Cơ chế của 'giá trị cốt lõi'

11/09/2018 08:50 AM | Kinh doanh

Hễ nói tới giá trị cốt lõi, thói quen nói chung của mọi người là nói tới sự cao đẹp, chính trực, đàng hoàng. Nhưng thực tế là, có một số tổ chức thậm chí rất xấu xa, nhưng nó vẫn tồn tại và phát triển, đơn giản chỉ vì nó có giá trị cốt lõi rất mạnh. Đó là một số tổ chức tội phạm lớn như Hội Tam Hoàng, mafia, hay yakuza...

Nói như vậy không có nghĩa bài viết này của tôi sẽ phân tích về giá trị cố lõi của các tổ chức như vậy. Cái mà tôi nói đến ở đây, là việc chúng ta nên nhìn giá trị cốt lõi theo kiểu thực dụng, gần gũi và tạo ra giá trị của cả doanh nghiệp chứ không nên "bốc thơm" nó lên để rồi biến các giá trị của doanh nghiệp mình thành huyễn hoặc.

Có vô vàn định nghĩa về giá trị cốt lõi, nhưng tôi xin trích khái quát hai điểm nổi bật trong đó, thứ nhất là đặc thù của riêng hệ thống của doanh nghiệp và thứ hai là công thức để tạo nên thành công của cả tổ chức lẫn từng cá nhân trong tổ chức.

Có thể lấy ví dụ cho hệ giá trị cốt lõi mà tôi từng có thời được sống và ngấm trong đó. Họ áp dụng 5 giá trị cốt lõi sau đây:

Tính chủ động: Luôn chủ động trong mọi việc, không chờ sếp ra lệnh mà đã sẵn sàng quan sát, suy nghĩ, tính toán và chủ động nhận hay làm việc tốt cho cả tổ chức.

Tính làm chủ: Coi trọng tài sản và các nguồn lực của công ty, sử dụng chúng một cách tiết kiệm và hiệu quả như đó là các tài sản và nguồn lực của mình, của gia đình nhà mình.

Thống nhất trong lời nói và việc làm: một khi đưa ra lời nói là phải làm đúng như vậy. Nếu không làm đúng được như vậy thì đừng nói. Tính chất này khiến người nào muốn nói hay làm gì đều phải nghĩ trước đó. Họ bị ràng buộc bởi lương tâm của chính họ chứ không cần phải tới lúc sếp dính thay vào.

Tham vọng vượt trội: Tham vọng vượt lên trên ngưỡng thông thường mà mình vẫn vốn hay đạt được, công ty cần tăng 5% doanh số thì mình sẽ nỗ lực gia tăng thành 10% doanh số. Tham vọng đó không chỉ thể hiện qua hành động mà trước khi hành động thì bằng lời nói. Như vậy thì thường là bạn không nói thì thôi, đã nói là phải có gì đó đặc biệt, là muốn vượt trội hơn người và hơn chính bản thân mình.

Niềm tin vào các cá nhân khác: Tin tưởng vào chính những người khác, giao việc cho họ hoặc nhận lệnh từ họ một cách tự tin và dám làm dám chịu.

Nghe qua thì các điều trên đều hay cả, tuy vậy, nếu thấm vào đó thì mới thấy, nó tạo ra một hệ giá trị giằng với nhau rất chặt. Điều 1 và 2 tạo ra sự cố gắng trong gian khó và càng cố gắng như vậy, đội ngũ nhân viên càng thiện chiến trong khi công ty không phải đầu tư thêm. Điều 3 và 4 khuyến khích người ta nói ra điều mà mình nghĩ rằng mình giỏi và nói mọi lúc mọi nơi, cả với sếp, đồng nghiệp và đối tác. Thoả mãn tự ái cá nhân xong, thì chính người đó sẽ phải nỗ lực chứng tỏ mình đúng như vậy. Điều 5 là sự kết thúc của vòng lặp nói trên. Cứ bao giờ cảm thấy áp dụng mệt mỏi quá những điều đã nói thì chúng ta lại nhìn lại và thấy mình có niềm tin của mọi người trong công ty nâng đỡ và lại phơi phới leadership từ đầu!

Mỗi giá trị này đều được cụ thể hoá thành các hành vi, và tại từng bộ phận sự đánh giá các hành vi đó là cụ thể chứ không phải chung chung. Rồi liên tục mỗi kỳ họp năm, quý tháng, chúng tôi đều phải thể hiện đội nhóm của mình đã minh chứng giá trị cốt lõi của công ty qua những việc như thế nào.

Một khi đã ngấm, giá trị cốt lõi mới phát huy hết tính năng cho doanh nghiệp và nó hiển nhiên là công cụ kiếm tiền.

Đỗ Xuân Tùng – Giám đốc Công ty Tư vấn và Đào tạo Nhân Việt

Cùng chuyên mục
XEM