Có trong tay triệu đô sau 5 năm và nghỉ hưu ở tuổi 30, tôi nhận ra tằn tiện từng xu không phải cách tiết kiệm tiền bạc nhanh nhất

19/02/2019 17:18 PM | Sống

Trong khi phần lớn chuyên gia tư vấn tài chính đều cho rằng muốn làm giàu và tiết kiệm hiệu quả, chúng ta cần cắt giảm chi tiêu hết mức có thể, thậm chí chi li, tằn tiện từng đồng. Nhưng thực tế đó chưa hẳn đã là cách duy nhất và nhanh nhất.

Bài viết là những chia sẻ từ kinh nghiệm thực tế của Grant Sabatier, một triệu phú tự thân, người sáng lập nên blog tài chính Millennial Money.

Mỗi người trong chúng ta đều có cách làm giàu của riêng mình, nhưng tựu chung lại, chúng đều mang ba yếu tố cơ bản sau (tôi xin gọi chúng là ba cấp độ):

1. Thu nhập: Số tiền bạn kiếm được.

2. Tích luỹ: Số tiền bạn dành ra để tiết kiệm/đầu tư.

3. Chi tiêu: Số tiền bạn dành ra để chi tiêu vào các nhu cầu trong đời sống.

Theo ba cấp độ trên, thu nhập của bạn càng cao, số tiền dành ra để "bỏ ống heo" càng nhiều và chi tiêu càng ít bao nhiêu thì bạn càng sớm đạt được tự do và độc lập tài chính bấy nhiêu.

Tuy nhiên, hầu hết các lời khuyên về tài chính cá nhân cho rằng chúng ta nên tập trung vào việc giảm tiêu xài để dành tiền vào khoản tiết kiệm. Cách này có thể đem lại hiệu quả, nhưng mặt khác nó làm bạn cảm thấy cuộc sống trở nên khó khăn, tù túng khi phải đau đầu cân bằng chi tiêu và từ bỏ những thú vui của bản thân.

Và dù cho bạn có cắt giảm bao nhiêu tiền cho nhu cầu sinh hoạt như đi lại hay ăn uống, gặp mặt bạn bè đi nữa thì khoản tiền bạn tiết kiệm vẫn bị giới hạn bởi số tiền bạn kiếm được mỗi tháng.

Có một cách hữu hiệu hơn mà hầu hết các cuốn sách self-help hay chuyên gia tài chính đều bỏ lỡ, đó là để làm giàu nhanh chóng, bạn cần tối đa hoá cả ba cấp độ trên. Tức là giảm chi tiêu, đồng thời tăng thu nhập, bạn sẽ có thêm tiền để tiết kiệm/đầu tư, từ đó giúp bạn gia tăng khoản tích luỹ của mình.

Khi tôi cố gắng tìm ra cách để tiết kiệm được một triệu đô la ở tuổi 30 và nghỉ hưu càng sớm càng tốt, tôi đã làm một bài toán nhỏ và nhận ra rằng ngay cả khi tiết kiệm một nửa số thu nhập của mình hàng năm, mỗi năm thu nhập tăng thêm 7% thì cũng phải mất 25 năm để có được 1,25 triệu đô. Chưa kể vấn đề lạm phát còn khiến số tiền ấy có thể không đủ cho cuộc sống của tôi sau khi nghỉ hưu.

Trừ khi bạn đã kiếm được nhiều tiền, không thì sẽ rất khó để đạt được sự độc lập tài chính chỉ bằng cách tiết kiệm. Không phải điều đó bất khả thi, bạn hoàn toàn có thể làm được, nhưng nó có khả năng khiến bạn mất hơn 20 năm, 40 năm, thậm chí lâu hơn nữa.

 Có trong tay triệu đô sau 5 năm và nghỉ hưu ở tuổi 30, tôi nhận ra tằn tiện từng xu không phải cách tiết kiệm tiền bạc nhanh nhất  - Ảnh 1.

Trừ khi bạn đã kiếm được nhiều tiền, không thì sẽ rất khó để đạt được sự độc lập tài chính chỉ bằng cách tiết kiệm. Không phải điều đó bất khả thi, bạn hoàn toàn có thể làm được, nhưng nó có khả năng khiến bạn mất hơn 20 năm, 40 năm, thậm chí lâu hơn nữa.

Thu nhập càng cao, số tiền tiết kiệm được càng lớn

Tiết kiệm là vô cùng quan trọng, thu nhập càng cao bao nhiêu, bạn càng tích luỹ được nhiều tiền bấy nhiêu. Nếu bạn là một "tiết kiệm gia" (thuật ngữ tôi dùng để chỉ những người "bỏ ống" được hơn 25% thu nhập mỗi năm), bạn có thể thu ngắn số năm mình cần để được nghỉ hưu sớm.

Anita, một luật sư sống ở Chicago, đã đạt được sự độc lập tài chính trong vòng 5 năm ở độ tuổi 33 với số tiền 700.000 đô la trong tài khoản. Cô làm điều này bằng cách tiết kiệm tới 85% thu nhập của mình và sống với mức dưới 25.000 đô la mỗi năm. Một ví dụ khác, bằng cách tiết kiệm 70% thu nhập mà Steve và người vợ Courtney đã tiết kiệm được 890.000 đô la và cả hai đều nghỉ hưu sớm ở tuổi 35.

Tôi đã đạt được sự độc lập tài chính bằng cách tiết kiệm và sau đó đầu tư ít nhất 60% thu nhập từ công việc chính và phụ để nắm giữ 1,25 triệu đô la như ngày hôm nay.

Mặc dù việc tiết kiệm hơn một nửa số thu nhập nghe có vẻ "điên rồ", nhưng điều này hoàn toàn có thể dễ dàng thực hiện khi bạn đồng thời tìm cách tăng thu nhập và tiết kiệm cùng một lúc.

Cứ mỗi một phần trăm mà bạn tiết kiệm được từ số tiền kiếm được hàng tháng, tức là bạn đã rút ngắn thời gian để đạt được sự độc lập về tài chính. Hãy nhớ rằng dù nghỉ hưu vào thời điểm nào trước tuổi 62 (độ tuổi nghỉ hưu truyền thống) là bạn đã được tính là nghỉ hưu sớm rồi. Vì vậy, cắt giảm được một, hai, năm hay mười năm trước thời hạn mà vẫn tự tin rằng bản thân có đủ khả năng kinh tế để sống thoải mái hậu nghỉ hưu thật sự là một thành tựu đáng kinh ngạc.

Theo Hoàng Linh

Cùng chuyên mục
XEM