Con trai học lực trung bình, mẹ không trách mà có hành động giúp cậu bé thừa 7 điểm khi thi vào cấp 3

20/02/2023 10:35 AM | Sống

'Mẹ cho con lạc quan, con trao mẹ hạnh phúc' - là những gì chị Giang luôn tâm niệm khi nuôi dạy các con.

"Em muốn để con tiên tiến nhưng sợ con chủ quan vì sức học không tốt. Vậy em cứ để trung bình chị nhé" - khi nghe giáo viên chủ nhiệm nói câu đó, chị Giang cảm thấy chạnh lòng. Lúc ấy, con trai chị mới học lớp 6. Không giống như nhiều phụ huynh khác hứa hẹn sẽ về nhà dạy con rồi xin giáo viên chiếu cố nâng điểm để bé có học bạ đẹp, chị Giang đã trả lời: "Vâng, không sao cô ạ". Và khi về nhà, chị cũng không trách phạt hay mắng mỏ con trai.

Mẹ trẻ cho hay: "Trong suốt chặng đường học của các con, mình chưa bao giờ xin điểm. Lý do thứ nhất là mình không muốn làm khó cho các thầy cô khi phải làm một điều không đúng cho con mình. Lý do thứ hai, mình luôn dạy các con cần phải chịu trách nhiệm trước mọi hành động. Và mình coi kết quả học tập trong học bạ của các con sẽ là một cách thực hành tốt nhất việc tự chịu trách nhiệm với những điều con đã làm.

Còn về phần con trai thứ 2, khi bé không có thành tích học tập tốt, việc đầu tiên là mình quan sát và tìm nguyên nhân. Mình phát hiện con rất khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, đặc biệt là những môn học có tính suy luận, logic như: Toán, Lý, Hoá,...Bên cạnh đó, việc thiếu tập trung và tính hay nản cũng đã ảnh hưởng nhiều đến kết quả học tập của con. Ngoài ra vợ chồng mình cũng ngồi lại với nhau để nhìn nhận lại cả hai đã thực sự quan tâm, trách nhiệm và dành thời gian cho con hay chưa”.

Con trai học lực trung bình, mẹ không trách mà có hành động giúp cậu bé thừa 7 điểm khi thi vào cấp 3 - Ảnh 1.

Chị Giang chụp ảnh cùng con trai thứ 2.

Mẹ lạc quan, nhìn con theo chiều hướng tích cực

Sau khi tìm hiểu nguyên nhân, nắm được học lực của con cũng như các sở trường, sở đoản của bé, chị Giang đã có một quyết định rất mới mẻ. Theo đó, vào đầu lớp 7, chị quyết định cho con thi vào Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà nội, chuyên ngành Violin.

“Con chưa biết gì về violin. Đó là định hướng của mình. Tuy nhiên mình đã phân tích từ những điểm mạnh của con. Mình nhận thấy con trai là một cậu bé cảm thụ âm nhạc khá tốt. Ví dụ khi nghe một bài hát vài lần là con thuộc giai điệu và có thể hát lại một đoạn dài. Hay con nhìn các nghệ sĩ nhảy múa con cũng có thể bắt chước lại các động tác gần giống. Từ điều này mình quyết định tìm một môn nghệ thuật để con có thể tiếp cận một cách dễ dàng.

Và sau khi tìm hiểu lợi ích của từng môn học nghệ thuật cũng như tham khảo một vài bạn bè, mình quyết định lựa chọn cho con theo ngành học Violin. Mình quyết định điều này bởi Violin là một nhạc cụ khó chơi nên sẽ yêu cầu con sự nỗ lực và tập trung cao độ. Và để chơi thành thạo, con phải dành thời gian luyện tập mỗi ngày. Ngoài ra, con sẽ phải học cách cầm đàn, đặt nó lên vai như thế nào, cách bấm nốt ra sao. Và như vậy, thông qua việc học violin, mình muốn rèn cho con sự chú tâm và luyện tính kiên trì.

Và hay hơn nữa là khi lựa chọn ngôi trường Cao đẳng nhạc viện Hà Nội cho con, ngoài việc con được đào tạo violin thì con cũng có thể đăng ký học văn hóa cấp THPT tại trường nếu có nhu cầu. Điều này sẽ giúp con không cần tham dự kỳ thi vào cấp 3 và sẽ tránh bị áp lực thi cử” - chị Giang cho hay.

