Cổ phiếu Thế giới di động giảm 50% sau hơn 2 tháng, vốn hóa “bốc hơi” 2,2 tỷ USD, điều gì đang xảy ra?

25/11/2022 09:16 AM | Kinh doanh

Ban lãnh đạo MWG tỏ ra thận trọng với triển vọng quý 4/2022 và năm 2023 khi sức mua của người tiêu dùng được dự báo tiếp tục chịu tác động tiêu cực đến cuối nửa đầu năm 2023.

Thị trường chứng khoán vừa có một phiên ngược dòng tăng điểm qua đó chấm dứt chuỗi 3 phiên điều chỉnh. Nhiều cổ phiếu đã đảo chiều hồi phục tích cực tuy nhiên vẫn không ít cái tên bị bỏ lại phía sau. Những gương mặt “đình đám” nhóm bất động sản như NVL, PDR, HPX tiếp tục rơi tự do nhưng bất ngờ nhất phải kể đến cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động.

Kết phiên 24/11, MWG giảm sàn “trắng bên mua” và rơi xuống mức 37.700 đồng/cổ phiếu, thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Trước đó, cổ phiếu này từng có giai đoạn tương đối “khỏe” khi neo giá vùng đỉnh bất chấp thị trường chung không thuận lợi. Tuy nhiên, cú trượt dốc từ giữa tháng 9 đã nhanh chóng thổi bay thành quả tăng giá trong gần 2 năm qua.

Chỉ trong hơn 2 tháng, thị giá MWG đã “bốc hơi” gần 50% tương ứng vốn hóa thị trường bị thổi bay gần 53.000 tỷ đồng (~2,2 tỷ USD). Hiện tại, giá trị vốn hóa của MWG còn khoảng 55.000 tỷ đồng, chỉ bằng chưa đến một nửa so với con số kỷ lục hơn 116.000 tỷ đồng đạt được vào hồi giữa tháng 4 năm nay.

Cổ phiếu Thế giới di động giảm 50% sau hơn 2 tháng, vốn hóa “bốc hơi” 2,2 tỷ USD, điều gì đang xảy ra? - Ảnh 1.

Cổ phiếu MWG lao dốc trong bối cảnh tình hình kinh doanh gặp khó với bài toán tăng trưởng. Tại buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây, ban lãnh đạo công ty tỏ ra thận trọng với triển vọng quý 4/2022 và năm 2023 khi sức mua của người tiêu dùng được dự báo tiếp tục chịu tác động tiêu cực cho đến cuối nửa đầu năm 2023.

Không kịp về đích lợi nhuận

Trong tháng 10, doanh số của MWG ước đạt 11.000 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu của Thế Giới Di Động/Điện Máy Xanh (TGDĐ/ĐMX) giảm 18% xuống 8.300 tỷ đồng. Theo VCSC, TGDĐ và ĐMX hoạt động mạnh mẽ ngay sau đợt nới lỏng về các biện pháp giãn cách xã hội vào tháng 10/2021. Dù vậy, kết quả kinh doanh từ đầu quý của 2 chuỗi yếu hơn bình thường so với quý 4/2018 và quý 4/2019 dù Tết Nguyên đán đã cận kề vào đầu năm 2023.

Đóng góp doanh thu từ iPhone cũng được cho là sẽ yếu hơn so với trước đây dự kiến do sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu do các hạn chế kiểm soát Covid được áp dụng tại China Foxconn, công ty sản xuất ~70% lô hàng iPhone trên toàn cầu. Điều này khiến MWG bi quan về doanh số bán hàng của ICT trong thời gian còn lại của năm 2022 và nửa đầu năm 2023. Kế hoạch mở rộng cũng sẽ tạm dừng cho đến cuối nửa đầu năm 2023.

MWG dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch doanh thu 140.000 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 14% so với cùng kỳ tuy nhiên lợi nhuận ròng có thể sẽ giảm xuống còn xấp xỉ 4.400 tỷ đồng giảm 10% và không đạt được mục tiêu đề ra. Công ty sẽ ưu tiên tối đa hóa dòng tiền hơn là duy trì khả năng sinh lời . Điều này đồng nghĩa với việc MWG có thể sẽ áp dụng giảm giá và khuyến mãi để giải phóng hàng tồn kho, nếu cần thiết.

