Cộng đồng địa phương Trung Quốc lao đao khi bị nhà máy Samsung 'bỏ rơi'

11/12/2019 11:40 AM | Kinh doanh

"Trước khi nhà máy Samsung chuyển đi, doanh thu của chúng tôi có thể đạt 60.000-70.000 Nhân dân tệ (8.500-9.900 USD) mỗi tháng. Phần lớn khách hàng là công nhân viên Samsung. Giờ đây chúng tôi chỉ kiếm được vài trăm Nhân dân tệ mỗi tháng với khoảng 2-3 bàn khách mỗi tối", cô Li buồn bã nói.

Gần đây, việc Samsung đóng cửa nhà máy tại Huệ Châu-Trung Quốc đã khiến cộng đồng địa phương ở đây khốn đốn. Vốn là một trung tâm sản xuất cung cấp việc làm, thu nhập cũng như thúc đẩy kinh doanh trong khu vực nhưng việc Samsung rời đi đã làm hàng loạt doanh nghiệp, hàng quán tại đây phải đóng cửa.

Cô Li Bing là chủ một nhà hàng ở Huệ Châu và luôn vui vẻ khi nhà hàng đầy ắp những thực khách, vốn là nhân viên hay đối tác của Samsung đến ăn. Vậy nhưng 2 tháng trở lại đây, nhà hàng của cô chỉ còn những chiếc bán trống. Không riêng gì nhà hàng của cô Li, khu thương mại Jinxinda nơi nhà hàng kinh doanh cũng gặp cảnh đìu hiu tương tự.

Trong gần 30 năm qua, Samsung không chỉ đóng góp tiền thuế cho nền kinh tế địa phương mà còn xây dựng lên một hệ thống thương mại, kinh doanh trong vùng với vô vàn những công ty cung cấp linh kiện, thiết bị, nhu yếu phẩm quanh nhà máy. Bên cạnh đó là những hàng quán, tạp hóa… nhằm đáp ứng nhu cầu của hàng nghìn công nhân viên Samsung.

Vậy nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc đã đẩy những nhà máy như Samsung dịch chuyển sang Việt Nam, để lại những chủ cửa hàng nhỏ như cô Li với một mớ hỗn độn và khó khăn.

Cộng đồng địa phương Trung Quốc lao đao khi bị nhà máy Samsung bỏ rơi - Ảnh 1.

Hàng quán tại Huệ Châu phải đóng cửa do bị nhà máy Samsung "bỏ rơi"

"Trước khi nhà máy Samsung chuyển đi, doanh thu của chúng tôi có thể đạt 60.000-70.000 Nhân dân tệ (8.500-9.900 USD) mỗi tháng. Phần lớn khách hàng là công nhân viên Samsung. Giờ đây chúng tôi chỉ kiếm được vài trăm Nhân dân tệ mỗi tháng với khoảng 2-3 bàn khách mỗi tối", cô Li buồn bã nói.

Rất nhiều công nhân viên của nhà máy Samsung đã đăng lên mạng xã hội dòng trạng thái buồn bã khi buộc phải rời bỏ công việc đã làm rất lâu. Họ chụp ảnh lại những bộ phận smartphone cuối cùng của mình trước khi Samsung rời bỏ Trung Quốc sang Việt Nam.

Theo ước tính, do không có tập đoàn sản xuất nào thế chỗ của Samsung nên ít nhất 60% các nhà hàng, doanh nghiệp trong vùng đã phải đóng cửa và tỷ lệ này ngày càng tăng trong thời gian tới.

"Samsung là một trong những hãng sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới. Bởi vậy khu nhà máy của họ tại Huệ Châu đã xây dựng hẳn một hệ thống chuỗi sinh thái tại Quảng Đông cũng như các tỉnh lân cận nhằm cung ứng cho việc sản xuất trong suốt 20 năm qua… Ít nhất 100 nhà máy tại Quảng Đông sẽ phải đóng cửa bởi họ chẳng thể hoạt động nếu thiếu Samsung, đó là chưa kể đến khu vực kinh doanh, thương nghiệp, hàng quán trong vùng", Giám đốc Liu Kaiming của Viện ICO chuyên nghiên cứu tình hình hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc nhận định.

Tác động của việc Samsung từ bỏ Trung Quốc thậm chí lan đến tận thành phố Đông Quản, cách Huệ Châu 100km về phía Tây. Hàng nghìn công nhân lao động của tập đoàn robot Janus Intelligent đã phải giảm giờ làm do thiếu đơn đặt hàng. Một số công nhân viên đã bị yêu cầu nghỉ tạm 3-4 tháng trong khi số khác chỉ được làm 1-2 ngày mỗi tuần bởi đơn giản rằng Samsung vốn đã là khách hàng chính của công ty từ cuối thập niên 2000 và việc chuyển đi đã làm giảm nhu cầu sản xuất.

Năm 2018, Janus công bố khoản lỗ tới 2,86 tỷ Nhân dân tệ (405 triệu USD) do Samsung hạn chế dần các đơn hàng kể từ quý IV/2018.

Cộng đồng địa phương Trung Quốc lao đao khi bị nhà máy Samsung bỏ rơi - Ảnh 2.

Nhà máy Samsung tại Huệ Châu được mở vào năm 1992

Vào tháng 9/2019, Janus đã bán phần lớn tài sản của mình tại Đông Quản cho hãng Firstar Panel Technology. Khoảng 2/3 nhân công của hãng bị cho làm cầm chừng, một biện pháp nhằm ép họ nghỉ việc bởi theo luật định, công ty sẽ phải có bồi thường nếu đuổi việc công nhân không có lý do chính đáng.

Tuy nhiên nếu làm cầm chừng, công nhân sẽ không được nhận mức lương tối thiểu 1.800 Nhân dân tệ/tháng (255 USD), qua đó không mưu sinh được và phải tự bỏ việc, còn công ty sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Đây là một tín hiệu chẳng tốt lành gì cho những nhà máy gắn liền với Samsung cũng như những người lao động Trung Quốc. Vào thời kỳ đỉnh cao, Janus tuyển dụng tới hơn 10.000 nhân công nhưng giờ đây họ chỉ còn khoảng 3.000 người.

Quay trở lại Huệ Châu, nhiều hàng quán cũng đang than phiền khi Samsung bỏ rơi họ.

"Chi tiêu trong vùng đã giảm mạnh. Công việc kinh doanh của chúng tôi đã suy giảm ít nhất 80% so với hồi tháng 8/2019 sau khi lượng lớn công nhân của Samsung rời đi vào tháng 9. Mọi cửa hàng tại nơi đây, từ hiệu thuốc, nhà sáng, siêu thị, quán Internet, khách sạn, quán cà phê… có cái nào mà không phụ thuộc vào Samsung chứ?", ông chủ Li Hua của một tiệm tạp hóa trong vùng ngậm ngùi.

Quay ngược lại năm 1992, nhà máy Samsung tại Huệ Châu được mở chỉ 4 ngày trước khi thỏa thuận tăng cường hợp tác thương mại Trung Quốc-Hàn Quốc được ký kết. Chỉ một năm sau đó, nhà máy với tổng vốn đăng ký 32 triệu USD đã cho ra đời hàng loạt những sản phẩm tân tiến nhất của Samsung, từ máy nghe nhạc thập niên 1990, máy chạy MP3 thập niên 2000 cho đến smartphone năm 2007.

Vào thời kỳ đỉnh cao năm 2011 khi doanh số bán điện thoại của Samsung đứng đầu thế giới, nhà máy của họ tại Huệ Châu và Thiên Tân đã xuất khẩu tương ứng 70,14 triệu và 55,64 triệu chiếc điện thoại.

Số liệu chính thức cho thấy sau khi Samsung di chuyển vào tháng 9/2019, xuất khẩu của thành phố Huệ Châu trong tháng 10 đã giảm xuống còn 14 tỷ Nhân dân tệ (2 tỷ USD), thấp hơn 27% so với cùng kỳ năm trước.

Cộng đồng địa phương Trung Quốc lao đao khi bị nhà máy Samsung bỏ rơi - Ảnh 3.

AB

Cùng chuyên mục
XEM