Con trai học lực trung bình, mẹ không trách mà có hành động giúp cậu bé thừa 7 điểm khi thi vào cấp 3 - Ảnh 2.

Chị Giang cho rằng quyết định chuyển hướng học cho con là việc làm đúng đắn.

Song song việc hướng con học môn nghệ thuật, mẹ trẻ bắt đầu chú tâm vào những điều tốt nhất ở con. Chị thường chia sẻ về con lên mạng xã hội, nhìn nhận những hạn chế của con theo góc nhìn tích cực. Rồi mẹ con chị nói chuyện với nhau hàng ngày, về những điều chị cảm thấy vui, buồn ở con, về cả những điều con chưa thấy hài lòng ở mẹ. Trước những điều tiêu cực, chị sẽ tận tình giải thích để con có cái nhìn bao dung, rộng lượng, thậm chí chị sẽ nhận lỗi nếu làm sai. Chị chia sẻ với con mọi lúc, toàn là những câu chuyện bâng quơ, không đầu, không cuối, nhưng mẹ trẻ luôn chọn vào thời điểm con tiếp nhận một cách tốt nhất.

“Thời gian đầu mới học con gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng mình luôn cho con biết lý do chúng ta đến với môn học này. Chúng ta không có nhiều sự lựa chọn nếu con vẫn muốn được học cấp 3 mà không cần phải áp lực đầu vào. Mình gần gũi, chia sẻ và lắng nghe con hàng ngày để cùng con lựa chọn những điều phù hợp. Ví dụ vào thời gian thi học kỳ ở trường học Văn hoá, mình sẽ chủ động hỏi con có cần xin cô giáo cho bảo lưu học violin đến khi thi xong không? Rồi mẹ con cùng đăng ký lịch học làm sao đảm bảo cho việc ăn uống và nghỉ ngơi đúng giờ. Hoặc chuẩn bị đến ngày thi hay biểu diễn tại trường nhạc viện, mình và con đều đi lựa để mua bộ quần áo đẹp nhất cho con mặc trong ngày biểu diễn.

Hay trong những ngày biểu diễn cuối kỳ, mình đều huy động cả nhà nào là ông bà, bố mẹ, anh chị em họ hàng để đi động viên con. Mình luôn cho con thấy con là điều quan trọng và là niềm tự hào của cả nhà. Và mỗi chặng đường con bước đều có sự ủng hộ và đồng hành của gia đình lớn nhỏ.

Có một ngày đón con học thêm về, con khoe con được 3 điểm 10 môn Toán. Mình bất ngờ và thật sự vui. Để đánh dấu cho 3 điểm 10 môn Toán đầu tiên, mình quyết định hai mẹ con sẽ đi mua tặng con một món quà. Sau khi mua xong con rất vui và kể chuyện với mình.

- Hôm nay thầy đi vắng nên nhờ vợ thầy trông lớp. Cô cho cả lớp 10 điểm vì ai cũng ngoan.

Lúc đó mình hơi hụt hẫng bởi câu chuyện không như mình nghĩ. Tuy nhiên, vì muốn giữ cho con niềm hân hoan khi có món đồ chơi mới được trọn vẹn nên mình đã không để con biết cảm xúc hụt hẫng của mình lúc đó. Về sau mình có chia sẻ lại cảm xúc của mình cùng câu chuyện này trên Facebook, mình muốn con đọc để hiểu rằng, cho dù có thế nào thì con vẫn luôn đáng yêu và xứng đáng nhận những điều tốt đẹp từ mọi người.

Hay có lần con vi phạm nội quy của trường nên bị đình chỉ học tập 1 ngày và hạ hạnh kiểm tháng đó. Bản thân lớp của con cũng bị ảnh hưởng và bị trừ điểm thi đua. Mình không một lời mắng con. Mình ngồi phân tích đúng sai cho con hiểu và chia sẻ lại cảm xúc của mình đã buồn thế nào khi bị Ban giám hiệu nhà trường mời đến. Con im lặng và tỏ ra rất ân hận về sự việc xảy ra. Hôm đó cũng gần đến ngày 20/10, mình liền động viên con tập bài “Bụi phấn” để bí mật tặng cô và các bạn. Con hãy coi đó là món quà thay cho lời xin lỗi của con tới lớp. Mình muốn con hiểu rằng “việc sai lầm là điều khó tránh, nhưng quan trọng nhất là cách ta đối diện và sửa sai như thế nào”.

