Có thật là mạng xã hội và smartphone đang tác động xấu tới thế hệ trẻ? Nhiều nhà nghiên cứu đang muốn chứng minh điều ngược lại

29/03/2018 15:14 PM | Công nghệ

Theo một số nghiên cứu thì mạng xã hội và sự phát triển của smartphone thậm chí còn mang lại lợi ích chứ không gây ảnh hưởng xấu tới giới trẻ như chúng ta thường lo ngại.

Một lần, tôi đang trên đường đi bộ về nhà và bị cộc đầu vào cột điện trước mặt.

Tôi không thể đổ lỗi rằng tại lúc đó trời tối quá (bởi mặt trời còn chưa lặn hết), cũng không thể đổ lỗi do thị lực của mình có vấn đề. Cuối cùng, tôi kết luận là tại chiếc iPhone của mình đã rung lên đúng lúc, khiến tôi mải nhìn vào màn hình điện thoại mà quên đi cây cột trước mặt mình.

Tai nạn nho nhỏ trên của tôi chỉ là một trong số những câu chuyện thường được đưa ra để nói về tác động xấu của điện thoại smartphone hay của các mạng xã hội với con người ngày nay. Thậm chí người ta còn dùng cụm từ "iPhone Neck" để chỉ chứng bệnh đau cổ do cúi mặt xuống dùng điện thoại lướt Facebook quá nhiều.

Đến đây, tôi lại phải đặt ra câu hỏi rằng những hậu quả trên là lỗi của chính chúng ta còn mạng xã hội và smartphone thì lại đang bị đổ tội một cách oan uổng hay chăng?

Có thật là mạng xã hội và smartphone đang tác động xấu tới thế hệ trẻ? Nhiều nhà nghiên cứu đang muốn chứng minh điều ngược lại - Ảnh 1.

Ban đầu, tác giả đã xem qua một số nghiên cứu khoa học và nói chuyện với các nhà nghiên cứu chuyên môn về tâm lý học, xã hội học... Một vài chuyên gia trong số đó đã nhấn mạnh đến chứng nghiện các phương tiện truyền thông. Số khác cho rằng cần phải có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa.

Nhưng kết luận của tác giả lại trái ngược so với những gì mà bạn từng được nghe truyền thông nói rất nhiều trước đây. Mạng xã hội và điện thoại thông minh không gây hại chút gì cho trí não của bạn, nó cũng chẳng góp phần làm suy yếu cả một thế hệ như chúng ta vẫn tưởng.

Phần lớn các nghiên cứu thống kê lớn và bài bản về điện thoại thông minh đã cho thấy rằng những công nghệ này không hoặc có rất ít ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của chúng ta. Và trong một số trường hợp, sự xuất hiện của phương tiện truyền thông và điện thoại còn mang lại hiệu quả tích cực đối với con người.

Không có quá nhiều nghiên cứu chứng minh được tác hại của mạng xã hội và smartphone

Andrew Przybylski, một nhà nghiên cứu tại đại học Oxford cho biết rằng đa phần những cảnh báo của giới truyền thông như là smartphone đang hủy hoại cả một thế hệ, làm thui chột cảm xúc của con người, gây nghiện… đều chỉ là một hình chiếu phản ánh lại nỗi sợ của chính chúng ta mà thôi.

Và các nghiên cứu này cứ lập đi lập lại mãi một điệp khúc về những tác hại của mạng xã hội, của smartphone. Một vài nghiên cứu còn có quy mô quá nhỏ và không có đủ tính thuyết phục về mặt số liệu thống kê. Chưa kể tới việc có một số nghiên cứu còn đặt ra giả thiết trước và chỉ cố gắng tìm kiếm sự liên quan.

Có thật là mạng xã hội và smartphone đang tác động xấu tới thế hệ trẻ? Nhiều nhà nghiên cứu đang muốn chứng minh điều ngược lại - Ảnh 2.

Đơn cử như một nghiên cứu cho rằng sự trầm cảm của độ tuổi teen đã gia tăng khi số lượng smartphone mà chúng sở hữu ngày càng nhiều. Họ đưa ra giả thiết và cố gắng chứng minh rằng có sự liên quan ở đây. Nghiên cứu này chỉ là một trong số những ví dụ cho thấy sự đánh đồng về các nghiên cứu chỉ ra "mối liên hệ" của Smartphone với vấn đề trầm cảm chứ không phải Smartphone là một "nguyên nhân" gây nên trầm cảm. Andrew Przybylski cho biết.

Để chứng minh điều này, Przybylski đã thực hiện lại các nghiên cứu tìm kiếm mối liên hệ giữa sử dụng smartphone và chứng trầm cảm ở một quy mô lớn hơn, nhiều đối tượng nghiên cứu hơn. Kết quả cho thấy rằng không hề có mối liên quan nào hay có thì sự liên hệ này cũng rất nhỏ mà thôi.

