Con người sắp phải sửa lại đồng hồ vì thời gian 1 ngày đang ngày càng ngắn lại

16/01/2021 08:00 AM | Xã hội

"Trái đất đang quay nhanh hơn ở mức chưa từng thấy trong 50 năm qua", chuyên gia vật lý Peter Whibberley của Viện thí nghiệm vật lý quốc gia Anh (NPL) nhận định.

Theo các nhà nghiên cứu, khoảng thời gian của năm 2020 đang ngắn hơn so với những năm trước dù người thường không mấy nhận ra. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do trái đất quay nhanh hơn khiến một ngày dần ngắn lại, nhưng sự thay đổi quá nhỏ khiến mọi người khó cảm nhận được.

Cụ thể, năm 2020 phá kỷ lục khi ghi nhận 28 ngày ngắn nhất kể từ năm 1960 mà nguyên nhân là do trái đất quay nhanh hơn 1,5 milli giây so với thông thường. Cả 28 ngày trên đều phá vỡ kỷ lục trước đây vào ngày 5/7/2005, khi đó thời gian thực của ngày kém 1,0516 milli giây so với tiêu chuẩn 86.400 giây thông thường.

Trên thực tế việc trái đất quay nhanh hay chậm hơn so với bình thường là chuyện dễ hiểu do ảnh hưởng của áp suất khí quyển, gió, dòng hải lưu và sự vận động trong tâm trái đất. Dẫu vậy theo các nhà khoa học, việc năm 2020 có quá nhiều ngày ngắn hơn so với thông thường đang báo hiệu đà quay nhanh hơn của trái đất.

Con người sắp phải sửa lại đồng hồ vì thời gian 1 ngày đang ngày càng ngắn lại - Ảnh 1.

Nguyên nhân chính của tình trạng này được cho là do ô nhiễm môi trường, thay đổi khí hậu, sự tan băng khiến phân bố địa cầu biến đổi qua đó ảnh hưởng đến tốc độ quay của trái đất.

Theo dự đoán, năm 2021, thời gian 1 ngày sẽ còn ngắn hơn nữa. Bình quân mỗi ngày sẽ chậm hơn 0,05 milli giây so với tiêu chuẩn 86.400 giây, thậm chí sẽ có ngày chậm hơn tới 1,5 milli giây. Những ước tính cho thấy ngày ngắn nhất trong năm 2021 có thể chậm 19 milli giây so với tiêu chuẩn.

"Trái đất đang quay nhanh hơn ở mức chưa từng thấy trong 50 năm qua", chuyên gia vật lý Peter Whibberley của Viện thí nghiệm vật lý quốc gia Anh (NPL) nhận định.

Để định nghĩa giờ trái đất, Cơ quan quan sát trái đất quay (IERS) đo lường thời gian chính xác một vì sao cố định lướt qua vùng trời và gọi đó là "Giờ quốc tế" (Universal Time) rồi đem so sánh với "Giờ nguyên tử" (Atomic Time), loại thời gian được đo bằng đồng hồ nguyên tử siêu chính xác trên trái đất. Từ đó, các nhà khoa học xác định được xem trái đất quay nhanh hay chậm hơn so với thực tế.

Điều đáng ngạc nhiên là trong vài thập niên trở lại đây, trái đất đang quay chậm lại chứ không nhanh hơn. Kể từ khi hệ thống đo lường này được thực hiện vào cuối thập niên 1960, phần lớn các ngày trong năm đều dài hơn vài trăm milli giây so với tiêu chuẩn 86.400 giây.

Bởi vậy các nhà khoa học đã phải thêm vài giây nhuận hàng năm. Đặc biệt vào năm 1972, họ đã phải thêm tới 27 giây nhuận để cân chỉnh lại thời gian đồng hồ sao cho chính xác.

Con người sắp phải sửa lại đồng hồ vì thời gian 1 ngày đang ngày càng ngắn lại - Ảnh 2.

Tuy nhiên từ năm 2016, các nhà khoa học không phải thêm giây nhuận nào khi trái đất bắt đầu quay nhanh hơn. Thậm chí nếu năm 2021 ngắn hơn năm 2020 so với thực tế, các nhà khoa học sẽ phải trừ bớt giây để cân chỉnh lại thời gian.

Nếu năm 2021 thực sự ngắn hơn đúng như dự đoán thì chúng ta sẽ có năm ngắn nhất trong hàng thập niên qua khi đồng hồ nguyên tử lệch 19 milli giây so với thực tế.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM