Cô giáo bị kỷ luật vì dạy thêm: Hình thức xử lý quá nặng nề

27/09/2016 09:28 AM | Sống

“Cô Đ.T.T.N khi luyện thi chứng chỉ Cambridge cho học sinh chúng ta chỉ nên yêu cầu cô làm kiểm điểm, báo cáo lại sự việc. Việc nhà trường kỷ luật cắt thi đua cả năm học 2016 – 2017 của cô giáo này là quá nặng nề”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho hay.

Vừa qua, một cô giáo tại trường Tiểu học Bành Văn Trân (TP.Hồ Chí Minh) bị cắt thi đua cả năm học 2016 – 2017 vì cô này đã tiến hành dạy thêm với học sinh

Được biết, cô Đ.T.T.N. thuê một địa điểm dạy nằm trên đường Cách Mạng Tháng 8, phường 7 (quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh) và dạy thêm 2 nhóm (10 học sinh lớp 4, 5) luyện thi chứng chỉ Cambridge ở cấp độ Movers, Flyers.

Sự việc đã gây ra rất nhiều tranh cãi. Một giáo viên tiểu học trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “Trên thực tế các tiết dạy chính khóa trên lớp chỉ đủ để giáo viên hướng dẫn học sinh học theo chuẩn những bài tập đơn giản, vừa sức với học sinh. Trong khi đó các vòng thi Violympic giải toán qua mạng hay Toán tuổi thơ lại tổng hợp rất nhiều dạng toán nâng cao.

Thử hỏi nếu không có sự kèm cặp của giáo viên thì các em có đủ sức vượt qua những câu hỏi khó kia không? Trong khi “thế giới dạy thêm ngầm” vẫn tồn tại nhan nhản ở các thành phố lớn. Trước khi cấm giáo viên dạy thêm mong Bộ GD&ĐT chấn chỉnh lại cuộc thi kia để nó thực sự là sân chơi cho học sinh cứ không phải một cuộc đua”.

Để rộng đường dư luận, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT về vấn đề này.


PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT (ảnh: Giaoduc.net)​

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT (ảnh: Giaoduc.net)​

Thưa PGS.TS, sự việc một cô giáo tại trường Tiểu học Bành Văn Trân (TP.Hồ Chí Minh) bị cắt thi đua cả năm học 2016 – 2017 vì dạy thêm, xin PGS.TS cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

Chúng ta cần có định nghĩa rõ ràng xem thế nào là dạy thêm, học thêm. Hiện nay, Theo Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT nêu rất rõ các trường hợp không được dạy thêm, trong đó không chỉ ở cấp tiểu học mà còn đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập (điều 4, Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT), nên việc cấm dạy thêm ở đây là cấm dạy thêm tràn lan, tiêu cực là đúng.

Nói đơn giản là “dạy lớp lơ là, dạy nhà là chính”. Tức là những kiến thức dành cho học sinh đáng lẽ chúng ta phải dạy hết cho các em ở lớp nhưng giáo viên lại cố tình dạy thiếu để chèo kéo học sinh về dạy tại nhà. Điều này bị hoàn toàn nghiêm cấm.

Bởi lẽ, đã là nhà giáo mình phải dành toàn bộ tâm huyết cho học sinh chứ không thể vì tiền mà làm khác đi. Bản thân tôi nhận thấy học sinh hiện nay còn thiếu rất nhiều kỹ năng: Giao tiếp, hát, múa, ngoại ngữ...Việc dạy thêm chính đáng để tăng cường kỹ năng cho học sinh là sự cần thiết. Ở trên thế giới nhiều nước cũng cho phép điều này.

Tuy vậy, giáo viên vẫn chịu sự quản lý của nhà trường, của phòng GD&ĐT nhất là trong thời điểm nhạy cảm như hiện nay khi Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đã quy định rõ ràng là cấm dạy thêm thì giáo viên cũng nên báo cáo lại cơ quan quản lý để họ biết mình dạy thêm ở đây là có lợi cho học sinh chứ không phải dạy thêm tiêu cực.

Về trường hợp của cô Đ.T.T.N khi luyện thi chứng chỉ Cambridge ở cấp độ Movers, Flyers cho học sinh nếu không báo cáo tới nhà trường thì xét về lý đã vi phạm quy định. Ở góc độ này, chúng ta cũng chỉ nên yêu cầu cô làm kiểm điểm, báo cáo lại sự việc và tôi tin bản thân cô ấy cũng nhận ra thiếu sót của mình và chấn chỉnh.

Việc nhà trường tiến hành kỷ luật cắt thi đua cả năm học 2016 – 2017 của cô giáo này thì quá nặng nề. Xét cho tới cùng thì việc cô luyện thi ở đây không phải việc dạy thêm tiêu cực mà là dạy để mang lại lợi ích cho học sinh. Bởi lẽ, cô cũng không dạy những môn văn hóa ở trường mà dạy kỹ năng ngoại ngữ cho học sinh. Trong khi kỹ năng ngoại ngữ hiện nay rất cần thiết đối với học sinh.

Nhiều giáo viên cho rằng bác sĩ cũng được mở phòng khám riêng, kế toán cũng được làm thêm tại nhà....Vậy tại sao giáo viên dạy thêm ở nhà bằng sức lao động của mình lại bị kỷ luật? Đó là điều vô lý. Xin PGS.TS cho biết quan điểm của mình về ý kiến này?

Như tôi đã nói, dạy thêm không nên cấm. Vấn đề chúng ta cấm dạy thêm tràn lan, tiêu cực. Còn việc dạy thêm cho học sinh yếu kém, dạy thêm cho học sinh giỏi, hay dạy tiếng Anh...thì thực sự cần thiết cho học sinh và xã hội. Chúng ta cần có sự phân biệt rõ ràng về việc dạy thêm để nâng cao kỹ năng cho học sinh xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh với việc dạy thêm tràn lan “dạy lớp lơ là, dạy nhà là chính”.

Ở các nước có nền giáo dục phát triển như Singapore giáo viên muốn dạy thêm chỉ cần đăng ký với nhà trường, họ sẽ xem xét và tạo điều kiện cho giáo viên. Bởi thực tế, tạo điều kiện cho giáo viên cũng là tạo điều kiện cho học sinh.

Dư luận cho rằng, nếu giáo viên thực sự giỏi thì nên đi dạy ở các trung tâm chứ không nên tự tổ chức dạy thêm, như vậy sẽ hạn chế tối đa việc dạy thêm tiêu cực, PGS.TS suy nghĩ thế nào về ý kiến này?

Thực ra, nếu các giáo viên tận dụng cơ sở vật chất ở nhà mình, đảm bảo yêu cầu của việc học như có không gian yên tĩnh, có bảng viết, có bàn ghế...thì chúng ta cũng nên tận dụng cũng tạo điều kiện cho giáo viên để phục vụ cho sự nghiệp giáo dục. Vấn đề là chúng ta nên làm thế nào cho có tổ chức, có quy mô và đảm bảo yêu cầu.

Xin cảm ơn PGS.TS về cuộc trò chuyện!

Theo Hoàng Thanh

Cùng chuyên mục
XEM