Chuyện về công ty "quyết định" số lượng xăng E5 ở Việt Nam

07/05/2018 20:23 PM | Xã hội

Theo Bộ Công thương, tổng nhu cầu E100 để pha chế xăng E5 trong năm 2018 ước tính đạt khoảng 267.850 m3, cao gấp 9 lần năm 2017 sau quyết định ngừng lưu thông xăng RON 92. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hầu hết lượng E100 hiện nay chỉ do một công ty cung cấp.

Kể từ 1/1/2018, xăng RON 92 sẽ ngừng lưu hành trên toàn quốc và được thay thế bằng xăng E5 RON 92. Đây là lý do khiến nhu cầu cồn sinh học (ethanol - E100) dùng để phối trộn xăng E5 dự kiến tăng đột biến trong năm 2018.

Xăng E5 là nhiên liệu chứa 95% thể tích xăng truyền thống và 5% thể tích cồn sinh học. Đối với sản phẩm xăng E5 RON 92 đang được phân phối trên thị trường, phần xăng truyền thống là xăng RON 92. Cồn sinh học được sản xuất, nhập khẩu từ các nhà máy sản xuất khác. Sau quá trình phối trộn xăng RON 92 và cồn sinh học mới có được sản phẩm E5 RON 92.

Theo ước tính vào cuối năm 2017 của Bộ Công thương, tổng lượng nhu cầu E100 để pha chế xăng E5 RON 92 trong năm 2018 sẽ đạt khoảng 267.850 m3. Con số này cao gấp hơn nhiều lượng E100 đã sử dụng trong năm 2016 (29.500 m3), lúc xăng RON 92 chưa bị ngừng phân phối tại các trạm bán lẻ xăng dầu.

Tuy nhiên, trong 2 tháng đầu năm 2018, cả nước tiêu thụ 593.000 m3 xăng E5 RON 92, chiếm 42% tổng lượng xăng tiêu thụ. Lượng E100 cần thiết để pha chế số xăng này là khoảng 29.650 m3, tương đương 1/9 kỳ vọng.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngoài lượng ethanol nhập khẩu, chỉ có 1 doanh nghiệp đang sản xuất và cung cấp E100. Đơn vị này là Công ty TNHH Tùng Lâm, hiện đang sở hữu 2 nhà máy sản xuất ethanol tại Đồng Nai và Quảng Nam.

Nhà máy thứ nhất có công suất 60.000 tấn ethanol/năm đặt tại Đồng Nai. Nhà máy này được khởi công năm 2007 và hoạt động vào năm 2010.

Nhà máy thứ hai có công suất 100.000 tấn ethanol/năm đặt tại Quảng Nam. Đây là cơ sở được Công ty TNHH Tùng Lâm mua lại vào năm 2015. Trước đó, nhà máy đã từng là tài sản của Công ty cổ phần Đồng Xanh trước khi bị bàn giao lại cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) để xử lý nợ. Việc không tiêu thụ sản phẩm đã khiến nhà máy phải hoạt cầm chừng, thua lỗ và đóng cửa sau 15 tháng hoạt động (4/2011-7/2012). Năm 2017, Công ty TNHH Tùng Lâm đã đầu tư sửa chữa thành công dây chuyển sản xuất han gỉ và tái khởi động lại nhà máy.

Với hai nhà máy trên, Công ty TNHH Tùng Lâm có thể sản suất tối đa 200.000 m3 ethanol/năm, đủ để phối trộn 3,9 triệu m3 xăng E5/năm.

Trong khi đó, cả nước chỉ tiêu thụ 593.000 m3 xăng E5 RON 92 vào 2 tháng đầu năm 2018. Lượng E100 cần thiết để pha chế số xăng này là khoảng 29.650 m3. Nếu việc tiêu thụ xăng E5 RON 92 trong cả năm 2018 tiếp tục diễn biến như 2 tháng đầu năm, lượng xăng E5 RON 92 bán ra sẽ đạt mức 3.558.000 m3. Nhu cầu E100 để pha chế xăng sinh học là khoảng 177.900 m3. Những con số này thấp hơn mức sản lượng tối đa Công ty TNHH Tùng Lâm có thể cung cấp.

 Chuyện về công ty quyết định số lượng xăng E5 ở Việt Nam  - Ảnh 1.

Nhà máy sản xuất ethanol Quảng Nam từng nằm trong nhóm 3 nhà máy ethanol lớn nhất Đông Nam Á.

Công ty TNHH Tùng Lâm cũng đã điều chỉnh tăng giá bán ethanol tới gần 6% trong 1 năm qua. Cụ thể: giá ethanol trong nửa đầu 2017 là 13.700-13.800 đồng/lít đã tăng lên 14.200 đồng/lít (10/2017) và chạm mức 14.488 đồng/lít (hiện tại). Nguyên nhân của việc này được giải thích là do giá sắn nguyên liệu đã tăng thêm 2.000 đồng/kg (từ 3.600 đồng/kg lên 5.600 đồng/kg).

Thực tế, nhà nước không ngăn cản hoạt động nhập khẩu ethanol để phối trộn xăng sinh học. Nhưng mới chỉ có 3 lô ethanol cập cảng trong 2 tháng đầu năm 2018. Phần lớn ethanol được cung cấp bởi Công ty TNHH Tùng Lâm. Nếu việc tiêu thụ xăng E5 RON 92 không diễn ra đột biến, nhu cầu E100 trong cả năm 2018 hoàn toàn nằm trong khả năng cung ứng của 2 nhà máy của Tùng Lâm đặt tại Đồng Nai và Quảng Nam.

Theo DQ

Cùng chuyên mục
XEM