CNN: FED đang thất thế trong cuộc chiến lạm phát?

16/10/2022 17:25 PM | Xã hội

“Chỉ số lạm phát hiện nay thật là một thảm họa. Nó cho thấy dù FED đang làm gì thì cũng chưa có hiệu quả”, chuyên gia kinh tế trưởng Christopher S.Rupkey của Fwbonds nhận định.

Theo hãng tin CNN, mọi người đều cho rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cuối cùng cũng sẽ bình ổn được lạm phát, nhưng sau 7 tháng tăng lãi suất chóng mặt, tình hình vẫn không có nhiều thay đổi.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9/2022 tại Mỹ cho thấy tình hình lạm phát hiện nay không thực sự khả quan hơn tháng 3 là bao, thời điểm mà FED bắt đầu thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ.

Vào tháng 3, chỉ số CPI của Mỹ là 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Đến tháng 9/2022, con số này là 8,2%.

CNN: FED đang thất thế trong cuộc chiến lạm phát? - Ảnh 1.

Lạm phát tại Mỹ

Tồi tệ hơn, tỷ lệ lạm phát đã loại trừ thực phẩm và năng lượng (Core Inflation-tỷ lệ lạm phát cơ bản) lại là chỉ số có mức tăng mạnh nhất khi đạt 6,6% vào tháng 9 so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất kể từ năm 1982 đến nay.

“Chỉ số lạm phát hiện nay thật là một thảm họa. Nó cho thấy dù FED đang làm gì thì cũng chưa có hiệu quả”, chuyên gia kinh tế trưởng Christopher S.Rupkey của Fwbonds nhận định.

Hãng tin CNN cho biết FED đã gia tăng gấp đôi so với kế hoạch ban đầu nhằm đối phó với lạm phát, qua đó cho biết sẽ làm mọi thứ cần thiết để dứt điểm thách thức này. Bởi vậy bất chấp những thiệt hại về nhu cầu tiêu dùng cũng như tăng trưởng kinh tế, FED đã liên tục tăng lãi suất mạnh trong 7 tháng qua.

Vậy nhưng bất chấp động thái này, giá cả hàng hóa vẫn không ngừng leo thang.

Tuy nhiên FED vẫn kiên trì với chính sách hiện nay của mình và cho rằng thị trường lao động vẫn ở mức tốt của Mỹ sẽ giúp giảm áp lực từ việc nâng lãi suất khiến chi phí đi vay cao hơn.

“FED sẽ coi những báo cáo khả quan về thị trường việc làm như một giấy phép cho việc tiếp tục các động thái kiềm chế lạm phát”, CEO Jan Szilagyi của Toggle AI nhận định.

Theo CNN, chỉ số lạm phát không cao hơn dự đoán trong tháng 9 sẽ là yếu tố mới khiến FED nhiều khả năng tiếp tục nâng lãi suất trong cuộc họp tới đây. Các nhà đầu tư dự đoán có khoảng 97% rằng FED sẽ nâng tiếp 0,75% lãi suất.

Đau đớn

Lãi suất là một trong những vũ khí chủ lực của FED nhằm bình ổn giá cả nhưng chúng cũng gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Chủ tịch FED Jerome Powell gần đây đã cảnh báo việc lãi suất cho vay tăng cao sẽ tạo nên một số “đau đớn” cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Hãng tin CNN nhận định đây là một cách nói gián tiếp ám chỉ rủi ro thất nghiệp và khủng hoảng kinh tế.

CNN: FED đang thất thế trong cuộc chiến lạm phát? - Ảnh 2.

Lạm phát trên toàn cầu tính đến tháng 9/2022

Mặc dù vậy, FED vẫn chấp nhận các thiệt hại để tập trung đối phó lạm phát trước mắt. Trong bản báo cáo cuộc họp ngày 12/10 vừa qua, FED đã nêu rõ rằng thiệt hại khi hành động quá ít và để lạm phát bùng nổ vẫn lớn hơn rất nhiều so với những ảnh hưởng từ động thái nâng lãi suất kịch liệt hiện nay.

Hãng tin CNN nhận định điều này có thể dẫn đến khả năng FED chấp nhận đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái, kéo theo đó là nền kinh tế toàn cầu để bình ổn những tác động từ lạm phát gây ra nếu bắt buộc phải làm vậy. Tuy nhiên trong trường hợp nào thì người dân Mỹ cũng sẽ phải gánh chịu “đau đớn”.

Báo cáo của FED cũng cảnh báo những “đau đớn” này có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp cũng như thị trường lao động xuống dốc.

Theo FED, hàng loạt những yếu tố hiện nay, từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng đến cuộc xung đột Ukraine đã góp phần gây ảnh hưởng đến rủi ro lạm phát. Kịch bản tích cực nhất bây giờ chỉ là hạn chế số lao động thất nghiệp cũng như hạ giá hàng hóa, trong khi câu chuyện “hạ cánh mềm” là điều chắc chắn không tồn tại.

Thua trận?

Hãng tin CNN nhận định FED đang không thắng thế trong cuộc chiến với lạm phát nhưng việc nâng lãi suất có thể mất vài tháng trước khi thực sự tác động đến nền kinh tế.

Phó chủ tịch Lael Braingard của FED cho biết tác động của thắt chặt chính sách tiền tệ mới phát huy được một phần chứ chưa thể hiện hết.

Thị trường chịu ảnh hưởng nhanh nhất từ động thái nâng lãi suất của FED là bất động sản. Lãi suất mua bất động sản thế chấp, vốn rất nhạy cảm với động thái của FED, đã tăng hơn gấp đôi kể từ đầu năm nay.

Lãi suất mua nhà thế chấp 30 năm trong tuần qua tại Mỹ ở mức bình quân 6,9%, cao nhất 20 năm và cao hơn nhiều so với chỉ hơn 3% cùng kỳ năm ngoái.

CNN: FED đang thất thế trong cuộc chiến lạm phát? - Ảnh 3.

Chủ tịch FED Jerome Powell

“Chúng ta đang chứng kiến 2 mặt của nền kinh tế. Trong khi thị trường việc làm tăng trưởng tốt, mức lương đi lên khiến người tiêu dùng vẫn lạc quan thì lạm phát, nỗi lo suy thoái cùng mảng bất động sản đang đe dọa đến nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế trưởng Sam Khater của Freddie Mac cảnh báo.

Khốn khổ

Theo CNN, trong khi tầng lớp nhà giàu và trung lưu chưa cảm nhận rõ được sức ép từ lạm phát thì hàng triệu người nghèo, người nhập cư tại Mỹ đã chịu ảnh hưởng rõ rệt khi phải tốn nhiều tiền hơn cho nhu yếu phẩm.

Các báo cáo cho thấy lượng người sử dụng thẻ tín dụng ngày càng nhiều tại Mỹ do lạm phát tăng cao, trong khi lãi suất đi lên khiến việc số nợ này ngày càng lớn.

Chỉ số “Food at Home Index” đo lường giá thực phẩm tại Mỹ đã tăng 13% trong tháng trước so với cùng kỳ năm ngoái.

Chi phí nhà ở (Shelter Cost), bao gồm tiền thanh toán thế chấp nhà, thuế tài sản, phí chung cư, tiền điện, nước dịch vụ..., vốn chiếm 1/3 chỉ số CPI tại Mỹ đã tăng 6,6% trong tháng 9, mức cao nhất hơn 30 năm qua.

*Nguồn: CNN

Huyền Băng

Từ khóa:  FED , lãi suất
Cùng chuyên mục
XEM