Cơ hội nào cho các ông lớn BĐS khi nhảy vào ngành F&B?

15/08/2020 06:35 AM | Kinh doanh

Cả Novaland lẫn Sơn Kim đều nhắm nhủ yếu vào phân khúc cao cấp, nhưng chiến lược mỗi bên mỗi khác nhau. Trong khi Novaland đa dạng hóa ‘nhạc nào cũng nhảy’; thì Sơn Kim lại "rón rén" thận trọng và chỉ tập trung vào ẩm thực Nhật.

Sau khi phần nào chạm đỉnh ở lĩnh vực bất động sản cộng với thị trường bất động sản đang ngày càng khó khăn hơn, không ít ông lớn đầu ngành tại miền Nam đã nghĩ đến việc đa dạng hóa ngành nghề, trong đó có Tập đoàn Sơn Kim và Novaland.

Sơn Kim đang và sẽ mở thêm 5 nhà hàng Watami trung - cao cấp trong năm 2020


Trước đây, Sơn Kim chỉ có 2 mảng chính là bất động sản với bán lẻ thời trang, nhưng trong khoảng 3 năm trở lại đây, tập đoàn này đã xâm lấn qua khá nhiều ngành nghề khác. Năm 2017, họ bắt tay với ‘đại gia’ đến từ Hàn Quốc - GS25 để xây dựng và phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi này tại Việt Nam.

Năm 2019, sau khi cảm thấy thương hiệu GS25 đã đi vào ổn định, Sơn Kim tiếp tục hợp tác với Tập đoàn Watami, nhằm mang thương hiệu ẩm thực nổi tiếng của Nhật vào Việt Nam, chính thức nhảy vào lĩnh vực F&B. Thực ra, trước khi mang về Watami, Sơn Kim đã có 2 nhà hàng cao cấp chuyên về ẩm thực châu Âu là Mama Sens và Jardin Des Sens; song đó chỉ là những thương hiệu đơn lẻ, chứ không hình thành chuỗi.

Watami là thương hiệu nhà hàng Nhật nổi tiếng, với hơn 500 nhà hàng trên toàn thế giới như tại Nhật Bản, Hong Kong, Singapore, Philippines, Đài Loan, Campuchia… Theo chia sẻ của ông Huy Nguyễn – CEO của Watami Vietnam, thì phân khúc nhà hàng Nhật Bản trong ngành F&B Việt Nam có chỉ số phát triển rất ấn tượng. Trung bình hàng năm, số lượt khách hàng Việt Nam đến với các nhà hàng Nhật tăng hơn 53%, đóng góp sự phát triển về doanh số là 51%.

Tháng 7/2019, cửa hàng Kyo Watami Grill & Sushi – thương hiệu cao cấp của tập đoàn Watami, ra mắt thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, với sự cẩn trọng vốn có, Sơn Kim không ngay lập tức mở thêm nhà hàng Kyo Watami Grill & Sushi thứ hai hay ba, mà họ muốn xem phản ứng của thị trường trước khi có bước tiến mới.

Cơ hội nào cho các ông lớn BĐS khi nhảy vào ngành F&B? - Ảnh 1.

Cửa hàng Kyo Watami Grill & Sushi đầu tiên tại Việt Nam.

Năm 2020, Covid-19 bùng nổ, những tưởng Sơn Kim sẽ gác lại tất cả những kế hoạch mở rộng thị trường cho Watami, nhưng bất ngờ thay, khi họ vừa khai trương 2 cửa hàng Watami Japanese Dining – thương hiệu trung cấp của Watami tại Quận 1 và Quận 2. Theo tiết lộ từ đại diện Watami, bất chấp Covid-19, trong những tháng còn lại của năm 2020, họ dự định sẽ mở thêm 2 nhà hàng Watami Japanese Dining và 1 nhà hàng Kyo Watami Grill & Sushi nữa.

Tức là, nếu theo đúng kế hoạch, cuối năm 2020, Tập đoàn Sơn Kim sẽ có 6 cửa hàng Nhật cao cấp và trung cấp tại TP. HCM.

Với những bước đi của Sơn Kim có thể thấy, họ đánh cả vào phân khúc trung trung và cao cấp của ẩm thực Nhật.

