Có thể bạn chưa nhận ra Uber sáp nhập với Didi sẽ chấm dứt kỷ nguyên taxi giá rẻ

02/08/2016 20:12 PM | Công nghệ

Sáp nhập Uber với Didi, bên cạnh việc mang lại lợi ích cho cả hai công ty này, cũng có thể sẽ chấm dứt thời kỳ mà người dùng chỉ phải trả mức cước thấp khi di chuyển bằng cách chia sẻ chuyến đi.

Đừng bao giờ tham chiến trên đất liền ở châu Á.”

Đó là “một trong những sai lầm kinh điển” được chỉ ra bởi nhân vật Vizzini trong tác phẩm The Princess Bridge của Wallace Shawn, chỉ vài giây trước khi anh ta chết vì bị đầu độc. Và nếu “việc tham chiến trên đất liền ở châu Á” có nghĩa là “cạnh tranh với những người khổng lồ địa phương để giành thị phần ở Trung Quốc” thì đó là sai lầm mà những công ty như Facebook hay Google luôn tìm cách tránh né. Trong khi đó, Uber lại tham gia vào cuộc chiến đó, và giờ họ đã bị đánh bại hoàn toàn.

Vào Chủ Nhật vừa qua, việc Uber đã chấp nhận đầu hàng và quyết định sáp nhập với công ty chia sẻ chuyến đi lớn nhất Trung Quốc Didi Chuxing đã trở thành tin sốt dẻo nhất trong ngày. Việc Uber từ bỏ cạnh tranh với đối thủ lớn nhất của họ tại Trung Quốc chỉ cho ta thấy một điều mà mọi người đều đã biết: nếu bạn là một công ty Mỹ, và mô hình kinh doanh của bạn chỉ dựa trên việc xuất hiện độc quyền trong smartphone của người dùng, thì bạn sẽ chẳng làm được gì tại Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc không chỉ lớn hơn và quan trọng hơn rất nhiều bất kỳ thị trường nào khác trên thế giới, nó cũng có chất lượng tương tự như vậy.

Tuy nhiên, sự kết thúc cho câu chuyện của Uber tại Trung Quốc, không chỉ nói về Uber, hay Trung Quốc. Nó cũng đánh dấu sự kết thúc của mô hình kinh doanh lan tỏa nhanh nhất thế giới hiện nay: ý tưởng về việc nếu bạn sẵn sàng mất hàng tỷ USD, bạn có thể sử dụng số tiền đó để giành lấy một thị phần không thể công kích, và rồi cuối cùng khi bạn giành được nó, thị phần đó sẽ in cho bạn bất kỳ số tiền nào bạn muốn.

Không thể phủ nhận sức mạnh của mô hình kinh doanh đó. Nếu một công ty trị giá nhiều tỷ USD như Uber hay Amazon tuyên bố rằng họ sẵn sàng bỏ ra bất kỳ số tiền nào để giành được vị trí thống lĩnh trên thị trường, sẽ chỉ còn lại số ít công ty có đủ tiền để tiếp tục mơ về việc cạnh tranh với họ. Nhưng hóa ra lần này, Didi Chuxing lại là một trong số những công ty đó.

Uber và Didi đã trở thành kẻ thù của nhau cho đến tận ngày hôm qua. Didi thậm chí đã còn đầu tư vào Lyft, một đối thủ khác của Uber trên quốc tế. Nhưng giờ khi cả hai công ty Uber và Didi đã sáp nhập với nhau, theo một thỏa thuận trong đó Didi sẽ đầu tư 1 tỷ USD tiền mặt vào Uber, cuộc đua tại thị trường Trung Quốc có thể đã đi đến hồi kết. Cả hai công ty sẽ không ai còn phải bỏ ra hàng tỷ USD chỉ để hút kiệt máu của công ty còn lại nữa, giờ chỉ còn một công ty sẽ có vị thế độc quyền tại thị trường quan trọng nhất trên thế giới.

Vậy đó là điều tốt hay điều xấu? Thực ra nó phụ thuộc phần lớn vào việc bạn là ai.

Nếu bạn là một cổ đông của Uber hay Didi, hay bất kỳ ai ở một trong hai công ty này, đây thực sự là một tin tốt. Các cổ đông của Uber đã thúc đẩy thỏa thuận này trước đó một thời gian. Các báo cáo gần đây cho thấy Uber đã bắt đầu có lợi nhuận tại các thị trường đã phát triển trong một năm qua, và nếu họ không còn phải đổ tiền vào thị trường Trung Quốc, với thỏa thuận này, Uber sẽ chuyển từ một cỗ máy đốt tiền thành một con bò sữa vắt ra tiền.

Còn nếu bạn là người lo lắng về việc một công ty lớn như Uber vẫn là công ty tư nhân, thay vì được niêm yết công khai trên sàn chứng khoán, thì thương vụ này cũng là một tin tốt. Việc Uber thua trận ở Trung Quốc nghĩa là thứ cuối cùng có thể ngăn cản công ty này niêm yết công khai đã biến mất, và một đợt IPO của Uber trong một hai năm tới là điều dường như không thể tránh khỏi.

Hàng trăm nhà đầu tư đã đặt vào đây hàng tỷ USD trong bẩy năm qua, cuối cùng họ đã có thể thấy ánh sáng ở cuối đường hầm – tiền lời cho việc đầu tư của họ - thành quả mà họ đã kiên nhẫn chờ đợi.

Tuy nhiên, nếu bạn là một ngân hàng đầu tư đang thèm khát viễn cảnh được đưa Uber niêm yết lên sàn chứng khoán, bạn sẽ phải hoãn việc bật sâm panh ăn mừng thêm một thời gian nữa. Đúng là Uber gần như sẽ sớm niêm yết công khai. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ sẽ bán ra rất nhiều cổ phiếu.

Khi Facebook niêm yết cổ phiếu vào năm 2012, họ đã thu về hơn 16 tỷ USD, nhưng trước đó, tổng cộng họ mới huy động được số vốn là 2,4 tỷ USD. Ngược lại, Uber sau khi cộng thêm khoản đầu tư mới nhất, 1 tỷ USD từ Didi, giờ đã có giá trị đến 16,25 tỷ USD trên thị trường tư nhân. Cùng thời điểm này năm ngoái, họ còn khoảng 4,15 tỷ USD tiền mặt, kể từ đó đến nay, các báo cáo cho biết lượng tiền mặt của họ đã tăng thêm 9,15 tỷ USD nữa.

Cho dù họ đã mất bao nhiêu tiền tại thị trường Trung Quốc và toàn cầu đi nữa, và cho dù họ dự định đầu tư bao nhiêu tiền vào các dự án như xe tự lái hay tự vẽ bản đồ thế giới đi nữa, giờ Uber đã ở vị thế không phải huy động thêm một đồng nào nữa. Uber không cần niêm yết cổ phiếu để tăng thêm tiền mặt tại quỹ nữa – và nếu họ cần thêm tiền mặt, họ chỉ cần điều chỉnh một chút mức phí của mình để có thêm lợi nhuận.

Thay vào đó, Uber cần niêm yết cổ phiếu chỉ để cho các cổ đông của mình có thị trường để bán cổ phiếu ra nhằm thu về tiền mặt. Điều đó có nghĩa là họ không cần bán ra nhiều cổ phiếu trong đợt IPO của mình, và các ngân hàng của họ có thể sẽ chẳng có được vận may nào.

Còn nếu bạn là một nhà tư bản, người tin tưởng vào tác dụng tích cực của việc cạnh tranh, thương vụ này rõ ràng là xấu. Uber không còn phải cạnh tranh với Didi tại Trung Quốc, hơn nữa giờ họ sở hữu một phần nhỏ cổ phần tại Lyft, đối thủ chính của mình cho phần còn lại của thế giới. Tương tự như vậy, Apple gần đây đã đầu tư 1 tỷ USD vào Didi, giờ cũng sở hữu một phần nhỏ của Uber. Mọi công ty trong thế giới startup về vận tải này đều có một phần liên quan đến nhau.

Mặt khác, nếu bạn là một kiểu nhà tư bản, những người như Peter Thiel, người tin rằng sự sáng tạo bao hàm trong đó việc tạo ra sự độc quyền mới, thì thương vụ này hẳn sẽ làm bạn rất hạnh phúc. Công ty mới tạo nên từ Uber và Didi sẽ không phải đối mặt với bất kỳ cơ quan chống độc quyền nào bên ngoài Trung Quốc, trong khi đó Uber vẫn hầu như không phải đối mặt với bất kỳ sự cạnh tranh thực sự ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Nếu bạn là CEO của một unicorn – một startup tư nhân được đầu tư với mức định giá trên 1 tỷ USD – thương vụ này lại có thể là một tin rất xấu, đặc biệt nếu bạn đang làm mất tiền. Nó đánh dấu thời điểm mà ngay cả công ty như Uber, một công ty bậc thầy trong việc thu hút những nguồn vốn không giới hạn cho mô hình kinh doanh của mình, cuối cùng cũng phải quyết định rằng thế nào là đủ, và tuyên bố rằng họ không quan tâm đến việc tiếp tục rót tiền vào các khoản lỗ liên tục nữa.

Có được lợi nhuận là cách duy nhất để xây dựng một mô hình kinh doanh bền vững.” CEO của Uber, ông Travis Kalanick cho biết. Nó là một cách khác để nói với CEO của các unicorn khác rằng: tốt nhất là bạn đã thu hút đủ số tiền bạn cần, như chúng tôi vậy, vì giờ là lúc để bắt đầu làm ra lợi nhuận rồi. Nếu mô hình của bạn đang đốt tiền trong hôm nay chỉ để lấy lại vào ngày mai ư? Vậy thì ngày mai của bạn đã đến rồi đấy.

Vậy còn nếu bạn chỉ là một người bình thường sử dụng Uber? Trong ngắn hạn, bạn sẽ không thấy nhiều sự thay đổi, ngay cả ở Trung Quốc. Nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy Uber đang trở nên không còn minh bạch về giá cả nữa: bảng giá cước của công ty này đang trở nên ngày càng khó tìm hơn trên website của mình, và trong trường hợp của UberPOOL, dường như nó còn không hiện ra ở bất cứ đâu.

Nói cách khác, Uber đang cho phép bản thân mình tăng giá nhiều nhất có thể mà không làm ai để ý. Một khi Uber chính thức trở nên độc quyền công khai, với áp lực kinh khủng để tăng thu nhập mỗi quý, các cổ đông của họ sẽ muốn nó tăng cước cho người dùng, trong khi vẫn giữ nguyên chi phí cho các lái xe.

Cho đến nay Uber vẫn đang đốt tiền, nhưng về cơ bản nó đang trợ cấp cho nhu cầu vận chuyển của tất cả mọi người sử dụng nó. Nhưng điều đó sẽ không kéo dài mãi mãi. Trên thực tế, nó có thể kết thúc ngay trong ngày hôm nay.

Cùng chuyên mục
XEM