Công bố dự án thế chấp ngân hàng: Môi giới khóc ròng vì bị “truy nã”, doanh nghiệp kêu oan

30/07/2016 11:39 AM | Xã hội

Nhiều môi giới chia sẻ đây là tình huống hy hữu nhất họ gặp phải từ trước đến nay, và không biết làm cách nào để xoa dịu khách hàng.

Câu chuyện công bố các dự án BĐS đang thế chấp ở ngân hàng là đề tài “nóng” nhất được bàn tán xôn xao trong giới địa ốc suốt tuần qua. Sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM (TNMT) bất ngờ đưa ra danh sách 77 dự án BĐS đang thế chấp ở một số ngân hàng, sau đó được báo chí đăng tải, thị trường bắt đầu sôi sục, xôn xao với danh sách này. Ngay lập tức đã có nhiều ý kiến, quan điểm được đưa ra.

Đa phần những nhà chuyên môn, chuyên gia đều nhận định việc công bố danh sách là tích cực, làm minh bạch cho thị trường. Tuy nhiên, công khai như thế nào, chi tiết ra sao, dự án thế chấp mục đích gì…lại chưa được làm rõ trong việc công bố của Sở TNMT Tp.HCM, bởi sở này chỉ đơn thuần đưa ra danh sách.

Điều này khiến nhiều người dân lầm tưởng cứ dự án nằm trong danh sách trên là xấu, tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi của họ…khiến cả thị trường “chao đảo”. Trong đó, nhóm môi giới địa ốc và doanh nghiệp kinh doanh BĐS đã gặp khá nhiều rắc rối.

Tuần qua, rất nhiều môi giới bất động sản bị “truy nã” bởi khách hàng. Ngay sau khi có thông tin về 77 dự án đang thế chấp được công bố, họ đã phải đón nhận sự tức giận, nổi cơn thịnh nộ, thậm chí còn dọa kiện…Nhiều môi giới chia sẻ đây là tình huống hy hữu nhất họ gặp phải từ trước đến nay, và không biết làm cách nào để xoa dịu, vì chuyện pháp lý của dự án nhiều khi chỉ cấp quản lý mới nắm tường tận.

Câu chuyện chia sẻ của môi giới Hoàng Nam tại Q.2 Tp.HCM trên báo Vietnamnet là một điển hình: “Tại sao dự án đã thế chấp rồi mà em lại bán cho chị? Nếu em không làm rõ chuyện này chị sẽ lôi công ty ra tòa. Lúc nào cũng giới thiệu là công ty uy tín mà làm ăn kiểu gì vậy?...” Đó là những truy vấn mà Hoàng Nam phải đối diện.

Ở khía cạnh của doanh nghiệp, tuần qua đại diện nhiều DN BĐS kinh doanh trên địa bàn Tp.HCM phải lên tiếng sau khi danh sách này được công bố. Lãnh đạo nhiều công ty cho rằng họ phải triệu tập các cuộc họp để hướng dẫn nhân viên kinh doanh cách thông tin đến khách hàng, liên tục phải giải tỏa mối hoài nghi của khách mua nhà.

Đơn cử như trường hợp ở Quốc Cường Gia Lai, theo đại diện công ty này chỉ có 1 dự án nhà xã hội của họ thế chấp vay vốn ngân hàng, nhưng trong danh sách lại có tới 2 dự án, khiến ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng của họ. Bà chủ Quốc Cường Gia Lai bức xúc cho biết là sẽ có khiếu nại Sở TNMT Tp.HCM.

Hay trường hợp ông chủ Hưng Lộc Phát cũng bức xúc cho rằng 10 căn hộ và 6 sàn thương mại của Công ty nằm trong danh sách, nhưng lại không thông tin đầy đủ nên gây nhầm lẫn và ảnh hưởng đến tâm lý, lòng tin của khách hàng đối với thương hiệu của Hưng Lộc Phát và các dự án công ty đang triển khai.

Theo ông Phan Thành Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn Novaland, cho rằng cách đưa thông tin cô đọng và chưa đầy đủ như trên làm ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp do người mua nhà chỉ cần biết doanh nghiệp có tên trong bảng danh sách này là hoang mang, nghi ngại.

Sau khi danh sách dự án thế chấp ngân hàng được công bố, thì tuần qua là một tuần “đứng ngồi không yên” của các DN địa ốc Tp.HCM, đặc biệt là những đơn vị đang trong giai đoạn mở bán các dự án. Đa số đại diện các DN này cho rằng, họ thế chấp dự án đúng luật, nhiều DN còn kêu oan khi có tên trong danh sách. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến uy tín và kế hoạch bán hàng của họ.

Ngay sau những “phản ứng” của DN, báo chí phản hồi thì chiều ngày 29/7 Sở TNMT Tp.HCM đã có buổi họp báo nhằm công bố đa chiều hơn về phản hồi từ các bên liên quan đến danh sách 77 dự án mà Sở này đã công bố.

Theo lý giải của đại diện Sở này, cho rằng nếu để cung cấp đầy đủ thông tin thì những thông tin các DN yêu cầu lại không có trong các hợp đồng thế chấp. “Vì thế, chúng tôi sẽ đặt vấn đề với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM để xác định được thông tin nào cần cung cấp, loại nào phải bảo đảm bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đợt công bố thông tin dự án có thế chấp tại ngân hàng đợt 2 sắp tới” ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Tp.HCM nói.

Cũng theo ông Liên, việc thế chấp dự án ở ngân hàng là chuyện bình thường, và theo quy định của pháp luật thì chủ đầu tư được thế chấp để vay vốn đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó.

Trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó, thì phải giải chấp trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng.

Theo Nhật Minh

Cùng chuyên mục
XEM