Kéo dài lộ trình hòa vốn Bách Hóa Xanh, An Khang

Trong tháng 10, doanh thu của Bách Hóa Xanh (BHX) đạt 2.400 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ tương ứng doanh thu trung bình/cửa hàng đạt 1,37 tỷ đồng, không thay đổi so với 1,3-1,36 tỷ đồng trong giai đoạn tháng 7-9 và tỷ suất lợi nhuận gộp duy trì tốt ở mức 25%. Trong tháng 10, BHX đạt mức hòa vốn EBITDA cấp công ty.

Tuy nhiên, sau một mùa mưa lớn vào quý 3/2022, ban lãnh đạo MWG bắt đầu thấy tăng trưởng doanh số giảm tốc tại các cửa hàng BHX ở các tỉnh ngoài TP.HCM, chiếm ~70% trong tổng số cửa hàng của BHX. Mục tiêu đạt doanh thu trung bình/cửa hàng 1,5-1,6 tỷ đồng để hòa vốn vào cuối năm 2022 hoặc thậm chí trong nửa đầu năm 2023 trở nên khó khăn.

MWG cho rằng mức tiêu thụ yếu bắt nguồn từ (1) áp lực lạm phát bắt đầu từ đầu năm 2022 cùng với (2) tình hình kinh doanh sa sút gần đây giữa các nhà xuất khẩu dẫn đến người lao động bị giảm giờ làm việc hoặc thậm chí thất nghiệp, tác động đến đà bán hàng/cửa hàng của BHX ở các khu vực ngoại thành.

Bên cạnh đó, MWG sẽ triển khai giảm giá tại BHX để kích thích mua hàng. Ban lãnh đạo kỳ vọng doanh thu trung bình/cửa hàng 1,5-1,6 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp 25% sẽ dẫn đến việc BHX hòa vốn ở cấp độ công ty. Ngoài ra, kế hoạch mở rộng cửa hàng của BHX sẽ bị tạm dừng vào năm 2023 để tối ưu hóa hiệu suất của các cửa hàng hiện có. Theo VCSC, b an lãnh đạo MWG đã trì hoãn mốc thời gian BHX hòa vốn đến quý 4/2023 trong kịch bản cơ sở .

Tương tự, lộ trình hòa vốn lợi nhuận của chuỗi nhà thuốc An Khang cũng bị chậm lại. Trong 9 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng doanh thu/cửa hàng tại các cửa hàng hoạt động ít nhất 6 tháng là 400-500 triệu đồng và 300- 350 triệu tại các cửa hàng hoạt động dưới 6 tháng. Biên lợi nhuận gộp của An Khang đạt 22%.

Theo chiến lược của MWG, tiến độ triển khai cửa hàng An Khang sẽ tạm dừng để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của các cửa hàng hiện có. Ban lãnh đạo công ty kỳ vọng doanh thu trung bình hàng tháng/cửa hàng đạt 500 triệu đồng và tỷ suất lợi nhuận gộp trên 20% sẽ có thể mang lại lợi nhuận đủ cho An Khang đạt điểm hòa vốn.

Ít rủi ro vỡ nợ từ danh mục đầu tư trái phiếu

Về các khoản đầu tư tài chính đang được quan tâm thời gian gần đây, ban lãnh đạo MWG tự tin với tình hình tài chính bao gồm số dư tiền mặt, trái phiếu nắm giữ và khả năng đáp ứng các nghĩa vụ nợ. Công ty gần đây đã trả hết khoản thế chấp 5 năm không có bảo đảm trái phiếu trị giá 1.100 tỷ đồng đáo hạn vào ngày 17/11 và 120 triệu USD ở nước ngoài khoản vay do HSBC thu xếp, đáo hạn vào ngày 21/11 vừa qua.

Tính đến thời điểm hiện tại, các khoản vay nước ngoài của MWG bao gồm (1) khoản vay 3 năm trị giá 250 triệu USD đáo hạn vào năm 2025 và (2) khoản vay ngắn hạn 44 triệu USD đến hạn vào tháng 3-4/2023. 100% trái phiếu MWG đầu tư là trái phiếu ngắn hạn với tài sản thế chấp và cam kết mua lại từ bên bảo lãnh theo hợp đồng ràng buộc. Do đó, MWG nhận thấy ít rủi ro vỡ nợ từ danh mục đầu tư trái phiếu.

Theo Hà Linh

Cùng chuyên mục
XEM