ép buộc các công ty công nghệ đặt cửa hậu lên mã hóa.

"Thật nguy hiểm rằng Apple lại đánh đồng cửa hậu cho mã hóa với việc vượt mặt cơ chế bảo vệ phần mềm, bởi công chúng có thể không nhận ra sự khác biệt, và điều này có thể cho FBI cơ sở để chiến thắng trong cuộc tranh luận về mã hóa và cửa hậu".

FBI đặt bẫy, Apple bước vào, và công chúng Hoa Kỳ có thể sẽ chống lại mã hóa.

Điều này có nghĩa rằng, nếu như công chúng Hoa Kỳ cũng mang quan điểm rằng Apple đang cố hết sức để bảo vệ quyền riêng tư của tên khủng bố San Bernardino – như lời lẽ của nghị sĩ Tom Cotton thì họ cũng sẽ không phản đối việc cung cấp cửa hậu mã hóa cho chính phủ Mỹ. Kịch bản này sẽ là đáng lo sợ nhiều hơn so với những gì FBI đang yêu cầu Apple phải làm vào lúc này.

Không mấy ngạc nhiên, tuyên bố của nghị sĩ Cotton đã mở rộng từ việc phản đối Apple từ chối giúp đỡ FBI mở khóa một chiếc iPhone 5c sang chủ đề mã hóa nói chung:

"Vấn đề của mã hóa end-to-end không chỉ là một vấn đề về khủng bố. Nó còn bao gồm cả các vấn đề buôn ma túy, bắt cóc và khiêu dâm trẻ em có thể gây ảnh hưởng tới toàn bộ các bang của nước Mỹ. Thật không may rằng một công ty lớn như Apple lại chính là công ty được lũ khủng bố, buôn ma túy và xâm hại trẻ em lựa chọn".

Kết luận của Tom Cotton là chính phủ Mỹ phải cân nhắc các biện pháp pháp lý về mã hóa vì "Tim Cook và Apple đã cho thấy họ sẽ không nhân nhượng".

Một yêu cầu tưởng như không quá phức tạp của FBI đã biến thành cái bẫy để ép buộc các công ty công nghệ đặt cửa hậu lên mã hóa.

Quá khứ đã cho thấy nỗi sợ hãi và sự thiếu hiểu biết đã gây hại như thế nào. Apple đang phải "gánh" sức nặng bảo vệ mã hóa cho toàn bộ ngành IT trên toàn cầu, và nếu như Tim Cook muốn đánh bại FBI trong cuộc chiến lâu dài này, ông cần phải hiểu cái bẫy của chính phủ Mỹ là gì.

Cùng chuyên mục
XEM