Cổ phiếu đỏ sàn, lạm phát khiến mọi thứ đều mất giá và "quả bom hẹn giờ" mang tên hưu trí

22/12/2022 14:02 PM | Kinh doanh

Gần như mọi loại tài sản mà nhiều người mong chờ sẽ có thể “dựa dẫm” khi về hưu đều đang rung lắc mạnh.

Cổ phiếu đỏ sàn, lạm phát khiến mọi thứ đều mất giá và "quả bom hẹn giờ" mang tên hưu trí - Ảnh 1.

Liệu bạn đã tích lũy đủ tiền bạc để có thể thanh thản nghỉ hưu? So với 1 năm trước, có lẽ số người trả lời “không” đã tăng lên, đặc biệt là trong nhóm những người đã đủ già để nghĩ đến câu hỏi này thường xuyên hơn.

Lạm phát đang ăn mòn giá trị thực của các khoản tiết kiệm. Lãi suất tăng khiến cả trái phiếu và cổ phiếu đều giảm giá mạnh. Kết quả là gần như mọi loại tài sản mà nhiều người mong chờ sẽ có thể “dựa dẫm” khi về hưu đều đang rung lắc mạnh.

Lâu nay các học giả vẫn cảnh báo hưu trí giống như một “quả bom hẹn giờ” sẽ gây rắc rối lớn vì dân số thế giới già hóa khiến số lượng người phụ thuộc ngày càng tăng lên. Tuy nhiên có vẻ như những dự báo đó đang trở thành sự thật sớm hơn dự kiến.

Nỗi buồn tuổi xế chiều

Những người sắp nghỉ hưu thường được khuyên hãy chuyển tài sản từ cổ phiếu sang trái phiếu để bảo vệ số tiền đã dành dụm cả đời trước những biến động thất thường của thị trường chứng khoán. Chiến lược sẽ là dốc gần như toàn bộ tiền vào cổ phiếu khi còn trẻ để tận dụng mức lợi suất cao (các cổ phiếu niêm yết có xu hướng tăng trưởng tốt trong dài hạn), còn khi sắp về hưu hãy chuyển đổi hết sang trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, 2022 lại là 1 năm ảm đạm bất thường đối với trái phiếu. Kể từ tháng 1 đến nay loại tài sản này đã mất khoảng 17% giá trị.

1 năm trước, 1 người 65 tuổi đã tiết kiệm được khoảng 2,5 triệu USD để nghỉ hưu. Giả sử 80% số tiền được đầu tư vào trái phiếu chính phủ, 20% còn lại vào cổ phiếu. Danh mục như vậy đem lại thu nhập khoảng 100.000 USD/năm trong 30 năm tới nếu như lạm phát ổn định.

Tuy nhiên, vì những diễn biến tồi tệ trên thị trường tài chính trong thời gian vừa qua, khối tài sản giảm xuống chỉ còn khoảng 2,1 triệu USD và thu nhập hàng năm cũng giảm xuống chỉ còn 83.000 USD.

Chưa kể đến lạm phát ăn mòn khoảng 10%, khiến số tiền thực nhận chỉ còn là 75.000 USD. Nếu người đó sống đến 90 tuổi và tỷ lệ lạm phát hàng năm giữ ở mức 3%, số tiền còn giảm mạnh hơn.

Trên thế giới có hàng triệu người phải đối mặt với thực tại phũ phàng này. Nhiều người thuộc thế hệ baby-boomer đã nghỉ hưu trong năm 2021. Fed St Louis ước tính tháng 10/2021 Mỹ có nhiều hơn 3,3 triệu người nghỉ hưu so với 20 tháng trước.

Số liệu của Viện Pew cũng cho thấy hơn một nửa người Mỹ trên 55 tuổi đã rời khỏi lực lượng lao động, so với tỷ lệ 48% trong quý III/2019. Tỷ trọng người lao động vẫn làm việc khi bước qua tuổi 55 hiện đã quay trở lại mức 2007 – 09 sau khi liên tục tăng lên trong suốt hơn 1 thập kỷ. Xu hướng tương tự cũng diễn ra ở hầu khắp các nước phát triển thuộc khối OECD.

