Có một Đà Nẵng “đất lành nhưng chim không đậu”

11/04/2016 08:46 AM | Kinh tế vĩ mô

Đà Nẵng là thành phố đáng sống, là thành phố du lịch quyến rũ, trong lành và thanh bình. Nhưng Đà Nẵng không phải là một thành phố mạnh về kinh tế dù rất thân thiện với doanh nghiệp.

Trong ba năm liền từ 2008-2010, Đà Nẵng có chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) đứng đầu cả nước. Tuy nhiên năm 2012, PCI của Đà Nẵng tụt xuống thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Năm 2013 đến nay, Đà Nẵng đã trở lại vị trí số 1 trên bảng xếp hạng.

Nghịch lý ở chỗ, dù 6 lần đứng đầu bảng về xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhưng thu hút đầu tư của Đà Nẵng liên tục tụt dốc. 3 tháng đầu năm 2016, Đà Nẵng đứng chót bảng xếp hạng 63 tỉnh – thành trong việc hút FDI. Nói như Chủ tịch thành phố này, Đà Nẵng “đất lành nhưng chim không đậu". Vì sao vậy?

Xem các bài trước về Đà Nẵng:

>> Những lý do này sẽ khiến bạn muốn xách ngay vali đến sống ở Đà Nẵng

>> Lấy lòng doanh nghiệp khéo như Đà Nẵng

>> Không chỉ là thành phố đáng sống, Đà Nẵng còn là thành phố "đáng khởi nghiệp nhất" năm nay


Còn nhớ cách đây 5 năm, đích thân Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết đã ra Hà Nội tiếp thị “hàng” bất động sản Đà Nẵng.

Với lợi thế về địa điểm gần Hội An, Huế, lại gần biển, khí hậu trong lành, bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng của Đà Nẵng thời điểm đó hứa hẹn sẽ vô cùng phát triển. Bất động sản cũng luôn là lĩnh vực chiếm quá bán số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Đà Nẵng.

Đà Nẵng đã từng là “ngôi sao” trong việc hút FDI. Giai đoạn đỉnh cao 2006 – 2010, tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm của Đà Nẵng đạt hơn 2,4 tỷ USD.

Nhưng khi qua rồi thời kỳ bất động sản sốt nóng, khi quỹ đất Đà Nẵng không còn nhiều, dòng vốn FDI đổ vào Đà Nẵng đã liên tục giảm với tốc độ khủng khiếp.

Năm 2014, tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm đổ vào thành phố này đã giảm một nửa so với năm trước đó. Con số này đến năm 2015 tiếp tục giảm mạnh tới hơn 70%.

3 tháng đầu năm 2016, Đà Nẵng đứng chót bảng xếp hạng 63 tỉnh – thành trong việc hút FDI, khi tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm của thành phố này là... số âm.

Trả lời về nghịch lý 6 lần đứng đầu bảng về xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), mà thu hút đầu tư của Đà Nẵng liên tục tụt dốc, ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng: Không có sự tương quan tỷ lệ thuận giữa chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

“Nhưng Đà Nẵng sẽ tìm nguyên nhân “đất lành mà chim không đậu””, ông Thơ khẳng định.

Lãnh đạo TP. Đà Nẵng cũng lý giải: Việc một nhà đầu tư quyết định đầu tư vào một nơi nào không chỉ phụ thuộc vào chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, mà phải tính toán xem đồng vốn họ bỏ ra ở đâu sẽ mang lại hiệu quả nhiều nhất. Chỉ số hiệu quả trong dự án đầu tư của họ không phải được quyết định từ chỉ số năng lực cạnh tranh mà còn nhiều yếu tố khác chi phối như thị trường, cơ sở hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ

Trong giai đoạn 2011-2015, trong số 1,3 tỷ USD FDI rót vào Đà Nẵng, có tới 68,48% là rót vào bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ chiếm 27,8%.

Bất động sản luôn chiếm phần lớn vốn FDI, trong khi quỹ đất của Đà Nẵng không còn nhiều…

Phát biểu trước báo giới, ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, cho biết hiện quỹ đất dành để thu hút đầu tư còn hạn chế, trong đó quỹ đất trong các khu công nghiệp hiện đã lấp đầy với hơn 87%. Trong khi đất ngoài khu công nghiệp như đất ven biển thì đã có chủ đầu tư, riêng khu công nghiệp Hòa Khánh, khu công nghiệp Dịch vụ Thuỷ sản Đà Nẵng hiện có tỷ lệ lấp đầy đạt 100%. Còn rất ít đất trống để thu hút và đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư lớn.

Một trong những yếu tố các dự án FDI ít đổ vào thành phố Đà Nẵng, theo lãnh đạo thành phố, là do chính sách không hút FDI bằng mọi giá. Trong năm 2015, Đà Nẵng đã từ chối 2 dự án: Dự án nhà máy dệt nhuộm của Tập đoàn Dệt may Hồng Kông, vốn đầu tư 200 triệu USD và một dự án của Hàn Quốc do quan ngại về môi trường.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM