Chuyển từ làm máy ảnh sang buôn mỹ phẩm, công ty này đã thoát ra khỏi sự bảo thủ của người Nhật và sống khỏe trong thời kỳ kỹ thuật số

22/02/2017 08:30 AM | Kinh doanh

Kodak, Toshiba...đã chết, hoặc ngắc ngoải, vì sự bảo thủ của người Nhật. Tuy nhiên, Fujifilm lại không hề như vậy...

Từ câu chuyện của một nhân viên mẫn cán cho đến sự chuyển mình của một gã khổng lồ

Vốn là một nhà khoa học đã sống với làm việc cho Fujifilm cả 1/5 đời người, bà Tomoko Tashiro là người được tín nhiệm giao nhiệm vụ phát triển công nghệ về giấy in ảnh màu. Lúc đó, gắn với những thứ đã tồn tại gần 70 năm của đế chế sản xuất máy ảnh phim này, tất cả những thứ bà biết chỉ là phim, ảnh màu, buồng chiếu... hay nhiều lắm là cách vận hành của một chiếc máy ảnh.

Tuy nhiên, ngay khi trở lại làm việc sau đợt nghỉ thai sản hồi năm 2005, bà đã rất bất ngờ khi được hỏi liệu mình có muốn tham gia làm việc cho một liên doanh mỹ phẩm cũng của Fujifilm hay không.

“Tôi bị sốc. Lúc đó tôi không chắc liệu dự án có thể được hoàn tất hay không. Mọi người đều lo lắng không biết một hãng công nghệ như thế này có thể làm tốt trong mảng mỹ phẩm và thực phẩm bổ sung hay không”, bà Tashiro chia sẻ.

Câu chuyện của bà Tashiro chỉ là đơn cử trong nhiều câu chuyện khác diễn ra tại Fujifilm thời điểm hơn chục năm trước. Từng là nhà sản xuất nổi tiếng với phim chụp ảnh và máy ảnh, hãng Fujifilm giờ đây đã trở thành một công ty phát triển mạnh trong lĩnh vực y tế và mỹ phẩm, qua đó sống "rất khỏe" trong thời đại kỹ thuật số này.

Gã khổng lồ "không bảo thủ" ở xứ Mặt trời mọc

Ý chí chuyển mình quyết liệt và sự thích ứng nhanh với thay đổi của thị trường chính là những gì đã giúp Fujifilm - "gã khổng lồ” trong lĩnh vực nhiếp ảnh sử dụng phim ở xứ Mặt trời mọc - sống và phát triển mạnh trong thời đại kỹ thuật số.

Sự tồn tại này của Fujifilm đã lại càng có ý nghĩa khi mà một đối thủ khác trực tiếp của hãng này là Kodak đã phải nộp đơn phá sản cách đây 5 năm. Không chỉ Kodak, ngày nay người ta cũng chứng kiến một loạt các "ông lớn công nghệ trong quá khứ" của Nhật Bản lần lượt gặp khó khăn như Sharp, Sony, Toshiba...

Kẻ giết Kodak, Toshiba, Sharp, Sony... không ai khác ngoài sự bảo thủ và chậm cải tiến của các hãng Nhật Bản. Còn Fujifilm, họ không như vậy. Fujifilm đã thể hiện tính năng động một cách vượt trội của mình so với các hãng cùng thời.

Dù là ông kẹ trong mảng máy ảnh phim suốt mấy chục năm, khi làn sóng kỹ thuật số mới có những dấu hiệu nhen nhóm vào năm 1980, hãng đã rất nhanh trong việc đi tắt đón đầu, khi đã bắt đầu cung cấp máy X-quang kỹ thuật số cho các bệnh viện.

Vị giám đốc hiện tại là ông Komori đã cho biết rằng vào thời điểm đó, doanh nghiệp này đã tiên đoán được làn sóng kỹ thuật số trong tương lai của công nghệ. Từ đó, Fujifilm đã quyết định không từ bỏ công nghệ kỹ thuật số, bất chấp thực tế rằng việc đeo đuổi mảng công nghệ này từ những năm 80 thế kỷ trước - lúc mà máy ảnh phim vẫn còn thịnh hành - sẽ gây thiệt hại cho chính tầm nhìn của hãng.

Dù lo lắng là vậy nhưng rút cục thời đại kỹ thuật số vẫn chưa thực sự đến vào thập niên 1980. Thị trường phim chụp ảnh vẫn tiếp tục phát triển sau đó và Fujifilm vẫn là một tên tuổi lớn. Còn nhớ, đến năm 2001, 2/3 lợi nhuận của doanh nghiệp này vẫn đến từ phim chụp ảnh.

Những năm khó khăn đầu tiên của kỷ nguyên kỹ thuật số

Thời đại kỹ thuật số thực sự cuối cùng cũng đã đến.

Năm 2003 là thời điểm khó khăn nhất trong lịch sử tồn tại của Fujifilm. Doanh số phim chụp ảnh của hãng đã giảm 1/3 trong chưa đầy một năm. Chỉ trong sáu tháng, từ chỗ bán được 5.000 cuộn phim một ngày, các cửa hàng của hãng chỉ còn bán được chưa đến 1.000 cuộn. Thị trường đem lại 2/3 lợi nhuận cho Fujifilm dường như đã biến mất trong chớp mắt.

Thêm vào đó, thời điểm này đã xuất hiện một công nghệ đột phá mới: điện thoại di động. Yếu tố này đã cách mạng hóa nhiếp ảnh kỹ thuật số. Các bức ảnh kỹ thuật số trở nên rẻ hơn và dễ làm ra hơn. Các trang mạng xã hội Facebook, Twitter và Instagram trở thành những cái tên tiên phong mới trong làng nhiếp ảnh giữa lúc doanh số smartphone tăng vọt.

Thay đổi mạnh là điều Fujifilm cần vào ngay lúc đó. Quyết định đầu tiên của hãng đã diễn ra ở các cơ sở sản xuất phim chụp ảnh khi đã cắt giảm khoảng 5.000 việc làm. Nhờ đó, hơn 5 tỷ USD chi phí đã được tinh gọn.

Tuy nhiên công ty này vẫn phải đối mặt với một bài toán khó: thu nhập mới sẽ tạo ra từ đâu ?

Làm mỹ phẩm theo cách sản xuất máy ảnh phim - Hiệu quả không ngờ tới

Năm 2005, 2006, ông Komori khi mới trở thành CEO đã bắt đầu đưa ra kế hoạch mang tính thay đổi cho Fujifilm. Theo đó, gã khổng lồ trong ngành máy ảnh chụp phim ngày nào sẽ đa dạng hóa sản phẩm của mình vào các ngành công nghiệp dược phẩm, y tế và mỹ phẩm.

Fujifilm lúc đó có một niềm tin, dù vẫn còn chưa rõ ràng rằng, việc áp dụng sự am hiểu của mình về công nghệ phim đã tích lũy mấy chục năm vào lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm là hoàn toàn có thể.

Điều đó hóa ra là đúng. Các chuyên gia nhận định rằng: "Với cùng hóa chất, cùng quy trình như nhau, nếu chúng có thể giúp ngăn chặn sự phai màu trên ảnh chúng cũng có thể ứng dụng trên da, qua đó, giúp bảo vệ da khỏi nhăn nheo và biến sắc"

Nói là làm, năm 2007, Fujifilm cho ra mắt Astalift, một dòng sản phẩm chăm sóc da công nghệ cao. Ngay sau đó, công ty chế tạo thành công một loại kem mà da con người dễ dàng hấp thụ. Với những sản phẩm như thế này, mảng mỹ phẩm và chăm sóc sức khỏe giờ đây đóng góp cho Fujifilm tới 3,4 tỷ USD doanh thu mỗi năm.

Vậy cuối cùng, bí quyết của Fujifilm là gì?

Đó chính là việc công ty này đã tích lũy được khoảng 20.000 hợp chất hóa học sau gần một thập niên nghiên cứu. Điều đáng nói hơn, tất cả những hợp chất này đều từng được nghiên cứu, phát triển cho phim chụp ảnh trước đây. Giờ đây, chúng trở thành một thành phần không thể thiếu cho bộ phận sản xuất dược phẩm và mỹ phẩm của gã không lồ máy ảnh phim trong quá khứ.

Fujifilm sống sót nhờ bán mỹ phẩm

Vũ Hán

Cùng chuyên mục
XEM