CNBC: Nền kinh tế Mỹ đã qua thời kỳ tồi tệ nhất nhưng tương lai không mấy tươi sáng

31/07/2020 10:30 AM | Xã hội

Chuyên gia kinh tế Brusuelas của RKM cho biết lịch sử Đại khủng hoảng 1930 có thể lặp lại khi những chính sách kinh tế vấp phải nhiều lỗi lầm và khiến tác động của khủng hoảng kéo dài qua nhiều năm.

Báo cáo mới đây cho thấy GDP quý II của Mỹ có mức giảm kỷ lục trong lịch sử và theo hãng tin CNBC, thời kỳ tồi tệ nhất của nền kinh tế số 1 thế giới đã qua nhưng tương lai cũng chẳng tươi sáng hơn là bao.

Khi dịch Covid-19 mới bùng phát tại Mỹ khiến thị trường 21,7 nghìn tỷ USD này bị đình trệ trong tháng 3/2020, nhiều chuyên gia đã kỳ vọng rằng mọi chuyện sẽ qua nhanh và Mỹ sẽ hồi phục trở lại một cách nhanh chóng. Thế nhưng mọi chuyện đang dần thoát khỏi tầm kiểm soát.

Tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục trong tháng 5-6/2020 hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khi số người nộp đơn thất nghiệp tuần vừa qua tại Mỹ chưa hề có dấu hiệu giảm. Những chỉ số về tiêu dùng cũng đang khá thấp khi nhiều người Mỹ chưa thể trở lại cuộc sống bình thường.

CNBC: Nền kinh tế Mỹ đã qua thời kỳ tồi tệ nhất nhưng tương lai không mấy tươi sáng - Ảnh 1.

Trong khi đó, số ca nhiễm Sars nCov2 mới vẫn đang tăng tại nhiều bang của Mỹ khiến quan điểm về một cuộc hồi phục mạnh sau dịch Covid-19 ngày càng bị xói mòn.

"Việc mở cửa lại nền kinh tế quá sớm đang bắt đầu khiến nhiều người lo sợ do dịch bùng phát trở lại. Trong 6 tuần qua, nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu đi ngang và có dấu hiệu chững lại", Chuyên gia kinh tế trưởng Joseph Brusuelas của RSM nhận định.

Đến FED cũng không chắc chắn

Quan điểm bi quan hiện đang tràn ngập thị trường khi báo cáo cho thấy GDP quý II của Mỹ giảm kỷ lục 32,9%. Dù con số này thấp hơn dự báo nhưng vẫn cao kỷ lục trong lịch sử kinh tế Mỹ.

Trước đó phần lớn các chuyên gia kinh tế, bao gồm những tư vấn viên trong Nhà Trắng đã từng kỳ vọng số liệu quý III/2020 sẽ khả quan hơn cũng như việc nền kinh tế Mỹ sẽ hồi phục mạnh sau đà giảm của quý II. Tuy nhiên quan điểm này đang gặp phải áp lực khá lớn từ những số liệu không khả quan.

Báo cáo của Goldman Sachs cho thấy chỉ số Current Activity Index đã giảm 3,8% trong tháng 7/2020, qua đó cho thấy nền kinh tế sẽ phải vật lộn với đại dịch Covid-19 trong thời gian tới.

"Dù GDP của Mỹ có thể hồi phục lại trong quý III nhưng dịch Covid-19 vẫn sẽ là yếu tố tác động chính đến khả năng tăng trưởng ngắn hạn của nền kinh tế", báo cáo của Goldman Sachs nêu rõ.

Trước đó, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng đã giữ nguyên mức lãi suất gần 0%, đồng thời cảnh báo dịch Covid-19 sẽ tác động mạnh lên nền kinh tế, thị trường lao động và tỷ lệ lạm phát trong ngắn hạn.

