Có 9 loại khí chất, bạn thuộc loại nào? Hãy hiểu để biết khoan dung cho chính mình và cả người khác (P1)

11/10/2018 14:14 PM | Kinh doanh

Chủ nghĩa hoàn mĩ dễ khiến bạn tức giận, bất mãn, thất vọng, buồn chán. Hãy khoan dung một chút với bản thân và người khác, như vậy thường đem đến hiệu quả tốt hơn.

Năm 1977, hai bác sĩ người Mĩ là Alexander Thomas và Stella Chess đã xuất bản cuốn sách "Khí chất và phát triển" (Temperament and Development), trong đó tổng kết rằng: Ở trẻ sơ sinh từ 2 đến 3 tháng tuổi có thể phân biệt rõ 9 loại khí chất không giống nhau, đó là: Độ hoạt bát, tính quy luật, tính chủ động, tính thích ứng, phạm vi hứng thú, cường độ phản ứng, tình cảm, mức độ phân tâm, phạm vi lực chú ý và tính bền vững. Giáo sư tâm lí học Đại học Stanford là David Daniels thì phát hiện ra chín loại khí chất khác nhau này lại vừa khéo hòa hợp với chín loại nhân cách:

1

Thứ nhất, loại hoàn hảo. Đặc trưng của kiểu người này là không ngừng cầu toàn, luôn luôn cho rằng chỉ có sự hoàn mĩ mới được mọi người yêu mến. Họ giữ vững nguyên tắc, không thích thỏa hiệp, thường nói "nên" và "không nên", yêu ghét phân minh, có yêu cầu rất cao với bản thân và với những người xung quanh, theo đuổi sự hoàn hảo, không ngừng tiến bộ, thế giới tình cảm yếu đuối; họ luôn kì vọng mỗi một sự việc sẽ được thực hiện một cách vô cùng hoàn mĩ, hi vọng bản thân thậm chí là cả xã hội không ngừng tiến bộ; luôn luôn tự kiểm điểm bản thân, và cũng sẽ nhắc nhở, phê bình sai lầm của người khác.

Nếu bạn là người theo chủ nghĩa hoàn mĩ, bạn sẽ thường có những cảm xúc như phẫn nộ, bất mãn, thất vọng, chán nản. Yêu cầu quá cao sẽ đem đến rất nhiều áp lực cho bản thân bạn và những người xung quanh. Là người theo chủ nghĩa hoàn mĩ, bạn không nên quá khắt khe, khi muốn phê bình người khác thì hãy suy nghĩ một chút, tìm kiếm ưu điểm của đối phương và cũng nên nhìn rõ sự thực, như vậy có thể giảm bớt sự hà khắc và gay gắt của bạn.

Nếu bạn giao thiệp với kiểu người này, nên học cách tán thưởng những "tiêu chuẩn cao" của họ cũng như chú ý đến tính ổn định và cảm giác an toàn khi xây dựng mối quan hệ với họ, làm cho họ hiểu rằng bạn có thể là một người bạn và hỗ trợ và chỗ dựa đáng tin cậy. Bạn nên khen ngợi, tán dương những hành động quan tâm, vui vẻ giúp đỡ người khác của họ, bạn có thể dùng quà tặng, thiệp mừng, một cái ôm,... để biểu hiện sự tán thưởng và yêu thích của bạn với họ. 

Nếu như hẹn gặp họ nhất định phải đúng giờ. Xử lí sự việc trước mặt họ cần phải gọn gàng ngăn nắp; còn phải thẳng thắn thừa nhận sai lầm nếu có, bởi vì họ không thích thấy người khác cố chấp bảo thủ với sai lầm của bản thân. Kì thực họ "soi mói" bạn chỉ là họ muốn giúp đỡ bạn, đừng hiểu lầm. Tóm lại, khi ở bên họ, nên có thái độ tích cực và đối xử với họ một cách lễ độ.

Có 9 loại khí chất, bạn thuộc loại nào? Hãy hiểu để biết khoan dung cho chính mình và cả người khác (P1) - Ảnh 1.

