Có sẵn 17.000 tỷ đồng tiền tươi, tại sao FPT chỉ chia cổ tức 1.600 tỷ cho cổ đông?

08/04/2021 16:12 PM | Kinh doanh

FPT hiện có gần 4.700 tỷ đồng tiền mặt và hơn 12.400 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Ban lãnh đạo FPT cho biết, công ty hiện có nhu cầu đầu tư rất lớn, để mua thêm đất đai, xây dựng văn phòng, trường học, nên cần giữ lại tiền.

Ngày 8/4, Tập đoàn FPT tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2021. Tại đại hội, FPT trình cổ đông phương án trả cổ tức 20% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Với 784 triệu cổ phiếu lưu hành trên thị trường, dự kiến FPT sẽ chi khoảng 1.568 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông.

Trên báo cáo tài chính, tại ngày 31/12/2020, FPT hiện có gần 4.700 tỷ đồng tiền mặt và hơn 12.400 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Một đại diện của quỹ đầu tư Wardhaven Capital đã đặt câu hỏi với ban lãnh đạo FPT: Tại sao chỉ chi gần 1.600 tỷ đồng trả cổ tức, trong khi có tới 17.000 tỷ đồng tiền và các khoản gửi ngân hàng.

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thế Phương, Phó Tổng giám đốc FPT cho biết, nhiều năm qua FPT vẫn duy trì trả cổ tức ổn định ở mức 40-50% lợi nhuận, và giữ lại 50-60% để tái đầu tư. Theo ông Phương, FPT có nhiều tiền, nhưng đối ứng cũng là 12.000 tỷ đồng nợ ngắn hạn. Trong hệ thống FPT có nhiều công ty con, trong đó có công ty sinh lời tốt, nên gửi nhiều tiền vào ngân hàng, đồng thời cũng có những công ty đang đi vay ngân hàng. Vì vậy khi hợp nhất trên báo cáo tài chính, bức tranh của FPT là tiền nhiều và nợ cũng nhiều.

Ông Phương khẳng định, hiện nay nhu cầu đầu tư của FPT là rất lớn khi cần phải mua thêm đất đai để xây dựng thêm nhiều văn phòng và trường học. Do đó, công ty không thể đem tiền dư thừa chia hết cho cổ đông.

Cổ đông Wardhaven Capital cũng đề xuất FPT thay đổi công ty kiểm toán, để đảm bảo tính khách quan sau 10 năm liên tiếp lựa chọn kiểm toán Deloitte. Lãnh đạo FPT cho biết sẽ ghi nhận ý kiến này.

Liên quan đến việc sửa nghẽn lệnh cho sàn HOSE, Phó Chủ tịch Bùi Quang Ngọc cho biết, FPT tự tin sẽ làm được bởi FPT đã có kinh nghiệm làm phần mềm giao dịch trên sàn Hà Nội. "Cơ bản của sàn là nhận, khớp, trả kết quả. Sàn Hà Nội đã làm rất tốt và chúng tôi tham gia giải quyết sàn HOSE không có gì xa lạ", ông Ngọc nói.

Ông Ngọc cũng chia sẻ, FPT làm tương đối nhiều những phần mềm core cho ngành chứng khoán. Ngoài HNX, FPT làm quản lý trung tâm lưu ký (một mảng cực kỳ quan trọng), quản lý trái phiếu doanh nghiệp, quản lý giao dịch phái sinh. 4 ứng dụng lõi này FPT đã làm nên tin tưởng hiểu biết hệ thống chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh đó, FPT cũng sở hữu đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm, có khả năng giải quyết vấn đề.

Ông Ngọc cũng nói thêm, với tài chính công, hệ thống lõi ngành thuế, kho bạc, hải quan và cục dự trữ quốc gia, hệ thống lõi đều do FPT thực hiện phần mềm. Ngoài ra, còn có những kết nối giữa hải quan với kho bạc, kết nối thu ngân sách của các ngân hàng thương mại với ngân sách Nhà nước, các hệ thống này đều do FPT triển khai.

Có sẵn 17.000 tỷ đồng tiền tươi, tại sao FPT chỉ chia cổ tức 1.600 tỷ cho cổ đông? - Ảnh 1.
Có sẵn 17.000 tỷ đồng tiền tươi, tại sao FPT chỉ chia cổ tức 1.600 tỷ cho cổ đông? - Ảnh 2.

Về kết quả bỏ phiếu, đại hội cổ đông FPT đã thông qua kế hoạch doanh thu thuần 34.720 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 6.210 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu, mảng công nghệ dự kiến đạt 19.620 tỷ đồng doanh thu và 2.720 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 17% và 22% so với năm trước.

Tại thị trường nước ngoài, FPT đặt mục tiêu tăng trưởng 50%, trong đó dịch vụ Cloud tăng 50%, RPA tăng 150%, Lowcode tăng 150% so với năm 2020. Tại mảng Dịch vụ Quản lý Ứng dụng, FPT muốn có 20 hợp đồng lớn.

Tại thị trường trong nước, FPT đặt mục tiêu tăng thêm 40 khách hàng mới thuộc top 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, dự kiến doanh thu các sản phẩm Made by FPT tăng trưởng 50% và có thêm ít nhất 10 sản phẩm, giải pháp mới mỗi năm. 

Ngoài ra, FPT muốn duy trì vị thế trong khối Ngân hàng và Chính phủ, duy trì tăng trưởng giá trị hợp đồng ký trên 20%, đồng thời mở rộng các kênh bán hàng mới tới các tỉnh thành trên toàn quốc.

Mảng viễn thông dự kiến đạt doanh thu và lợi nhuận là 12.700 tỷ đồng và 2.380 tỷ đồng, tăng trưởng 11% và 15%. FPT dự báo đà tăng trưởng thuê bao Internet cố định và di động sẽ tiếp tục duy trì ổn định các năm tiếp theo, đặc biệt với nhu cầu làm việc, học tập từ xa do ảnh hưởng của Covid-19. Năm 2020, xu thế nhà thông minh bắt đầu bùng nổ với hơn 2 triệu hộ gia đình có thiết bị kết nối thông minh. Tổng giá trị thị trường tăng 54,4% và tăng đồng đều trong tất cả các danh mục thiết bị. Thị trường SmartHome dự báo sẽ rất sôi động với tỷ lệ hộ gia đình sử dụng dịch vụ mới đạt 9,2%.

Mảng giáo dục, đầu tư và khác dự kiến tăng trưởng 54% doanh thu và 17% lợi nhuận, lên 2.400 tỷ đồng và 1.110 tỷ đồng. FPT sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh, mở rộng các ngành nghề, chương trình mới.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM