Có hay không việc thao túng thị trường thức ăn chăn nuôi?

08/07/2021 10:43 AM | Kinh doanh

Giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao trong thời gian gần đây gây ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất và khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.

Hiện tại, khoảng 60% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) của Việt Nam đang phụ thuộc vào nhập khẩu. Điều này khiến ngành chăn nuôi vốn đã bấp bênh nay càng gặp nhiều rủi ro hơn khi giá thị trường thế giới biến động.

Đã từ lâu, thị trường TACN của Việt Nam được đánh giá thuộc hàng "béo bở" bậc nhất khu vực Đông Nam Á và hiện nay, các DN FDI cũng đang chiếm tỷ trọng lớn thị phần cung cấp trên thị trường.

Trên thực tế, hoạt động của các DN FDI trong lĩnh vực này không ngừng gặt hái lợi nhuận cao. Năm 2020, Công ty CP Việt Nam đạt doanh thu khoảng 3,5 tỷ USD, trong đó lợi nhuận đạt khoảng 1 tỷ USD. Riêng mảng TACN đạt doanh thu gần 900 triệu USD (khoảng 21 nghìn tỷ đồng).

Gần đây, có những thông tin trên báo chí đã đặt vấn đề, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN-PTNT) cần phối hợp với các đơn vị liên quan vào cuộc thanh tra và kiểm toán về hạch toán giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi và tỷ lệ lợi nhuận, xác định xem yếu tố nào là nguyên nhân chính khiến giá thành thức ăn chăn nuôi cao. Đồng thời, cũng có ý kiến cho rằng với việc chiếm thị phần TACN lớn các doanh nghiệp FDI đang nắm quyền chi phối thị trường TACN.

Nhịp sống doanh nghiệp BizLIVE đã có cuộc trao đổi với ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) thông tin thêm về những vấn đề trên.

Ông vui lòng cho biết vì sao giá các loại nguyên liệu TACN và thành phẩm tăng phi mã như hiện nay?

Hiện Việt Nam phải nhập khẩu đến 60% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN), do trong nước chỉ đáp ứng khoảng 40%, nên ngành chăn nuôi phụ thuộc rất lớn vào các nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trong khi TACN chiếm 60-70% giá thành nên không chỉ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, năng suất, hiệu quả chăn nuôi mà cả an toàn thực phẩm.

Năm 2020, cả nước đã chi khoảng 6 tỷ USD để nhập khẩu trên 20 triệu tấn nguyên liệu TACN.

Đối với nhóm nguyên liệu liên quan đến năng lượng, như: Ngô, lúa mì, đậu tương … cả nước sản xuất chưa được 1 triệu ha, năng suất lại rất thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu chăn nuôi nên phải nhập khẩu, lúa mì cũng vậy. Bên cạnh đó còn phải nhập khẩu nhóm protein và nhóm liên quan đến thức ăn bổ sung.

Hiện có 3 nguyên nhân khiến nguyên liệu TACN nhập khẩu tăng giá mạnh.

Thứ nhất, do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên khi dịch Covid-19 xảy ra ở nhiều nước trên thế giới đã ảnh hưởng đến lực lượng lao động, và làm đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu, cũng như toàn bộ hệ thống logistic… khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng lên từ 200 - 300%.

Thứ hai, biến đổi khí hậu đã làm một số nước như Mỹ, Argentina, Brazil,… bị khô hạn nên diện tích ngô, lúa mì, đậu tương phải thu hẹp làm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng.

Thứ ba, dịch Covid-19 bùng phát, các tập đoàn tài chính, các quỹ tài chính lớn trên thế giới trước đây chỉ đầu tư vào hệ thống ngân hàng, ngành xây dựng, hàng không, khách sạn …  bây giờ quay sang đầu tư vào lĩnh vực nguyên liệu TACN.

Để đảm bảo nguồn TACN cũng như ngành thực phẩm cho đất nước, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 100 triệu tấn các loại nguyên liệu  khác nhau tác động mạnh lên thị trường chung.

Trong 6 tháng đầu năm nay giá TACN trong nước đã tăng bao nhiêu %,  thưa ông?

Giá nguyên liệu TACN nhập khẩu tăng mạnh đã đẩy giá TACN chế biến trong nước tăng cao.

Ví dụ, giá ngô hạt nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2021 đã tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2020, từ 5.600 đồng/kg lên 7.600 đồng/kg, đậu tương tăng lên 35,5% từ 9.600 đồng/kg lên 13.000 đồng/kg (làm tròn số); cám mì tăng lên 32,8%, từ 5.000 đồng/kg lên 6.700 đồng/kg, ….

Tuy nhiên, các thức ăn thành phẩm như thức ăn hỗn hợp cho gà, heo,… trong 6 tháng đầu năm nay tăng rất chậm, từ 12 - 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc tăng giá thức ăn nguyên liệu so với tăng giá thức ăn thành phẩm luôn có độ trễ nhất định, vì doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu về sau đó phân phối đến các nhà máy sản xuất TACN, và các doanh nghiệp lớn luôn dự trữ lượng nguyên liệu trong kho từ 1 đến 1,5 tháng.

Thứ hai, các công ty sản xuất TACN lớn như công ty C.P chăn nuôi Việt Nam, công ty Emivest, Hòa Phát, công ty TNHH CJ Vina Agri, … không chỉ sản xuất TACN mà họ còn tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi, cung cấp, giết mổ, chế biến các sản phẩm chăn nuôi, gần như khép kín chuỗi giá trị chăn nuôi.

Vì vậy, khi nguyên liệu TACN tăng thì sản xuất TACN cũng tăng theo, và để người nông dân đỡ bị sốc trong lúc quá khó khăn họ cũng chỉ tăng nhỏ giọt từ 200- 500 đồng/lần. Tuy nhiên, để đảm bảo kinh doanh và duy trì sản xuất họ vẫn phải tăng theo nhiều cách khác nhau.

Đó là nguyên nhân chính tại sao TACN thành phẩm tăng giá chậm hơn so với nguyên liệu chế biến.

Có nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp FDI chiếm thị phần TACN quá lớn nên đang có dấu hiệu thao túng giá TACN, theo ông thông tin đó có đúng không?

Hiện ngành chăn nuôi chính thức có 265 doanh nghiệp, khối FDI có 89 doanh nghiệp, khối nội có 176 doanh nghiệp với 176 cơ sở chế biến. Về công suất thiết kế nhóm doanh nghiệp FDI chiếm 50,5%, doanh nghiệp nội chiếm 49,5%.

Công suất thiết kế lại khác với sản lượng nhà máy sản xuất ra, theo số liệu năm 2020 Việt Nam sản xuất được 20,2 triệu tấn TACN công nghiệp (làm tròn số), trong đó, doanh nghiệp FDI chiếm 59,8% và doanh nghiệp trong nước chiếm 40,2%.

Trước đây các doanh nghiệp FDI chiếm tới 60,4% thị phần nhưng thời gian gầy đây các doanh nghiệp trong nước đã đầu tư về công nghệ, cải tiến kỹ thuật và năng suất đã nâng thị phần lên được 40,2%.

Đối với vấn đề thao túng giá thì hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước dựa theo các văn bản quy phạm pháp luật, và ở Việt Nam hiện chỉ có luật kiểm soát chống độc quyền.

Luật chống độc quyền của Việt Nam quy định những doanh nghiệp cho là độc quyền khi chiếm tới 30% thị phần của một ngành sản xuất nào đó, còn đối với TACN thì xin khẳng định là chưa có 1 doanh nghiệp nào đạt được ngưỡng theo quy định của luật pháp như vậy.

Còn liệu có hay không việc nhóm doanh nghiệp này có tổ chức liên kết chẳng hạn, việc này chúng tôi không bình luận vì không có bằng chứng, không có cơ sở nào để phát biểu về vấn đề này.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước đến bây giờ chúng tôi chưa có thông tin gì về vấn đề này.

Xét trên con số thì thấy đúng là bây giờ tỷ trọng sản xuất TACN của doanh nghiệp FDI chiếm hơn tới 59,8% trong khi chỉ có 89 doanh nghiệp thôi.

Trong lúc giá TACN tăng cao như hiện nay mà đầu ra lại khó khăn, Nhà nước có giải pháp nào giúp bình ổn giá TACN giúp bà con an tâm sản xuất không, thưa ông?

Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo và Cục chăn nuôi đang thực hiện một số hoạt động rất khẩn trương, để làm sao giúp giá TACN có thể bình ổn được.

Thứ nhất, báo cáo với Bộ rà soát lại tất cả các thủ tục hành chính, các quy định về văn bản quy phạm pháp luật, có vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực TACN cũng như các lĩnh vực khác không, làm sao tạo được sự thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, để giảm chi phí vô hình trong quá trình sản xuất.

Liên quan đến việc làm sao chủ động được TACN, cần phải xác định những gì trong nước sản xuất có thể cạnh tranh và có tiềm năng thì phát huy tối đa.

Bộ cũng đang có chỉ đạo đối với các hộ chăn nuôi bỏ trống chuồng, trại và không có sinh kế phải chuyển đổi nhanh sang nuôi trâu, bò, dê… những vật nuôi này ăn cỏ, không cạnh tranh các nguồn thức ăn ngũ cốc hay protein với con người.

Việt Nam hiện có tới 120 triệu tấn các loại phụ phẩm nông nghiệp có thể chế biến TACN, trong đó rơm chiếm tới 43 triệu tấn, là tiềm năng rất lớn có thể áp dụng công nghệ ủ chua, các chế phẩm vi sinh, phơi khô … để có thể làm TACN. Đây là nguồn nguyên liệu TACN rất quan trọng.

Thứ ba, chủ động phát triển gia súc ăn cỏ, Bộ đã chỉ đạo rất quyết liệt để các địa phương trồng ngô sinh khối vào diện tích vụ đông của Miền Bắc và Miền Trung để bán các sản phẩm cho doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa thu mua.

Ngoài ra, chúng ta có hệ thống các sản phẩm và phụ phẩm từ ngành thủy sản rất lớn, đây cũng là nguồn nguyên liệu tiềm năng, tuy nhiên đòi hỏi phải có đầu tư khoa học công nghệ cao để có thể phát triển được. Điều quan trọng nhất cảu TACN là làm sao chủ động sử dụng được nguồn phụ phẩm rất lớn ở trong nước.

Cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nguyễn Huyền

Cùng chuyên mục
XEM