Công nghệ AI của Trung Quốc sẽ nhanh chóng cho Mỹ “hít bụi”

30/07/2018 08:37 AM | Xã hội

Trung Quốc hiện đang ở vị trí dẫn đầu trong cuộc đua toàn cầu về uy thế trong lĩnh vực AI và Fintech.

Các khu vực tư nhân cũng như nhà nước đều tham gia vào lĩnh vực này nhằm nắm bắt các cơ hội đổi mới sáng tạo và rất tích cực cung cấp nguồn lực, một giáo sư tại một trong những trường đại học hàng đầu nước này cho biết.

Steven White, giáo sư đang giảng dạy tại Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh - Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), phát biểu trong một cuộc phỏng vấn tại Tokyo: “Các viện nghiên cứu, công ty tư nhân và chính phủ cùng hợp tác trong một lĩnh vực rất rộng lớn… Tôi chưa từng thấy bất kỳ trường hợp nào như vậy.”

Công nghệ AI của Trung Quốc sẽ nhanh chóng cho Mỹ “hít bụi” - Ảnh 1.

Steven White, giáo sư đang giảng dạy tại Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh - Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc).

Ông nói thêm: “Trung Quốc cam kết sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực AI và Mỹ sẽ nhanh chóng bị thụt lùi trong cuộc đua này bởi họ không có nguồn lực.”

White đã sở hữu một bằng tiến sĩ ngành quản trị kinh doanh tại MIT (Viện Công nghệ Massachusetts) trước khi công tác tại Thanh Hoa vào năm 2010. Hiện tại, ông là phó giám đốc một “x-lab” tại Đại học Thanh Hoa, một “nền tảng giáo dục” giảng dạy sinh viên và cựu sinh về những phương pháp, chi tiết cơ bản để bắt đầu một startup.

Kể từ khi thành lập vào năm 2013, x-lab đã thu hút được rất nhiều dự án thuộc các ngành công nghiệp khác nhau, trong đó có cả các dịch vụ hỗ trợ AI và Fintech. X-lab đã “nuôi dưỡng” hơn 1200 nhóm cùng những cá nhân khởi nghiệp từ đó huy động được khoảng 2,7 tỷ NDT (400 triệu USD).

Đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh là nơi sở hữu nguồn nhân tài về khoa học công nghẹ và khoa học máy tính hàng đầu Trung Quốc, trong đó có cả Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Hồ Cẩm Đào. Mới đây, Đại học Thanh Hoa giữ vị trí thứ 14 trong bảng xếp hạng các trường đại học danh tiếng nhất thế giới của Tạp chí giáo dục Times Higher Education. Giáo sư White cho hay, số lượng bằng sáng chế của họ rất cạnh tranh so với những tấm bằng được cấp tại Mỹ, đây là một dấu hiệu chứng mình cho sức mạnh của Trung Quốc trong “kiến thức đầu ra” của các cử nhân. Một trong những mục tiêu của x-lab là phát triển những ý tưởng đó thành một doanh nghiệp thương mại, một lĩnh vực mà ông White thừa nhận rằng Trung Quốc vẫn “yếu thế” hơn so với Thung lũng Silicon.

AI là một trong những điểm trụ cột của kế hoạch “Made in China 2025” nhằm “nâng cấp” nền kinh tế và Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã công bố các kế hoạch phát triển lĩnh vực AI đến năm 2030. White đã so sánh việc Trung Quốc theo đuổi uy thế về AI với sứ mệnh chinh phục không gian của Mỹ trong những năm 1960.

Ông nói: “Không ai nói về việc chi phí sẽ là bao nhiêu. Họ chỉ muốn đưa con người lên Mặt Trăng trước khi Nga có thể làm được. Đó là những gì tôi thấy ở Trung Quốc hiện tại. Họ muốn có những sản phẩm và công nghệ hàng đầu và họ không quan tâm đến việc cần bao nhiêu nguồn tài nguyên để  thực hiện.”

White còn cho biết, Bắc Kinh tập trung nhiều vào việc sắp xếp các thể chế khác nhau hơn là sử dụng phương pháp tiếp cận từ trên xuống. Chính phủ tăng cường hỗ trợ bằng những chính sách, gây quỹ và nguồn kinh phí rất hấp dẫn đối với những nghiên cứu cơ bản. Các công ty startup có tương lai đầy hứa hẹn còn được hỗ trợ vốn bởi các “ông lớn” BAT (Baidu, Alibaba và Tencent). Dân số đông cũng mang lại lợi thế cho các công ty địa phương, đó là lượng truy cập dữ liệu khổng lồ.

Điều này diễn ra rất thuận lợi trong lĩnh vực Fintech, White cho biết, lĩnh vực Trung Quốc đang “đứng sau” Mỹ đó là giao dịch thanh toán di động. Những dấu hiệu tích cực như vậy cũng xuất hiện với AI; SenseTime, một startup phát triển phần mềm AI phát hiện khuôn mặt và xử lý hình ảnh, đã huy động được số vốn 1,2 tỷ USD vào tháng 4 và tháng 5 vừa rồi.

Công nghệ AI của Trung Quốc sẽ nhanh chóng cho Mỹ “hít bụi” - Ảnh 2.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt và phân tích hình ảnh của SenseTime.

Những căng thẳng leo thang gần đây giữa Bắc Kinh và Washington có thể thúc đẩy Trung Quốc tiến đến việc “đổi mới sáng tạo một cách độc lập”. Quyết định của chính quyền Mỹ vào tháng 4 về việc tạm thời cấm ZTE mua các linh kiện từ Mỹ là một “minh hoạ rõ ràng cho mối đe doạ mà các công ty Trung Quốc phải đối mặt khi họ sản xuất “dựa vào” công nghệ nước ngoài.”

White cho hay, hầu hết mọi người đều không thấy được quy mô tham vọng của Trung Quốc, “Tôi đang cố gắng để mọi người có thể nhận ra được điều đó và thậm chí là họ nên sợ hãi một chút về những gì đang thực sự diễn ra.”

Theo Hằng Vũ

Cùng chuyên mục
XEM