Cô gái đứng ngoài cùng bức ảnh: Xuất thân danh giá, thành tích học khủng đến mức trở thành hiện tượng Việt Nam ở nước ngoài

12/01/2022 10:56 AM | Sống

Đây là tên tuổi làm rạng danh trí tuệ Việt Nam tại nước ngoài.

IMO là một kì thi Toán học cấp quốc tế hàng năm dành cho học sinh trung học phổ thông. Kể từ năm 1974, Việt Nam bắt đầu tham dự IMO và là nước châu Á đầu tiên tham dự kì thi này.

Năm 1977, vì khó khăn tài chính nên đội tuyển Toán học của Việt Nam không thể tham dự IMO ở Nam Tư. Vụt mất cơ hội tỏa sáng ở đầu trường quốc tế nhưng các thành viên của nhóm IMO Việt Nam năm đó đều tỏa sáng trong sự nghiệp học tập sau này. Đặc biệt, nữ sinh Lê Hồng Vân đã để lại rất nhiều dấu ấn.

Cô gái đứng ngoài cùng bức ảnh: Xuất thân danh giá, thành tích học khủng đến mức trở thành hiện tượng Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh 1.

Cô Lê Hồng Vân (ngoài cùng bên phải) - thành viên đội tuyển IMO Việt Nam năm 1977. Nguồn ảnh Sưu tầm MXH

Xuất thân trong gia đình danh giá và thành tích học tập quá xuất sắc

Cô Lê Hồng Vân sinh năm 1961 trong một gia đình tri thức danh giá của Hà Nội. Bố cô chính là nguyên Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Lê Văn Giạng. Ông nội cô cũng là Cử nhân Nho học. Cô Lê Hồng Vân còn có hai chị gái cũng học rất giỏi: Lê Hoàng Lan - Tiến sĩ Sinh học, Lê Ngọc Mai - Tiến sĩ Ngữ văn.

Thời phổ thông, cô Lê Hồng Vân thi đỗ vào lớp chuyên Toán của khối Phổ thông chuyên trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Nhờ thành tích học tập xuất sắc mà cô được chọn vào đội tuyển IMO Việt Nam năm 1977.

Tuy nhiên như đã nói ở trên, năm đó đội tuyển Việt Nam không thể tham dự IMO ở Nam Tư vì lý do tài chính. Lỡ mất IMO, cô Lê Hồng Vân quay về ôn luyện Toán, Vật lý, Hóa học để tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học sẽ diễn ra trong ba tuần nữa.

Cô gái đứng ngoài cùng bức ảnh: Xuất thân danh giá, thành tích học khủng đến mức trở thành hiện tượng Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh 2.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Lê Văn Giạng.

Dù thời gian có gấp gáp và trước đó chủ yếu luyện thi IMO nhưng khi chuyển sang ôn luyện đại học, cô Hồng Vân vẫn đạt được kết quả cao trong kỳ thi quan trọng. Năm đó, cô đạt 25,5/30 điểm, trở thành sinh viên của Đại học Lomonosov danh tiếng.

Quãng thời gian học đại học, nữ sinh người Việt tiếp tục giành được nhiều thành tích xuất sắc, đạt điểm cao nhất ở các môn thi và sau khi tốt nghiệp được tuyển làm nghiên cứu sinh khi mới 26 tuổi.

Người hướng dẫn của cô là Giáo sư A.T. Fomenko - người đã giải quyết được Bài toán Plateau tuyệt đối. Đề tài nghiên cứu của cô là Hình học vi phân, các mặt cực tiểu trong không gian Riemann (phi Euclide) nhiều chiều.

Trong thời gian này, cô Lê Hồng Vân giải quyết được nhiều bài toán khó liên quan đến phép tính biến phân nhiều chiều và điều khiển tối ưu các hàm số. Nghiên cứu của cô sau đó được công bố trong 13 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí Toán học uy tín của Liên Xô và báo cáo tại các hội nghị toàn liên bang và quốc tế.

Năm 1987, cô bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Đại học Lomonosov. Năm 1989, cô bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học khi mới 28 tuổi, là nữ Tiến sĩ khoa học trẻ nhất Việt Nam thời bấy giờ. Trước đó, Lê Hồng Vân đã được công nhận như một chuyên gia xuất sắc về phép tính biến phân.

Trong một bài báo in trên tờ Văn Nghệ, nhà Việt Nam học người Nga rất nổi tiếng, viện sĩ Nikulin, đã nhận xét: "Việc nhà nữ Toán học Lê Hồng Vân bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học toán học tại Đại học Lomonosov, trường đại học danh tiếng nhất Liên Xô (cũ), khi mới 28 tuổi, đáng coi là một "hiện tượng" thể hiện tài trí của nữ giới nói chung cũng như của phụ nữ Việt Nam nói riêng".

Sau đó cô giành được học bổng Heisenberg hậu Tiến sĩ tại viện Max-Planck-Institute tại Bonn và Viện Toán Leipzig. Từ năm 2005 cô làm việc tại Viện Toán, Viện Hàn lâm Khoa học Czech. Các hướng nghiên cứu chính của cô Lê Hồng Vân là Hình học vi phân, Giải tích toàn cục, Tôpô Đại số, Lý thuyết biểu diễn và và Hình học Thống kê.

Giành được nhiều giải thưởng cao quý

Trong sự nghiệp nghiên cứu của mình, cô Lê Hồng Vân đã đạt được nhiều giải thưởng cao quý như: Giải thưởng của Hội Toán học Moscow năm 1990, Giải thưởng Majorana của Viện Vật lý lý thuyết ICTP năm 1991.

Cô gái đứng ngoài cùng bức ảnh: Xuất thân danh giá, thành tích học khủng đến mức trở thành hiện tượng Việt Nam ở nước ngoài - Ảnh 3.

Cô Lê Hồng Vân được Nhà bác học Abdus Salam, Giải thưởng Nobel, trao Giải thưởng của ICTP năm 1991.

Đáng chú ý, thời điểm cô Lê Hồng Vân nhận giải, theo lời của Giáo sư G. Ghihardi, ở ICTP thì: "Từ ngày thành lập trung tâm cho tới những năm gần đây, chỉ có một nhà khoa học nữ duy nhất trong tất cả các nước đang phát triển được tặng Giải thưởng của ICTP, hơn nữa, lại do chính tay Abdus Salam, một "vòm đại thụ trong khu rừng vật lý lý thuyết thế giới" trao cho. Người phụ nữ ấy đến từ Hà Nội: chị Lê Hồng Vân".

Được biết, chồng của cô Lê Hồng Vân cũng là một tri thức nổi tiếng - Tiến sĩ di truyền học Karsten Friztsche. Cả hai quen biết khi cùng theo học Đại học Lomonosov.

Theo Thanh Hương

Cùng chuyên mục
XEM