Việc mình luôn công nhận con như vốn dĩ là điều mình muốn con hiểu bố mẹ đã thực sự yêu thương, thấu hiểu và tôn trọng con ra sao. Mình thấy mỗi ngày con một tự tin khi được là chính mình. Con được trải nghiệm những đúng sai để tự rút ra bài học đúng lần sau”.

Con trai học lực trung bình, mẹ không trách mà có hành động giúp cậu bé thừa 7 điểm khi thi vào cấp 3 - Ảnh 3.

Cậu bé học lực trung bình ngày nào giờ đã tự tin hơn rất nhiều.

Con trao mẹ hạnh phúc sau những lần được công nhận

Sau những gì chị Giang dạy và chia sẻ với con, cậu bé đã có những thay đổi tích cực: Em hiểu rằng kết quả sẽ tương xứng với những nỗ lực và công sức bỏ ra. Cậu bé bắt đầu đặt ra mục tiêu trong từng việc cụ thể. Em đã biết có trách nhiệm với lời nói và hành động của mình. Em tự tin vào bản thân và thường xuyên chia sẻ với bố mẹ, anh trai hàng ngày.

“Mình đã rất vui khi gần đây con có thêm điểm 8 môn Anh. Mình xúc động khi nhìn con tự tin cầm đàn biểu diễn. Mình đã rất hạnh phúc khi con được bà nội khen: “Thằng bé nó để ý, biết quan tâm người khác lắm con nhé. Mẹ đau chân mà đi đến cầu thang nó đã chạy ra để dìu mẹ”. Và tất cả cảm xúc vỡ òa khi con thi thừa 7 điểm vào cấp 3. Hôm đó con đã gọi điện nói với mình: “Điểm thi đang thừa nhiều quá mà chưa biết mang đi từ thiện ở đâu đây mẹ?”. Đó là một cột mốc đáng nhớ của gia đình mình.

Hiện tại thì con đang học lớp 12. Hiện con là phó bí thư lớp và cán bộ Ban chấp hành đoàn trường, Con cũng đang được bảo lưu năm thứ 6 khoa violin tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội để dành tâm sức cho kỳ thi đại học năm nay. Con đã trở thành một chàng trai tuổi 18 rất tự tin, cá tính với sự đồng hành và lạc quan của những người yêu thương con vô bờ.

Con trai học lực trung bình, mẹ không trách mà có hành động giúp cậu bé thừa 7 điểm khi thi vào cấp 3 - Ảnh 4.

Cậu bé tự tin đánh đàn cho cả nhà cùng thưởng thức.

Thật sự mình hạnh phúc và thấy may mắn khi có những quyết định đúng đắn và kịp thời. Mình nhận ra việc ghi nhận sự nỗ lực của con suốt cả quá trình quan trọng hơn rất nhiều việc ghi nhận ở kết quả cuối cùng. Hơn nữa, mình nhận thấy trách nhiệm và nhìn ra những cách làm chưa đúng của hai vợ chồng trước những điều chưa được như mong muốn của con. Mình luôn luôn khắc sâu câu nói “Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình” khi dạy con.

Mình nghĩ rằng gia đình nào cũng đều có những kỷ luật và nguyên tắc ứng xử để con không vi phạm những lễ giáo căn bản. Nhưng trên hết cả chúng ta hãy luôn coi các con là những người bạn của mình. Hãy dùng tình yêu thương, sự tôn trọng và lòng thấu cảm để giáo dưỡng con trẻ. Hãy dạy con cách tự chịu trách nhiệm, cách tự lập, cách nhìn sâu bên trong mình để nhận lỗi và sửa sai. Và cao hơn cả đó là lòng thấu cảm, biết ơn và tri ân với những điều con đang có và đang được đón nhận hàng ngày" - mẹ trẻ bộc bạch.

Theo Minh Nhật

Cùng chuyên mục
XEM