Có nên mạo hiểm đón khách quốc tế?
Người Việt du lịch mạnh mẽ trở lại sau chiến dịch kích cầu nội địa, từng bước đưa du lịch nội địa phục hồi. Các nhà quản lý và doanh nghiệp đang cân nhắc câu chuyện có nên mở cửa đón khách quốc tế trong bối cảnh đại dịch diễn biến khó lường.
KHÔNG KHOANH TAY
Khoảng 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019, tuy nhiên doanh thu từ du khách Việt chưa bằng 19 triệu lượt khách quốc tế - chiếm 55% doanh thu du lịch của Việt Nam. Ngay các khu vui chơi giải trí lớn của Sun Group, nguồn thu chính cũng đến từ khách nước ngoài chi trả cao. Tương tự, loạt khu nghỉ dưỡng, một số sản phẩm du lịch cao cấp đều hướng tới khách nước ngoài. Quyết định mở lại thị trường nội địa là cần thiết và là bước đi quan trọng từng bước phục hồi du lịch, tuy nhiên nó chưa đủ để giảm bớt tổn thất mà ngành phải gánh chịu.
“Các doanh nghiệp xây dựng các kịch bản khác nhau sẵn sàng đón khách. Chúng tôi chủ động lên phương án đón khách quốc tế từ quý 3 hoặc quý 4 tới. Dịch bệnh thế giới diễn biến phức tạp, nhưng không vì thế chúng ta chịu ngồi yên. Chúng tôi khảo sát, trao đổi với các đối tác nước ngoài để khi Việt Nam mở cửa đường bay quốc tế trở lại, doanh nghiệp không bị động”, ông Nguyễn Công Hoan, TGĐ Cty Flamingo Redtours nói.
Các doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp du lịch bước đầu vui trở lại. Sau giãn cách, lượng khách tăng đáng kể, góp phần từng bước phục hồi thị trường nội địa. Tuy nhiên với các doanh nghiệp lữ hành lớn có ba nhánh khách nội địa, khách quốc tế và đưa người Việt ra nước ngoài, mức thiệt hại hiện ước khoảng 40%. Nếu mở cửa muộn hơn, tổn thất có thể lên tới 60%.
“Chúng tôi cũng đề xuất với Chính phủ mở cửa một số thị trường an toàn vào tháng 7 này theo nguyên tắc “Tôi an toàn - bạn an toàn - chúng ta cùng an toàn”. Hiện chúng ta rất lo dịch trở lại, vì thế cần chọn lọc nhưng cũng không thể đóng cửa quá chặt, để mất cơ hội vào tay các nước khác. Việt Nam thành công trong khống chế dịch nhưng cần tính đến các bước đi nhanh để phục hồi kinh tế trong đó có ngành du lịch”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, TGĐ Cty du lịch Vietravel nêu.
HY VỌNG, THẬN TRỌNG
Mở cửa đón khách quốc tế là điều ngành du lịch trông đợi hơn bao giờ hết. Từ khi nhận nhiệm vụ Thủ tướng giao phó, Tổng cục Du lịch lên phương án xúc tiến, quảng bá du lịch, có kế hoạch đàm phán song phương với một số thị trường quốc tế tương đối an toàn để chọn lựa một số thị trường tiềm năng, đồng thời ưu tiên yếu tố an toàn lên hàng đầu.
“Hai vấn đề cần tính đến lúc này: Liệu khách nước ngoài sẵn sàng chưa và ngược lại, người Việt liệu sẵn sàng đón khách quốc tế? Có người đề xuất phương án đưa khách quốc tế vào một số resort và đóng cửa lại, điều này phù hợp với khách thích nghỉ dưỡng, không khả thi với khách ưa khám phá và tham quan”, ông Nguyễn Công Hoan nói.
Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) có thư đề xuất Thủ tướng chuẩn bị phương án đón khách quốc tế. “Chúng tôi đề xuất cần soạn được hai bộ tài liệu về tiêu chí các thị trường quốc tế có thể tới Việt Nam, trong đó an toàn đặt lên hàng đầu. Sau khi tìm ra thị trường an toàn cần có bộ tài liệu về các quy trình thủ tục đón khách an toàn. Trong quy trình đón, không nên yêu cầu quá căng khiến du khách không thoải mái nhưng cũng không thể buông lỏng các tiêu chí an toàn”, ông Hoàng Nhân Chính, Thư ký TAB phân tích.
Chuyên gia của TAB cho biết, vừa rồi tham khảo và nhờ các chuyên gia quốc tế tìm hiểu từ WHO, Tổ chức Du lịch thế giới và một số địa chỉ uy tín khác, tuy thế tới nay chưa có bất cứ tổ chức nào đưa ra bộ tiêu chí an toàn. COVID-19 còn quá mới mẻ, vì thế ông Hoàng Nhân Chính gợi ý bộ tiêu chí nên đưa ra nhiều tiêu chí khác nhau. Chẳng hạn không có lây nhiễm trong cộng đồng, tỉ lệ người nhiễm tính theo 1 triệu dân phải rất nhỏ (Việt Nam là ví dụ điển hình).
“Chúng tôi đề xuất Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp các bộ như VHTTDL, Giao thông Vận tải, Y tế, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cùng với doanh nghiệp chung tay tìm ra các tiêu chí về thị trường an toàn. Tiêu chí này phải có các bằng chứng khoa học, không để lọt lưới người nhiễm bệnh nhưng không thể quá khắt khe đến nỗi không tìm ra nổi thị trường nào”, ông Chính nói.
Vừa rồi, một số chuyên gia đề xuất giải pháp thiết lập bong bóng du lịch (travel bubble). Tuy nhiên theo đại diện TAB, ngành du lịch nên hiểu đúng thuật ngữ này, không phải theo nghĩa bong bóng mong manh dễ vỡ mà là thiết lập vùng an toàn - thiết lập du lịch bắc cầu giữa hai quốc gia đạt được độ tin cậy, đồng thời là hai khu vực an toàn.
Thậm chí để an toàn hơn nữa, một số chuyên gia đề nghị không lựa chọn quốc gia an toàn, chỉ xác định một vài khu vực được chỉ định. Các khu nghỉ dưỡng biển, hoặc các hòn đảo biệt lập tại Phú Quốc, Nha Trang chẳng hạn cũng có thể trở thành khu vực an toàn.
“Để đi được những bước khởi đầu này, không thể nhanh và vội vàng. Theo dõi diễn biến dịch thế giới gần đây, tôi nghĩ quý 3 này chúng ta chưa thể đón khách quốc tế mà phải tháng 10 trở đi. Trường hợp xấu nhất là hết năm nay. Chưa thể mở cửa nhưng không vì thế mà dừng lại, chúng ta cần tính tới mở cửa vừa đủ thận trọng vừa đảm bảo an toàn”, ông Hoàng Nhân Chính nói.
TRANH THỦ CHỤC TRIỆU KHÁCH VIP NỘI ĐỊA
Ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, mỗi năm Việt Nam có hơn chục triệu người Việt du lịch nước ngoài, trong đó nhiều khách chi trả cao. Vì thế, thời điểm đại dịch bùng phát, nguồn này trở thành khách hàng tiềm năng, chỉ có điều sản phẩm của ta có đủ hấp dẫn họ hay không.
"Trước đây nhiều sản phẩm du lịch trong nước giá cao hơn một số nước lân cận, hiện tại chương trình kích cầu đưa lại sản phẩm giá hấp dẫn và chất lượng cao. Các điểm quá tải khách quốc tế như Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh đang có mật độ khách lí tưởng thu hút người Việt có mức chi tiêu cao", ông Nguyễn Công Hoan nói.