2

Thứ hai, loại yêu thương vô điều kiện (thích giúp đỡ người khác). Họ luôn luôn nghĩ rằng chỉ có không ngừng giúp đỡ người khác thì mới được mọi người yêu mến. Họ khát khao có được tình yêu của người khác và những quan hệ tốt đẹp, tình nguyện chiều theo ý người khác, coi chuyện của người khác cũng là chuyện của mình, làm cho người khác cảm thấy không thể rời xa mình, nhưng lại thường xuyên coi nhẹ cảm nhận của bản thân; vô cùng để ý đến tình cảm và nhu cầu của người khác, nhiệt tình quá mức, nguyện dành hết tình yêu cho người khác, chỉ khi người khác bằng lòng đón nhận tình yêu của họ, họ mới có thể cảm thấy giá trị bản thân được thực hiện hóa. 

Họ tuy rằng hào phóng khẳng khái với người khác, nhưng lại thường coi nhẹ nhu cầu của mình, khiến bản thân gặp nhiều bất lợi; họ từ chối sự giúp đỡ từ người khác, phủ nhận những vấn đề tồn tại của bản thân và dành rất nhiều thời gian để giúp đỡ người khác, kết quả ở kiểu người này, ham muốn khống chế và chiếm hữu người khác ngày càng mãnh liệt.

Nếu bạn thuộc kiểu người này thì cần phải quan tâm đến bản thân nhiều hơn, đồng thời để ý nhiều hơn đến phản ứng tình cảm của bản thân, tạo lập được ý thức cá nhân mạnh mẽ, như vậy thì không cần thông qua giúp đỡ người khác mới cảm thấy có giá trị của bản thân.

Khi giao thiệp hoặc chung sống với kiểu người này, bạn cần để họ biết rằng, bạn ngưỡng mộ ngoại hình, thành công của họ, lại càng ngưỡng mộ lí tưởng làm cho thế giới tràn đầy tình yêu thương, làm cho thế giới ngày càng tốt đẹp của họ, họ có vị trí vô cùng quan trọng trong tim bạn. Nếu như phải phê bình họ, thì chú ý mềm mỏng một chút, nhất thiết không được nói họ không đủ lí tính, quá ấu trĩ hay quá căng thẳng, như vậy sẽ làm tổn thương họ hoặc làm họ tức giận.

3

Thứ ba, loại thể hiện. Đặc trưng điển hình của kiểu người này là luôn theo đuổi thành tựu, cho rằng chỉ có thành công mới được mọi người yêu mến. Tâm lí hiếu thắng mạnh, thích so sánh với người khác, với họ thành công là thước đo giá trị của bản thân, họ chú trọng hình tượng, cuồng công việc, sợ những cảm xúc nội tâm lộ ra ngoài; mong muốn được mọi người khẳng định; họ là những người có hoài bão. 

Họ không ngừng theo đuổi sự hiệu quả, mong muốn trổ hết tài năng, muốn được người khác ngưỡng mộ, trở thành tiêu điểm của công chúng; họ là người vô cùng hiếu thắng, rất có tiềm năng lãnh đạo; nhưng do đặc điểm tính cách nên họ lại rất sợ thất bại, chạy trốn khó khăn, mà đây lại là những điều đại kị nếu muốn đạt được thành công.

Kiểu người này cần chú ý: Bạn yêu bản thân và thích thể hiện, nhưng không được thái quá, nếu không sẽ khiến người khác phản cảm. Hơn nữa tính hiếu thắng mạnh mẽ của bạn sẽ khiến bạn rất khó có bạn thân, bởi vì bạn dường như sợ bị người khác nhìn thấy con người thực sự của mình, như vậy bạn sẽ cảm thấy cô độc. Thực tế cuộc sống vốn không có người hoàn hảo. Nếu bạn sống với con người thật của mình, bạn sẽ hạnh phúc hơn.

Giao thiệp với kiểu người này, nhất định phải khen ngợi những hành vi thành tựu và thành công của họ, thấu hiểu những nỗ lực và cố gắng của họ, thông cảm cho những hành vi cuồng công việc của họ. Họ rất mẫn cảm với những bình luận của người khác, cho nên không được tùy tiện bình luận họ "làm việc không hiệu quả" hoặc "nhanh mà ẩu", cũng không được thường xuyên nhắc đến những sai lầm đã qua của họ. Bạn có thể thể hiện tình cảm ngưỡng mộ với hiệu quả công việc cao, sự lạc quan, tự tin và năng lượng vô hạn của họ vào lúc thích hợp, đương nhiên phải biểu hiện một cách khách quan và chân thành.

Có 9 loại khí chất, bạn thuộc loại nào? Hãy hiểu để biết khoan dung cho chính mình và cả người khác (P1) - Ảnh 2.

4

Thứ tư, loại lãng mạng. Họ rất độc đáo, cho rằng độc đáo mới được mọi người yêu thích. Tình cảm, của họ dễ biến đổi, thích lãng mạn, sợ bị người khác từ chối, cảm thấy không có ai thực sự hiểu bản thân mình, có ham muốn chiếm hữu cực lớn, họ tự mình quyết định phong cách làm việc; hay nói về những việc không vui, đa sầu đa cảm, đố kị, nhạy cảm; cực kì trân trọng tình cảm của bản thân, dành tâm huyết nuôi dưỡng nó, hơn nữa thích dùng cách duy mĩ, độc đáo để thể hiện. 

Họ hy vọng có thể sáng tạo ra những hình tượng và tác phẩm độc đáo, không muốn có phong cách bình thường giống như người khác, vì vậy không ngừng phát hiện bản thân, tự kiểm điểm bản thân và khám phá bản thân.

Nếu thuộc kiểu người này, chắc hẳn bạn rất hay nghĩ về những sự việc không vui, cũng rất dễ đố kị. Đồng thời bạn cũng là người dễ bị tình cảm chi phối, dễ mất lí trí, không trách nhiệm, những điều này đều cản trở những mối quan hệ giao tiếp của bạn. Bạn thường tình cảm hóa và còn dễ lộ sự cô độc, bạn nên cẩn thận để không quá tách rời với mọi người xung quanh, dù sao bạn cũng đang sống trong thế giới hiện thực.

Để hòa hợp với kiểu người này, điều cần làm là tán thưởng sự sáng tạo, năng lực quan sát và tình cảm sâu sắc của họ, cần thường xuyên khen ngợi họ, đồng thời thể hiện sự tiếp nhận và thừa nhận những cảm giác và tình cảm của họ, nhưng cũng phải thành thật nói với họ, những tình cảm đó của họ ảnh hưởng đến bạn thế nào. 

Nếu như họ là bạn của bạn, vậy thì khi họ đề nghị còn nếu không đừng chủ động giúp đỡ họ, bởi vì họ yếu ớt và quá mẫn cảm. Nhưng là một người bạn, bạn cần để họ biết rằng thường xuyên chịu sự khống chế của những tình cảm yếu ớt là không tốt. Đối với những việc làm và hành vi của họ, bạn nên thông cảm và lượng thứ, cân nhắc kĩ trước khi phê bình, bởi vì họ sẽ cảm thấy vô cùng xấu hổ vì điều này. 

Nếu như họ muốn bạn giúp đỡ lập kế hoạch, nhất định phải cung cấp phương pháp giải quyết mà họ cảm thấy "sơ sài" nhất, để cho họ cảm thấy bản thân họ tiếp tục hoàn thiện. Khi họ cảm thấy bị tổn thương, bạn cần cổ vũ họ nên tìm hiểu rõ sự thực để tránh những hiểu lầm không cần thiết. Cuối cùng điều cần chú ý là, không nên ép buộc người sống nội tâm như họ tham gia các hoạt động xã giao.

* Trích sách "Bạn có phải cá hồi chum không?"- Tác giả An Nhã Ninh 

Mai Phương

Cùng chuyên mục
XEM