Có nhiều kiểu người nhạt nhẽo nhưng liệu bạn có phải tuýp vô vị, độc hại, khiến người khác khó chịu?

10/12/2019 09:14 AM | Sống

Có những người chỉ cần bước vào phòng là có thể thu hút sự chú ý của tất cả mọi người. Không khó để gặp những linh hồn của các buổi tụ họp bạn bè như vậy, nhưng cũng có không ít những kẻ nhàm chán nhất trên cuộc đời. Thậm chí đem lại cảm giác tiêu cực cho người khác khi tiếp xúc.

Tại sao một số người lại thú vị hơn những người khác? Và cái gì khiến người ta nhạt nhẽo? Thậm chí là khiến người khác phát chán vì độ nhạt nhẽo của họ.

Có một sự thật hiển nhiên là hiếm khi nào những người đầy hoài bão – mơ ước lớn lao – lại nhạt nhẽo. Những người luôn nhiệt tình với những trải nghiệm cuộc sống mang lại và họ sẵn sàng thử thách bản thân luôn là những người thú vị nhất. Nhờ thế, đám đông luôn cảm thấy bị hấp dẫn và muốn trò chuyện với họ. Nếu một ngày bạn thấy bản thân nhàm chán, có thể là vì bạn đang rơi vào trạng thái trôi nổi giữa cuộc đời, không tiến bộ dẫn tới tạo cảm giác uể oải mệt mỏi cho người đối diện.

Những câu chuyện bề nổi như thời tiết hay công việc không bao giờ có thể khiến người khác bật thốt: “Ơ! Bạn này sao thú vị thế!”. Những người lặp đi lặp lại lại sinh hoạt hàng ngày – đến mãi một vài chỗ, chơi mãi với một vài người, ăn mãi một vài món – sẽ không thể thú vị bằng những người chịu thay đổi. 

Có nhiều kiểu người nhạt nhẽo nhưng liệu bạn có phải tuýp vô vị, độc hại, khiến người khác khó chịu? - Ảnh 1.

Lâu dần, những thói quen nhàm chán sẽ biến bạn thành một kẻ tiêu cực với những biểu hiện sau:

- Ích kỷ: Sự nhạt nhẽo sẽ dẫn tới thái độ tiêu cực và than vãn, luôn nói về vấn đề của bản thân và thể hiện sự thờ ơ với người khác. Những kẻ ích kỉ nhạt nhẽo thường chỉ muốn nói về những thứ vụn vặt hoặc nông cạn, chỉ quan tâm tới một chủ đề, lặp lại mãi một kiểu chuyện hoặc kiểu đùa.

- Vô cảm: Gần như không cho thấy sự hào hứng, nói một giọng đều đều, ít nhìn vào mắt người khác, rất ít có hành vi diễn đạt cảm xúc. Ngôn ngữ của kẻ nhạt nhẽo thường dùng những từ ngữ “sáo rỗng” và nói những thứ vô nghĩa, ừ hử để tỏ thái độ đồng ý, nhưng không thêm được gì nữa.

- Thiếu tập trung: Lẽ dĩ nhiên, vì thiếu trải nghiệm, những kẻ nhạt nhẽo luôn dài dòng, mất rất nhiều thời gian để phản hồi, thể hiện quan điểm và thường kéo lê cuộc trò chuyện, dễ bị lạc đề.

- Thụ động: Có rất ít cái để nói, không có ý kiến riêng, quá dễ đoán hoặc quá dễ thuận theo số đông.

- Thảo mai: Những kẻ nhạt nhẽo không có chính kiến và kém thú vị, lo lắng quá nhiều về ý kiến của người khác, nên điều duy nhất họ có thể làm là cố tỏ ra hài hước hoặc tử tế để gây ấn tượng với người khác.

- Thiếu tinh tế: Những người nhạt nhẽo thường không mấy nhạy bén nắm bắt các biểu hiện hoặc cử chỉ tinh tế, ngầm của người khác trong giao tiếp xã hội.

Có nhiều kiểu người nhạt nhẽo nhưng liệu bạn có phải tuýp vô vị, độc hại, khiến người khác khó chịu? - Ảnh 2.

Nhạt nhẽo hay thú vị, cũng như lương thiện, luôn là một sự lựa chọn. Nếu bạn không thử những cái mới, gặp người mới, đi nơi mới, nói về những chủ đề sâu sắc hơn bằng cách đi đến tận cùng vấn đề, hay nỗ lực đạt nhiều thành tựu hơn, hãy tự hỏi bản thân tại sao. 

Rồi kể từ ngày mai, mạo hiểm bước khỏi nhịp sống quen thuộc, đi đến một nơi nào đó khác, thử một điều gì khác và trở nên bớt nhàm chán hơn. 

Chúc bạn sống một đời thật mặn mà và màu mè!

Bùi Thảo

Cùng chuyên mục
XEM