Trong khi đó, những báo cáo độc lập cho thấy thị trường việc làm tại Mỹ sẽ còn chặng đường dài phải đi khi suy giảm từ mức cao kỷ lục suốt 50 năm qua vào 5 tháng trước để rồi rơi xuống mức thê thảm như hiện nay. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần qua tại Mỹ đã đạt 1,4 triệu người. Đây là tuần thứ 2 liên tiếp số đơn xin trợ cấp thất nghiệp cao đến vậy.

CNBC: Nền kinh tế Mỹ đã qua thời kỳ tồi tệ nhất nhưng tương lai không mấy tươi sáng - Ảnh 2.

Nguyên nhân cũng dễ hiểu khi hơn 20 triệu lao động Mỹ bị ảnh hưởng bởi các lệnh giãn cách và đang phải chật vật tìm kiếm thu nhập. Số người đã nhận trợ cấp thất nghiệp từ ít nhất 2 tuần trở lên tại Mỹ hiện vượt 17 triệu người.

"Có vẻ như chúng ta đang chứng kiến sự giảm tốc tăng trưởng. Xu thế này có thể kết thúc trong ngắn hạn hoặc không, điều này liên quan đến số ca nhiễm dịch kể từ giữa tháng 6 đến nay tại Mỹ…Hoạt động kinh tế Mỹ có thể vẫn mạnh nhưng thú thật chúng tôi cũng không chắc chắn cho đến khi nhìn thấy được nhiều số liệu hơn", Chủ tịch Jerome Powell của FED thừa nhận.

Số liệu về thu nhập cá nhân và thị trường tiêu dùng của Mỹ sẽ sớm được công bố, trong khi số liệu về thị trường việc làm phi nông nghiệp trong tháng 7/2020 sẽ được báo cáo vào tuần tới.

Tranh cãi về thị trường việc làm

Về báo cáo thị trường việc làm phi nông nghiệp tháng 7/2020, FactSet dự đoán Mỹ sẽ tăng khoảng 2 triệu việc làm. Con số này tương tự với dự báo của RBC Capital Markets nhưng Capital Economics lại cho rằng chỉ khoảng 1 triệu việc làm mới được tạo ra trong tháng 7/2020.

Tuy nhiên, con số này là quá nhỏ bé so với 4,8 triệu việc làm mới trong tháng 6/2020 và 17,8 triệu lao động Mỹ dự đoán bị mất việc trong tháng 7.

"Tôi cho rằng thị trường lao động sẽ chẳng thể quay lại được như thời kỳ trước dịch cho đến tận năm 2023 hoặc 2024. Chặng đường còn phải đi là không hề dễ dàng", Chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế trưởng Aneta Markkowska dự đoán thị trường lao động Mỹ có lẽ sẽ mất khoảng 4 năm mới khôi phục lại được.

Trong khi FED đang giữ lãi suất gần 0% và tích cực thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ cũng như mua vào trái phiếu thì Nghị viện Mỹ vẫn đang tranh luận nên tung thêm bao nhiêu tiền ra thị trường để cứu nền kinh tế.

CNBC: Nền kinh tế Mỹ đã qua thời kỳ tồi tệ nhất nhưng tương lai không mấy tươi sáng - Ảnh 3.

Chuyên gia kinh tế Brusuelas của RKM cho biết lịch sử Đại khủng hoảng 1930 có thể lặp lại khi những chính sách kinh tế vấp phải nhiều lỗi lầm và khiến tác động của khủng hoảng kéo dài qua nhiều năm.

Chủ tịch Powell của FED đã liên tục nhắc nhở rằng họ đã làm mọi thứ có thể và cần thêm sự trợ giúp từ Nghị viện Mỹ.

"FED đã làm mọi thứ có thể…Hiện chỉ còn tùy vào các nhà hoạch định chính sách để có thể giữ nền kinh tế ở mức tốt nhất có thể cũng như đưa thị trường lao động hồi phục trở lại", Chuyên gia Zandi của Moody nói.

AB

Cùng chuyên mục
XEM