Ngoài ra, Przybylski còn tiến hành một điều tra về ảnh hưởng của thời gian dùng màn hình của hơn 120.000 thanh thiếu niên Anh quốc. Các nhà nghiên cứu đã hỏi về thời gian họ dành cho quay video phát trực tuyến, chơi game và sử dụng điện thoại thông minh, máy tính. Sau khi chạy dữ liệu thông qua một loạt các phân tích thống kê, Przybylski đã chứng tỏ rằng thời gian dùng điện thoại nhiều không gây hại gì cho phần lớn thanh thiếu niên. Mà trên thực tế, nếu thanh niên sử dụng điện thoại trong hai đến bốn giờ một ngày đôi khi còn rất hữu ích. N

hìn chung, các bằng chứng chỉ ra rằng sử dụng công nghệ số ở mức độ vừa phải về bản chất là không có hại mà có thể là một lợi thế trong một thế giới kết nối, đặc biệt chúng còn có ảnh hưởng tích cực đến thế hệ thanh niên.

Khi con người tự có thành kiến với mạng xã hội, các kết quả nghiên cứu liệu có đáng tin?

Rất nhiều các bậc phụ huynh sợ rằng sử dụng điện thoại, lên mạng xã hội quá nhiều sẽ gây tác động xấu cho con cái mình trong độ tuổi teen. Nào là lo chúng bị mất tập trung khi nhắn tin trong lớp học, bỏ lỡ các hoạt động dành cho gia đình vì mải nhắn tin suốt trong bữa ăn tối cùng cả nhà hay cứ mải miết lướt Instagram mà không chịu đi ngủ sớm…

Và mỗi khi bạn nhìn thấy một bài báo nào đó, một tấm hình nào đó ghi lại cảnh cả gia đình ngồi dán mắt vào điện thoại, không ai nói với ai một câu nào trong bữa ăn, bạn sẽ ngay lập tức lo lắng và sợ rằng viễn cảnh đó sẽ xảy ra với chính gia đình mình.

Đây được coi là một hiện tượng tâm lý mang tên "thành kiến sâu đậm". Đó là khi bạn nghĩ thứ gì đó là đúng, bạn sẽ cố gắng tìm mọi dẫn chứng, mọi sự ủng hộ cho ý kiến của mình để có thể xác nhận rằng nó là đúng (thực tế thì trong thâm tâm bạn đã coi nó là đúng rồi).

Có thật là mạng xã hội và smartphone đang tác động xấu tới thế hệ trẻ? Nhiều nhà nghiên cứu đang muốn chứng minh điều ngược lại - Ảnh 3.

Như khi bạn dự định mua cho mình một chiếc Honda Civic chẳng hạn, bạn sẽ cố nhìn ra đường phố, thấy một vài người đi Honda Civic, bạn sẽ thuyết phục mình rằng loại xe này đang phổ biến và quyết định của mình là đúng. Trong khi thực tế thì nếu bạn mở rộng "quy mô nghiên cứu" của mình ra, ngồi đếm xe trên đường cả đêm, kết quả sẽ hoàn toàn khác.

"Rất nhiều nghiên cứu chỉ cố gắng tìm ra những vấn đề." Przybylski cho biết "Chúng ta thường quan tâm và lo sợ về những thứ mới mẻ, ở đây là mạng xã hội và thành kiến này sẽ điều khiển, định hướng cho các nghiên cứu, kết quả của chính chúng ta."

Mạng xã hội và smartphone thậm chí còn mang lại nhiều lợi ích

Candice L. Odger, giáo sư thuộc trường Đại Học Irvine California, chuyên nghiên cứu về công nghệ và sự phát triển đối với thanh thiếu niên cho rằng mạng xã hội và smartphone mang lại khá nhiều lợi ích nhưng lại chẳng mấy khi được con người chú ý đến.

"Thế giới kĩ thuật số đã tạo ra một lối sống khác cho đám trẻ. Sự hấp dẫn của mạng xã hội đối với chúng cũng giống như sức hút từ những hoạt động khác trong cuộc sống mà thôi. Và tất nhiên, bên cạnh những ích lợi thì chúng cũng sẽ mang lại một vài tác hại nào đó." Odgers cho biết.

Theo một chuỗi 36 nghiên cứu trên Adolescent Research Review, có thể kết luận rằng thay vì phá hoại đi sự tương tác với môi trường xung quanh, mạng xã hội lại trở thành công cụ giúp thế hệ trẻ xây dựng mối quan hệ sâu rộng hơn với xã hội. Và người trẻ có nhiều cơ hội để tạo sự ảnh hưởng của bản thân mình tới những người xung quanh, dễ giao tiếp và tổ chức các sự kiện gặp gỡ hơn so với trước đây.

Cùng một kết quả tương tự đã được nêu trong báo cáo của UNICEF trong năm 2017, cho thấy rằng mạng xã hội đã giúp thế hệ trẻ duy trì được mối quan hệ của mình và giữ liên lạc với bạn bè tốt hơn.

Một nghiên cứu khác tại Anh còn cho rằng mạng xã hội đã trở thành công cụ giúp cho những đứa trẻ ngại giao tiếp dễ dàng kết bạn, giao lưu với xã hội từ đó trưởng thành nhanh chóng hơn.

Như vậy, có thể thấy rằng, mạng xã hội cùng sự phát triển của Smartphone chưa hẳn đã là một thứ gì đó đáng sợ, đe dọa tới sự phát triển của chúng ta. Mong rằng bài viết này sẽ giúp bạn có một cái nhìn khách quan hơn đối với mạng xã hội, thứ mà chúng ta đang khoác lên cho nó vô vàn tội lỗi không đáng có.

Khánh Ly

Từ khóa:  mạng xã hội
Cùng chuyên mục
XEM