Cơn địa chấn Hong Kong, người dân hoảng loạn gom tiền mặt
Sau sân bay, hàng không tới lượt các ngân hàng tài chính ở Hong Kong đang phải tìm cách đối phó với cuộc biểu tình. Kinh tế Hong Kong thiệt hại nặng nề.
Các ngân hàng lớn nhất Hong Kong cho biết có đủ tiền mặt để đáp ứng nhu cầu rút tiền tăng đột biến ngay sau khi nhiều lời kêu gọi đang lan truyền trên Internet rút sạch tiền khỏi các ATM để gây khó cho hệ thống ngân hàng. Họ đang theo sát hoạt động rút tiền tại các ATM của mình.
Bank of East Asia, DBS, OCBC Wing Hang Bank và Hang Seng Bank cũng khẳng định đã có kế hoạch dự phòng. Theo HSBC, ngân hàng này đủ nguồn cung tiền mặt và cam kết hỗ trợ khách hàng cũng như hoạt động ổn định của hệ thống tài chính.
Ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể tới ngành hàng không và du lịch. Sân bay quốc tế Hong Kong, một trong những sân bay sầm uất nhất thế giới, buộc phải hủy hơn 300 chuyến bay trong sáng 13/8.
Nền kinh tế lao đao sau biểu tình
Còn theo AFP, tỉ lệ đặt phòng khách sạn tại Hong Kong đã giảm mạnh, trong khi lượng đặt tour theo nhóm giảm đến 50%. Theo ông Yiu, trong nửa đầu năm nay, tỷ lệ sử dụng phòng khách sạn ở Hồng Kông đạt bình quân 90%. Nhưng tỷ lệ này có thể giảm 1/3 trong nửa cuối năm do lượng khách Trung Quốc đại lục sụt giảm. Cơ quan du lịch đặc khu cũng xác nhận tỉ lệ khách đặt tour du lịch cho tháng 8 và 9-2019 lao dốc.
Hay như công viên giải trí Disneyland bị ảnh hưởng bởi du khách giảm đi, trong khi ngành bán lẻ cũng lao đao vì thiếu khách và phải đóng cửa trong những ngày biểu tình. Giao dịch bất động sản cũng giảm 35%.
Ngành mũi nhọn là bất động cũng điêu đứng. Dữ liệu từ Refinitiv cho thấy, Hang Seng Properties Index, một thước đo giá cổ phiếu bất động sản Hong Kong, đã giảm 19% kể từ mức đỉnh gần nhất thiết lập vào tháng 4. Cùng khoảng thời gian, chỉ số Hang Seng Index của toàn thị trường chứng khoán Hong Kong giảm hơn 16%.
Theo dữ liệu của Knight Frank, doanh số bán nhà tại Hong Kong trong tháng 7 giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Knight Frank dự báo giá nhà ở Hong Kong trong nửa cuối 2019 sẽ giảm 5%.
Thị trường chứng khoán Hong Kong đã mất gần 500 tỉ USD giá trị kể từ khi cuộc biểu tình dâng cao vào tháng 6-2019, và các chỉ số tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tháng qua trong ngày 13/8.
Chao đảo nền kinh tế
Kinh tế Hong Kong, được mệnh danh là một trung tâm tài chính của châu Á, tăng trưởng 0,6% trong giai đoạn tháng 4 đến 6-2019. Theo giới quan sát, người biểu tình đang cố tình làm tê liệt nền kinh tế để gây áp lực lên chính quyền.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam nói rằng phong trào biểu tình đang đe dọa kinh tế Hong Kong còn nghiêm trọng hơn cả khủng hoảng tài chính và dịch SARS. Bà Lam cũng cho biết chính quyền Hong Kong đang cân nhắc triển khai các biện pháp mạnh để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chỉ tính riêng sân bay quốc tế Hong Kong đón tiếp hơn 74 triệu người mỗi năm, trong đó có không ít doanh nhân, đóng góp 5% cho GDP Hong Kong. Việc người biểu tình phong tỏa sân bay Hong Kong ngày đầu tuần là tín hiệu cho thấy những hậu quả nghiêm trọng sắp tới.
BĐS giảm giá mạnh |
GDP năm ngoái của Hong Kong là 2,8 nghìn tỷ đôla Hong Kong (357 tỷ USD), tương đương GDP một ngày là hơn 7,7 tỷ đôla Hong Kong (981 triệu USD). Sân bay bị gián đoạn, thiệt hại kinh tế có thể lên tới 8% GDP của một ngày, tương đương hơn 620 triệu đôla Hong Kong (79 triệu USD).
Cục trưởng Tài chính Paul Chan của đặc khu hành chính Hong Kong thông báo, chính quyền sẽ hạ dự báo tăng trưởng GDP 2019 xuống từ 0 đến 1% so với ước tính tăng trưởng ban đầu là 2-3%.
Ở mức độ lớn hơn, Jim Cramer của hãng tin CNBC đánh giá, phong trào biểu tình ở Hong Kong có thể khiến đẩy thế giới vào suy thoái kinh tế, nghiêm trọng hơn chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.