Phần lớn những người sắp nghỉ hưu đã làm việc trong thời kỳ huy hoàng của Chương trình hưu trí có mức hưởng xác định trước (Defined benefit - DB). Theo đó các công ty hoặc chủ sử dụng lao động trong lĩnh vực công (như trường học và cơ quan chính phủ các cấp) đồng ý trả cho người lao động 1 khoản lương hưu sau khi họ đã ngừng làm việc. Hiện tổng tài sản hưu trí ở Mỹ là 40 nghìn tỷ USD thì DB chiếm 17.000 tỷ USD.

Thông thường mức chi trả theo DB bằng 2% mức lương của người lao động trước khi nghỉ hưu nhân với số năm công tác. Ví dụ, 1 giáo viên dạy học 40 năm và nghỉ hưu khi lương là 80.000 USD sẽ nhận được 64.000 USD mỗi năm trong suốt phần đời còn lại. Trong DB, các công ty chứ không phải người lao động là bên chịu rủi ro đầu tư.

Các quỹ hưu trí thua lỗ

Mấy thập kỷ gần đây, với dân số già hóa và tuổi thọ tăng trong khi lãi suất thấp, các doanh nghiệp nhận thấy ngày càng khó thực hiện lời hứa hơn. Từ những năm 1980, các doanh nghiệp tư nhân bắt đầu thay đổi. Tỷ lệ người lao động tham gia DB ở Mỹ đã giảm từ mức gần 40% ở thời kỳ đỉnh cao xuống còn 20% trong năm 2008. Khủng hoảng tài chính càng khiến tình hình thay đổi. Nhiều nơi chuyển DB thành DC, tức người lao động trích một phần tiền lương để đóng và công ty không cam kết sẽ trả bao nhiêu tiền sau khi họ nghỉ hưu.

Tuy nhiên sự thay đổi này chỉ ở trong lĩnh vực tư nhân. Hiện tại Mỹ vẫn có khoảng 13.000 tỷ USD trong các chương trình DB được quản lý bởi chính quyền các bang và chính phủ liên bang.

Cách tốt nhất để điều hành 1 quỹ hưu trí hiệu quả là phải đảm bảo có lượng tài sản tương xứng với nghĩa vụ nợ, bằng cách mua các trái phiếu dài hạn sẽ đáo hạn vào ngày cần chi trả cho người nghỉ hưu.

Tuy nhiên chiến thuật này chỉ hiệu quả khi ngay từ thời điểm ban đầu quỹ hưu trí đã có trong tay lượng tiền mặt bằng với lượng nợ phải trả dự tính. Nếu như mất cân đối (vì lượng đóng góp không đủ hoặc vì trước đó đã đầu tư thua lỗ), sau đó quỹ lại tiếp tục đầu tư vào những tài sản quá rủi ro với hi vọng bù đắp số tiền thiếu hụt thì nguy cơ thua lỗ, phá sản vỡ quỹ là rất lớn.

Lãi suất tăng ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị tài sản nhưng vẫn có thể giúp ích cho các quỹ hưu trí bằng cách làm giảm giá trị hiện tại của dòng tiền phải trả trong tương lai. Do đó 2022 không hoàn toàn tồi tệ đối với tất cả các quỹ hưu trí. Năm 2021, lần đầu tiên kể từ 2007, các quỹ ở trong trạng thái dồi dào ở thời điểm cuối năm. Họ đã giảm dần rủi ro bằng cách chuyển trọng tâm danh mục từ cổ phiếu sang trái phiếu. Làn sóng dịch chuyển này lớn đến nỗi đã trở thành một trong những nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ tăng mạnh đầu năm nay.

Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn như vậy. Nhiều quỹ hưu trí của Anh đầu tư vào các hợp đồng phái sinh – thứ mang lại lợi suất cao khi lãi suất thấp. Khi lãi suất tăng vọt như thời gian gần đây, nhiều quỹ bị margin call quá lớn đến nỗi cạn kiệt tiền mặt và đứng trước nguy cơ phá sản. Tình hình chỉ ổn định trở lại sau khi NHTW Anh can thiệp.

Tham khảo The Economist

Theo Thu Hương

Cùng chuyên mục
XEM