Chuyện về nữ tác giả bí ẩn nhất Hồng Kông, người đứng sau thành công của những kiệt tác: Bá Vương Biệt Cơ, Thanh Xà, Sinh Tử Kiều, Yên Chi Khâu,...
Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, cái tên Lý Bích Hoa đã trở nên nổi tiếng trong giới văn học Hồng Kông.
Ngày 24/5/1993, phim điện ảnh "Bá Vương Biệt Cơ" đã thắng giải Cành cọ vàng, giải thưởng cao nhất của Liên hoan phim Cannes lần thứ 46.
"Bá Vương Biệt Cơ" đã giành được 38 giải thưởng quốc tế và được xếp vào danh sách 100 phim điện ảnh hay nhất thế giới của Mỹ.
Năm 1979, tác giả Lý Bích Hoa đã viết nên cuốn tiểu thuyết "Bá Vương Biệt Cơ" dựa trên cốt truyện của vở Kinh kịch cùng tên.
Hai năm sau, cuốn tiểu thuyết được cải biên thành phim truyền hình, vì đánh giá cao Trương Quốc Vinh, Lý Bích Hoa đã ra sức giới thiệu anh cho đạo diện nhưng phía Trương Quốc Vinh đã từ chối tham gia.
Đến tháng 4/1988, một người trong giới đã giới thiệu cuốn tiểu thuyết này cho nhà sản xuất Từ Phong. Ngay lập tức bà liên hệ với Lý Bích Hoa và đề nghị mua bản quyền chuyển thể phim.
Lý Bích Hoa chấp nhận bán bản quyền với điều kiện được quyền chọn diễn viên. Bà kiên quyết phải mời Trương Quốc Vinh đảm nhận vai diễn Trình Điệp Y cho bằng được. Và Trần Khải Ca đã trở thành đạo diễn của dự án này.
Trước khi hoàn thành kịch bản phim, Trần Khải Ca hẹn gặp Trương Quốc Vinh tại một khách sạn ở Hồng Kông và cả 2 đã có một cuộc nói chuyện sôi nổi.
Kết thúc cuộc gặp gỡ, Trương Quốc Vinh đã hào hứng đứng dậy: "Cảm ơn anh đã kể chuyện này, tôi chính là Trình Điệp Y".
Ảnh hậu trường phim Bá Vương Biệt Cơ.
Sau chiến thắng của "Bá Vương Biệt Cơ", Trần Khải Ca luôn xem Lý Bích Hoa là người có đóng góp nhiều thứ 2 cho dự án này.
Tác giả Lý Bích Hoa sinh năm 1959 trong một đại gia đình ở Hồng Kông. Nhiều câu chuyện buồn vui ly hợp xảy ra xung quanh đã trở thành nguồn cảm hứng phong phú của bà.
Thời đi học, những quan điểm và lý luận sắc sảo của Lý Bích Hoa luôn khiến giáo viên kinh ngạc.
Lý Bích Hoa lúc nhỏ (phải).
Thời điểm đó, bà thường viết bài cho "Nhật báo Học sinh Trung Quốc" và "Gia đình hạnh phúc". Đến năm 1976, Lý Bích Hoa trở thành ký giả của tờ "Nguyệt san Văn Quý" và "Nhật báo Phương Đông".
Trong khoảng thời gian này, bà cũng bắt đầu viết tiểu thuyết. Các tác phẩm lần lượt ra đời và trở thành kiệt tác kinh điển như "Bá Vương Biệt Cơ", "Thanh Xà", "Dụ Tăng", "Giảo Tử", "Sinh Tử Kiều", "Yên Chi Khâu",...
Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, các tên Lý Bích Hoa đã trở nên nổi tiếng trong giới văn học Hồng Kông.
So với các tác giả khác, các nhân vật của Lý Bích Hoa không phải là một người Trung Quốc truyền thống và nhân nghĩa đạo đức cũng không phải là chủ đề chính trong tác phẩm của bà.
Có người từng nói: "Lý Bích Hoa và phim điện ảnh của Lý Bích Hoa ghi lại vẽ đẹp của thời đại", trên thực tế còn viết ra sự ấm áp và lạnh lẽo của tình yêu cùng sự ảo tưởng của con người và số mệnh.
Năm 1988, "Yên Chi Khâu" được chuyển thể do Quan Cẩm Bằng làm đạo diễn và Trương Quốc Vinh đảm nhận vai chính. Bộ phim này đã là cơ hội khiến Lý Bích Hoa và Trương Quốc Vinh trở thành bạn bè thân thiết.
Lý Bích Hoa chụp ảnh cùng Trương Quốc Vinh, Trần Khải Ca và Trương Phong Nghị.
Phim điện ảnh "Yên Chi Khâu" đã giành được nhiều giải thưởng Kim Mã và Kim Tượng. Cá nhân Lý Bích Hoa đã nhận được giải thưởng Kịch bản hay nhất Kim Tượng và Kịch bản chuyển thể hay nhất Kim Mã.
Là một tài năng nổi tiếng trong giới văn học nhưng Lý Bích Hoa lại là một người phụ nữ cực kỳ bí ẩn. Bà từng nói: "Đừng tò mò về diện mạo của tôi, tôi là kiểu người không dễ nhận ra khi đứng giữa đám đông".
Trong mắt những người đã từng liên lạc với Lý Bích Hoa, bà là một phụ nữ mạnh mẽ, tự giấu kéo trong ba lô để tự vệ.
Bà không bao giờ xem ti vi, cũng hiếm khi nhận lời phỏng vấn hay họp mặt với đạo diễn. Thỉnh thoảng, bà hay lén đến địa điểm tuyên truyền và đi dạo khắp sự kiện mà không ai nhận ra.
Mặc dù bà là tác giả của các kiệt tác văn học mang nhiều mối tình thù đan xen nhưng trên thực tế, bà có một cuộc hôn nhân bình thường như bao người khác. Bà cũng có tài nấu nướng khá tốt.
Những tác phẩm của bà luôn mang đến những ấn tượng kỳ lạ nhưng bà lại là người thích cuộc sống bình thường ít thăng trầm.