Công nghệ thông minh đang “len lỏi” vào thị trường vật liệu xây dựng

13/12/2019 14:30 PM | Bất động sản

“Hiện lượng xuất khẩu vật liệu xây dựng (VLXD) rất lớn. Riêng xi măng năm 2019 tiêu thụ khoảng 65 triệu tấn nhưng xuất khẩu trên 32 triệu tấn, tức xuất khẩu một nửa. Thị trường VLXD cung đang vượt cầu, mà điều này sẽ nảy sinh vấn đề là sản phẩm sẽ chuyển từ khối lượng sang chất lượng và ứng dụng mạnh công nghệ để cạnh tranh. Đây được xem là thời kì chuyển đổi tích cực của ngành VLXD, “bình cũ rượu cũ”, các sản phẩm đi hẳn vào chiều sâu”.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quang Cung, Phó Chủ tịch Hiệp hội VLXD Việt Nam, Nguyên vụ trưởng vụ VLXD (Bộ Xây dựng) tại sự kiện họp báo Triển lãm quốc tế Vietbuild Home 2019 chủ đề “Bất động sản - trang trí nội ngoại thất và đồ dùng gia đình” diễn ra tại Tp.HCM mới đây (triễn lãm sẽ diễn ra từ 19/12/2019 đến 23/12/2019 tại SECC, Q.7, Tp.HCM).

Theo ông Cung, có một thực tế đang diễn ra trên thị trường VLXD là nhu cầu còn rất lớn nhưng không làm sao tiêu thụ được. Tiền của nước ngoài đổ vào Việt Nam nhưng không giải ngân được. Trong khi đó, giải ngân của VLXD tập trung chủ yếu vào 2 lĩnh vực là BĐS và kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Thế nhưng, BĐS thì đang chững lại, thông tin đưa là không có quỹ đất nhưng có lẽ trong đó còn tiềm ẩn nhiều điều khác nữa. Còn kết cấu hạ tầng kỹ thuật thì có những cái ngành giao thông không vượt qua nỗi. Chẳng hạn như, vấn đề trạm thu phí nhưng nhiều lần thay đổi hay cao tốc chưa làm đã bộc lộ nhiều khuyết điểm.

Công nghệ thông minh đang “len lỏi” vào thị trường vật liệu xây dựng - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia, công nghệ đang trở thành lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường, vào từng sản phẩm. Ảnh: P.N

“Với sự điều hành như thế thì làm sao mà tăng trưởng, phát triển được. Mà lĩnh vực này không phát triển thì ngành VLXD cũng không thể phát triển được”, ông Cung nhấn mạnh.

Theo ông Cung, từ năm 2017 - 2019 VLXD, cụ thể là xi măng chỉ tăng ở mức 2%, khả năng cao trong năm 2020 cũng chỉ tăng từ 2-4%. Mức tăng này không như kì vọng.

Tình hình thực tiễn của thị trường này là cung đang vượt cầu. Lượng xuất khẩu rất lớn, xi măng năm 2019 tiêu thụ 65 triệu tấn nhưng xuất khẩu tầm 32 triệu tấn, tức xuất khẩu hơn một nửa. Phó Chủ tịch Hiệp hội VLXD Việt Nam cho rằng, khi mà cung vượt cầu thì sẽ nảy sinh một vấn đề là sản phẩm sẽ chuyển từ khối lượng sang chất lượng, áp dụng mạnh công nghệ thông minh để cạnh tranh nhau trên thị trường. Đây được xem là một tín hiệu rất tích cực của ngành VLXD, các sản phẩm sẽ đi hẳn vào chiều sâu.

Rồi các sản phẩm trang trí nội, ngoại thất và đồ dùng gia đình cũng đang áp dụng công nghệ thông minh để giữ thị phần trên thị trường vốn cạnh tranh. Ông Cung cũng dẫn chứng, các sản phẩm như bình nước hay bóng điện dù nhìn bề ngoài giống các sản phẩm ngày trước nhưng chức năng của nó đa dạng hơn rất nhiều, điều chỉnh tự động, thậm chí còn theo nhu cầu, sức khỏe của con người…Như vậy, sự cạnh tranh trên thị trường đang chuyển mạnh về chất lượng và công nghệ.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tổ chức Triển lãm quốc tế xây dựng Vietbuild cũng cho rằng: Bản thân các kỳ triển lãm Vietbuild hiện nay, theo sự chỉ đạo của Bộ xây dựng phải đẩy mạnh những sản phẩm phát triển theo công nghệ thông minh mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, những sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại nhất, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, tích hợp nhiều tính năng…sẽ là lợi thế đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại. 

Phương Nga

Cùng chuyên mục
XEM