Công nghệ 5G mở ra cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp

08/07/2020 08:00 AM | Công nghệ

Việc triển khai công nghệ 5G ở băng tần cao cho phép người dùng có trải nghiệm đích thực của mạng 5G như cho phép trao đổi dữ liệu lớn, game online, video streaming… Điều này mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ thử nghiệm các sản phẩm mới.

Công nghệ 5G đang được triển khai trên khắp thế giới

Trong khuôn khổ Cuộc thi Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam, ngày 1/7, Tập đoàn Qualcomm tổ chức hội thảo trực tuyến "5G: Tầm nhìn phát triển tại Việt Nam".

Phát biểu tại hội thảo, ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam cho rằng: Công nghệ 5G tạo ra cơ hội rất lớn cho công nghiệp viễn thông. Có thể nói công nghệ 5G sẽ tạo ra những nguồn cung ứng mới, doanh thu mới cho các công ty công nghệ. Theo nghiên cứu của chúng tôi, công nghệ 5G có thể tạo ra nguồn doanh thu lên tới 13.200 tỷ USD vào năm 2035. Trong 2 năm tới, 5G có thể tạo ra giá trị tăng thêm là 1.000 tỷ USD.

Theo ông Thiều Phương Nam, việc hỗ trợ các thiết bị đầu cuối cho công nghệ 5G cũng đang được rốt ráo triển khai. Hiện đã có trên 375 thiết bị đầu cuối sử dụng công nghệ 5G, trong đó có smartphone. Tất cả thương hiệu điện thoại lớn đều đã có các sản phẩm hỗ trợ mạng 5G

"Như vậy, các nhà mạng, các quốc gia triển khai mạng 5G sẽ không còn lo lắng đến sự sẵn sàng của thiết bị đầu cuối cho 5G nữa. Qualcomm cũng đã đầu tư sản xuất nhiều thiết bị đầu cuối ứng dụng công nghệ 5G hiện nay", ông Thiều Phương Nam chia sẻ.

Doanh nghiệp công nghệ Việt có thể học hỏi bài học từ Qualcomm

Mở đầu bài phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng: Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến sự phát triển công nghệ với tốc độ nhanh. Các dịch vụ viễn thông truyền thống như gọi điện, nhắn tin dần được thay thế bằng các ứng dụng OTT. Chất lượng ứng dụng OTT ngày càng tốt với những tính năng ưu việt mà các dịch vụ truyền thống không cung cấp được như gọi video, gửi ảnh, gửi file… Công nghệ 5G cho phép việc cung cấp các dịch vụ này với tốc độ cao hơn, băng thông rộng hơn, độ trễ thấp hơn. Điều này có nghĩa các ứng dụng 5G sẽ vô cùng đa dạng, phục vụ mọi ngành kinh tế cũng như mọi nhu cầu mà trước đây có thể còn hạn chế vì công nghệ chưa cung cấp được.

Đây cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ, các start up thử nghiệm những ứng dụng mới, dịch vụ mới với những tính năng đặc biệt của 5G.

Đề cập đến chiến lược Make in Vietnam đang được Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết đây là chiến lược với mục tiêu đưa công nghệ trở thành động lực đột phá của nền kinh tế, đưa Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước phát triển. Để làm được điều này, Việt Nam cần cải cách về chính sách thu hút các nguồn đầu tư, hợp tác với những doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao như Qualcomm. Bên cạnh đó, triển khai cơ chế sandbox để thử nghiệm những mô hình kinh doanh mới.

Nhắc đến chương trình Thử thách đổi mới sáng tạo đang được Qualcomm thực hiện, ông Nguyễn Phong Nhã cho rằng đây là điều rất quan trọng để doanh nghiệp công nghệ tạo ra được nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ 5G.

Công nghệ 5G mở ra cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp - Ảnh 1.

Tiến sĩ Trần Mỹ An, Giám đốc Kỹ thuật cao cấp của Qualcomm phát biểu trong sự kiện ra mắt cuộc thi vào tháng 12/2019 tại Hà Nội

Tại hội thảo, tiến sĩ Trần Mỹ An, Giám đốc Kỹ thuật cao cấp của Qualcomm cũng đã giới thiệu khái quát một số nội dung về Thử thách đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam 2020 (QVIC). Cuộc thi được Qualcomm tổ chức dành cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực công nghệ mới đầy triển vọng tại Việt Nam.

Thử thách này sẽ cho phép phát triển hệ sinh thái công nghệ đang phát triển của Việt Nam bằng cách xác định và nuôi dưỡng các công ty vừa và nhỏ sáng tạo đang thiết kế các sản phẩm ở 5G, IoT, trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh , thiết bị đeo được và đa phương tiện sử dụng các nền tảng và công nghệ di động Qualcomm® và có thể hưởng lợi từ chuyên môn của Qualcomm trong một số lĩnh vực.

Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng lên tới 375.000 USD. Ban giám khảo sẽ chọn ra 3 đội thi xuất sắc nhất để trao tiền thưởng và hỗ trợ sau Thử thách từ Qualcomm.

Theo bà Trần Mỹ An, tối đa 10 công ty lọt vào danh sách sẽ nhận được khoản tài trợ 10.000 USD mỗi công ty để hỗ trợ ươm tạo. Khi kết thúc thời gian ươm tạo, 3 đội thi lọt vào vòng chung kết sẽ nhận thêm tiền thưởng lần lượt là 100.000 USD, 75.000 USD và 50.000 USD. Qualcomm sẽ không yêu cầu bất kỳ quyền sở hữu vốn hoặc sở hữu trí tuệ nào để đổi lấy hỗ trợ tài chính này. Danh sách những đội được lựa chọn bởi Qualcomm sẽ được công bố chính thức trên website.

Để đăng ký tham dự QVIC 2020 hoặc tìm hiểu thêm thông tin về cuộc thi, truy cập https://www.qualcomm.com/company/locations/vietnam/vietnam-innovation-challenge.

Ánh Dương

Từ khóa:  công nghệ
Cùng chuyên mục
XEM