Với mức sống ngày càng được nâng cao, đặc biệt trước việc nhiều dịch bệnh xuất hiện bất thường như Covid-19, người Việt Nam ngày càng quan tâm tới sức khỏe; ẩm thực Nhật Bản ngày càng được ưa chuộng, tiềm năng phát triển rất lớn. Tuy nhiên, hiện ở TP. HCM, chưa có bất cứ thương hiệu ẩm thực Nhật nào có thể "làm mưa làm gió", mà đều sàn sàn ngang nhau.

Ở mảng trung cấp, chúng ta có thể kể đến chuỗi Tokyo Deli với 18 cửa hàng, iSushi có 9 cửa hàng; trong khi tại phân khúc cao cấp, cuộc chơi nhộn nhịp hơn với Mylife có 11 cửa hàng từ 2 thương hiệu chủ lực là Yen Sushi & Sake Pub cùng Shamoji, Gyu Shige có 6 nhà hàng, Phổ Đình có 11 tại Việt Nam 1 nhà hàng ở Campuchia, Sushi Hokkaido Sachi có 9 nhà hàng…

Trong đó, có thể thấy iSushi không phải là một dự án thành công của Golden Gate nếu so với các ‘anh chị’ như Kichi Kichi hay Gogi, vì sau 5 năm ra đời nó mới có 9 cửa hàng. Thời điểm ra mắt cửa hàng nhượng quyền đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2016, thương hiệu Gyu Shige có khoảng 130 nhà hàng tại Nhật. Năm 2017, ông Masakazu Takada – Chủ tịch Gyu Shige toàn cầu cho biết, họ có kế hoạch mở 30 chi nhánh vào cuối năm 2019. Nhưng nay Gyu Shige mới mở được 1/5 cửa hàng như dự định.

Do đặc thù ngành, nên lợi thế mặt bằng của Sơn Kim nhiều khả năng không thể giúp họ chiến thắng trong cuộc chiến đang dần trở nên nóng bỏng này. Nên nếu Sơn Kim không có bất cứ thứ gì đột phá so với thị trường – về concept quán hay menu đồ ăn uống, thì thật khó để họ tránh được lối mòn đi chậm của Golden Gate hoặc Gyu Shige.

Novaland liên tục khai trương nhà hàng/quán cà phê mới trong năm 2020


Trong khi Sơn Kim khá thận trọng khi nhảy vào mảng mới, thì phong cách của Novaland hoàn toàn ngược lại, họ tấn công ngành du lịch và F&B theo cách "vũ bão".

Sau khi chính thức tuyên bố sẽ nhảy vào lĩnh vực bất động sản du lịch và dịch vụ du lịch vào năm ngoái, Tập đoàn này đã cùng lúc triển khai rất nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở các thành phố biển: NovaHills Mũi Né Resort & Villas, NovaBeach Cam Ranh Resort & Villas, NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Bình Châu (Bà Rịa – Vũng Tàu)…

Hôm 12/8, Novaland vừa làm lễ công bố thương hiệu mới của tập đoàn này là Nova F&B, chuyên về ngành ẩm thực.

Theo tiết lộ của Nova F&B, họ đang sở hữu các nhà hàng như: Jumbo Seafood, Au Lac Do Brazil, Viet Kitchen, The Dome Dining &Drinks, Dynasty House - Hongkong Dimsum & Hotpot, Marina Club, Embassy Lounge, Number 1 Beach Club, Food Train Restaurant, Grand Lounge, Shark Restaurand…

Cơ hội nào cho các ông lớn BĐS khi nhảy vào ngành F&B? - Ảnh 2.

Cửa hàng Gloria Jean’s Coffees cuối cùng tại Việt Nam trước khi đóng cửa. Ảnh: GJC

Trong khi đó ở mảng cà phê, họ hiện quản lý Saigon Casa Cafe, Gloria Jean’s Coffees, Mojo Coffee, Soho Café & Lounge, Cà phê Cô Ba, Water Fall Coffee...

Danh mục các thương hiệu/doanh nghiệp Nova F&B đang trong tiến trình làm việc để hợp tác: Magal BBQ, Lotteria, Pizza Maru (Hàn Quốc), Mango Tree (Thailand), Yakiniku BBQ (Nhật Bản), Dae Jang Kum (Hàn Quốc), Golden Gate, Mylife Coffee, MK Restaurants, Texas Chicken, RedSun

Có thể thấy, hầu hết thương hiệu nhà hàng - cà phê kể trên thuộc phân khúc cao cấp nằm ở các quận trung tâm như 1, 3 và 7; phong cách hết sức đa dạng - từ châu Âu, châu Á đến thuần Việt. Nhìn vào các thương hiệu mà Nova F&B đang sở hữu/quản lý và muốn hợp tác/nhượng quyền, thì cảm giác như doanh nghiệp này muốn mang ẩm thực của cả thế giới phục vụ thực khách của mình.

Về mảng nhà hàng: Jumbo Seafood, Au Lac Do Brazil, Viet Kitchen là 3 nhà hàng cao cấp nổi tiếng nhiều năm tại TP. HCM; nhưng quả thật trước đó ít người nghĩ nó có liên quan đến Novaland. Dynasty House - Hongkong Dimsum & Hotpot cùng The Dome Dining &Drinks mới khai trương trong vài tháng gần đây bất chấp Covid-19.

Marina Club khai trương năm 2019 tại Vũng Tàu – tên cũ chính là nhà hàng Lan Rừng nổi tiếng nằm ở bãi Dứa. Với tên gọi và thiết kế, nhiều khả năng Number 1 Beach Club sẽ là một câu lạc bộ lớn ở một thành phố biển nào đó.

Trong khi những cái tên còn lại như Embassy Lounge, Food Train Restaurant, Grand Lounge, Shark Restaurand sắp khai trương hay còn đang trong quá trình xây dựng.

Về mảng cà phê: trừ Mojo Coffee, còn tất cả những quán còn lại đều thuộc phân khúc cao cấp và nằm chủ yếu tại Quận 1. Water Fall Coffee dường như vẫn còn nằm trong kế hoạch, chưa tượng hình.

Trong tất cả, đặc biệt nhất chính là Gloria Jean’s Coffees. Năm 2006, chuỗi lớn đến từ Úc này đã xâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua hình thức nhượng quyền với 1 công ty trong nước. Năm 2012, họ có 6 cửa hàng tại TP. HCM nhưng đến tháng 4/2017, Gloria Jean’s Coffees đã đóng cửa cửa hàng cuối cùng tại Việt Nam. Thương hiệu này hiện có khoảng trên 1.000 cửa hàng ở 39 nước trên khắp thế giới, nhiều nhất vẫn là tại Úc với 460 cửa hàng.

"Mục tiêu của Nova F&B là phục vụ hàng triệu lượt khách mỗi năm với hệ thống hàng trăm chuỗi nhà hàng, cà phê, bar, club...; mang đến những trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật ẩm thực đặc sắc và đẳng cấp quốc tế cho du khách trong và ngoài nước; gia tăng giá trị kết nối và trải nghiệm của khách hàng trong hệ sinh thái NovaTourism.

Ngoài những thương hiệu mà tập đoàn đang sở hữu, Nova F&B sẽ từng bước phát triển và nhượng quyền, hợp tác với nhiều thương hiệu khác để trở thành điểm đến vui chơi, giải trí và ẩm thực hàng đầu Việt Nam và khu vực", Novaland tuyên bố.

Cơ hội nào cho các ông lớn BĐS khi nhảy vào ngành F&B? - Ảnh 3.

Jumbo Seafood là nhà hàng hải sản có tiếng ở TP. HCM.

Có thể nói, những cái tên như Jumbo Seafood hay Soho Café & Lounge xuất hiện trong danh mục thương hiệu giúp Nova F&B bớt đi những ánh mắt nghi ngờ từ giới F&B. Tuy nhiên, với thị trường F&B cạnh tranh khốc liệt như tại TP. HCM, chẳng ai nói trước được điều gì.

Gloria Jean’s Coffees đã "bỏ chạy" cách đây 3 năm, lần trở lại này được dự báo sẽ càng khó khăn hơn, khi ngành cà phê hiện là một trong những ngành cạnh tranh nhất trong mảng F&B. Phân khúc cao cấp đang phát triển rất chậm chạp, chỉ cần nhìn vào lượng cửa hàng mở nhỏ giọt của ông lớn Starbucks hay sự trồi sụt thất thường của Runam là biết. Trong khi phân khúc trung cấp đang chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt giữa The Coffee House, Trung Nguyên Legend và Highlands Coffee.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM