Cơn bùng nổ smartphone tại quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á

11/07/2017 15:01 PM | Xã hội

Số liệu năm 2015 của ADB cho thấy số lượng đăng ký dịch vụ viễn thông tại Myanmar tăng trưởng nhanh thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Cô Ye Myat Min là một nữ doanh nhân trẻ 25 tuổi tại Myanmar và điều đáng ngạc nhiên là doanh nghiệp công nghệ của vị nữ cường nhân này đang tăng trưởng nhanh chóng ở một quốc gia mà nền kinh tế nông nghiệp vẫn chiếm chủ đạo.

Theo cô Ye, nhu cầu về ứng dụng điện thoại di động cũng như website đang bùng nổ chóng mặt tại Myanmar, khiến hàng loạt những công ty nhỏ về công nghệ của cô tăng trưởng tốt. Doanh nghiệp của Ye mới đây đã ký kết rất nhiều hợp đồng với các tập đoàn nước ngoài lớn như Smasung hay Nestle.

Câu chuyện thành công của cô Ye là một ví dụ điển hình cho những gì diễn ra ở một quốc gia thuần nông khi điện năng còn là mặt hàng xa xỉ với nhiều người dân.


Tỷ lệ dân số sống dưới mức nghèo khổ theo số liệu của ADB

Tỷ lệ dân số sống dưới mức nghèo khổ theo số liệu của ADB

Thị trường viễn thông tiềm năng nhất Đông Nam Á

Chỉ cách đây 6 năm khi thị trường Myanmar vẫn chưa mở cửa, điện thoại di động thậm chí là biểu tượng xa xỉ chỉ dành cho giới nhà giàu và những doanh nhân có nhiều mối quan hệ. Khi đó, Triều Tiên là quốc gia duy nhất có số di động ít hơn Myanmar trên toàn thế giới.

Tuy vậy ngày nay, việc thị trường mở cửa với hàng loạt công cuộc cải cách đã giúp người dân nơi đây kết nối được với nhau qua dịch vụ viễn thông cũng như Internet. Số liệu của ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cho thấy dù 25,6% người dân Myanmar sống dưới mức nghèo khổ và là quốc gia nghèo nhất Đông Nam Á nhưng hiện 21,8% cư dân tại đây đã thường xuyên kết nối Internet trong khi dịch vụ viễn thông hầu như đã trải khắp cả nước.

Tất cả mọi chuyện bắt đầu từ năm 2013 khi chính phủ dỡ bỏ thế độc quyền trong ngành viễn thông nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chính phủ Myanmar đã rất thông minh khi chỉ cấp phép cho các công ty viễn thông quốc tế nếu họ chấp nhận phủ sóng cả những vùng quê hẻo lánh không có nhiều lợi nhuận.


Tỷ lệ đăng ký dịch vụ viễn thông của Myanmar tăng vọt sau công cuộc mở cửa năm 2013

Tỷ lệ đăng ký dịch vụ viễn thông của Myanmar tăng vọt sau công cuộc mở cửa năm 2013

Động thái này của Myanmar là hoàn toàn hợp lý trước tình trạng chạy theo lợi nhuận của những công ty nước ngoài, chỉ tập trung vào thị trường đô thị mà quên mất những vùng dân cư khác.

Năm 2014, hãng Telenor của Na Uy và Ooredoo của Qatar đã chi hàng tỷ USD để xây dựng hệ thống dịch vụ viễn thông với các trạm phát sóng đến tận vùng núi cao hẻo lánh ở Myanmar. Không dừng lại ở đó, hàng loạt các tập đoàn như hãng vận tải KĐI của Nhật Bản hay Sumitomo cũng thỏa thuận với công ty viễn thông quốc doanh MPT của Myanmar cho dự án đầu tư phát triển có trị giá hơn 2 tỷ USD.

Hàng nghìn trạm phát sóng với hệ thống năng lượng mặt trời tự động đã được lắp đặt tại các vùng núi và thậm chí là trên thửa ruộng của Myanmar nhằm đáp ứng nhu cầu liên lạc ngày một cao tại đây. Thậm chí những bộ giảm nhiệt cũng được lắp đặt một cách cẩn thận nhằm đảm bảo hoạt động của các trạm phát sóng này.

Nhờ những cố gắng trên, số liệu năm 2015 của ADB cho thấy số lượng đăng ký dịch vụ viễn thông tại Myanmar tăng trưởng nhanh thứ 3 thế giới sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tính đến tháng 6/2016, chính phủ Myanmar cho biết khoảng 90% của 54 triệu dân nước này đã kết nối với dịch vụ viễn thông có cung cấp Internet trên toàn quốc.

Vào tháng 4 vừa qua, giới truyền thông của nước này cho biết hiện 60% dân số Myanamar đã sử dụng Facebook hay những dịch vụ viễn thông khác. Trong khi đó, các ứng dụng như Uber hay Grab Taxi đã được sử dụng tại Yangon, thành phố lớn nhất đất nước.


Ngành viễn thông cũng như di động của Myanmar bùng nổ chưa từng thấy

Ngành viễn thông cũng như di động của Myanmar bùng nổ chưa từng thấy

Trong thời kỳ chưa mở cửa, một chiếc sim điện thoại tại đây có thể được bán với giá hơn 2.000 USD trên thị trường chợ đen nhưng ngày nay, chúng chỉ đáng giá khoảng 1,5 USD. Một chiếc smartphone bình dân ngoài chợ có giá chưa tới 20 USD còn phí gọi nội địa chỉ chưa đến 2 cent/phút.

Sự bùng nổ của dịch vụ viễn thông đã làm thay đổi bộ mặt của quốc gia cũng như đời sống của người dân. Dịch vụ bưu chính hiện nay đang ngày một thất thế trước sự tiện lợi của viễn thông trong khi người dân háo hức tìm đọc những thông tin về thế giới bên ngoài nhờ Internet.

Cô Thiri Thant Mon, chủ một ngân hàng đầu tư nhỏ tại Myanmar cho biết cách đây vài năm mọi người không biết chuyện gì đang diễn ra trên thế giới thì hiện nay, những chủ đề về Tổng thống Mỹ Donald Trump hay các sự kiện nóng trên toàn cầu được người dân thảo luận phổ biến trên đường phố.

Tiềm năng nhưng còn nhiều thách thức

Hiện nay, rủi ro lớn nhất của ngành viễn thông Myanmar không phải là thiếu khách hàng hay công ty đầu tư mà việc giảm giá quá nhanh cũng như cạnh tranh ngày một khốc liệt trong ngành đang có nguy cơ đẩy nhiều hãng mất lợi nhuận và buộc phải rút lui khỏi thị trường.

Vào tháng 1/2017, Myanmar cấp phép cho nhà đầu tư thứ 4 trong ngành là Tổng công ty viễn thông quân đội Viettel của Việt Nam. Động thái này đã khiến nhiều hãng viễn thông tại Myanmar lo lắng trước nguy cơ cạnh tranh khốc liệt về giá cả.

Tuy nhiên, những người dân Myanmar lại không mấy quan tâm đến vấn đề này. Cái họ chú ý duy nhất là giá cước giảm, người dân được lợi.

Hiện thị trường Myanmar vẫn còn rất tiềm năng cho các hãng viễn thông. Số liệu của Liên hiệp quốc (UN) cho thấy hầu hết người dân nơi đây vẫn dùng tiền mặt và chỉ 5% dân số có tài khoản ngân hàng nhưng mọi chuyện đang dần biến chuyển khi những ứng dụng smartphone bắt đầu xâm chiếm thị trường.

Ứng dụng Wave Money được hãng viễn thông Telenor cho ra mắt tháng 8/2016 cho phép người dân rút tiền, thanh toán, chuyển khoản, mua hàng ngoài siêu thị đã thu hút được 450.000 khách hàng sử dụng.

Không dừng lại ở đó, sự mới mẻ trong các trò chơi điện thoại, những thông tin mới lạ từ bên ngoài thế giới sau nhiều năm đóng cửa thị trường, hàng loạt các tiện ích khác đang thu hút một lượng đông đảo khách hàng ở Myanmar.

Hãng My Play, một công ty chuyên phát triển game ở đây cho biết khoảng 1 triệu người đã đăng ký chơi 5 dòng trò chơi của hãng trên các smartphone. Vào tháng 3 vừa qua, hãng Isentric của Australia đã đồng ý mua lại My Play với giá 4,6 triệu USD.

Theo hàng tin Bloomberg, sự bùng nổ của dịch vụ viễn thông và Internet đã thúc đẩy nhiều ngành nghề đi kèm như sửa chữa điện thoại, cũng như khiến một số ngành nghề khác gặp nguy cơ như ngân hàng khi Myanmar có thể ứng dụng những công nghệ mới nhất cho mảng tài chính.

Dẫu vậy, quốc gia này vẫn còn rất nhiều thứ phải làm khi hệ thống cơ sở hạ tầng còn yếu, thu nhập người dân còn thấp. Tình trạng mất điện tại đây diễn ra thường xuyên đang khiến các tập đoàn phải đắn đo khi đầu tư vào đây.

BT

Cùng chuyên mục
XEM