img
Chuyện tình Việt - Triều chấn động thế giới: 'Tôi là lãnh tụ của cuộc cách mạng tình yêu' - Ảnh 1.

Năm 2002, một người bạn của tôi báo tin, phía ta sắp có đoàn sang thăm Triều Tiên, do Chủ tịch nước Trần Đức Lương dẫn đầu. Ngày 2/5 đoàn lên đường.

30/4 biết tin, tôi lập tức viết 2 lá thư gửi Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên. Bức thư gửi ông Nguyễn Dy Niên, tôi nhờ bố tôi gửi đi, thư gửi ông Trần Đức Lương, tôi định nhờ ông Quang Anh, thư ký đối ngoại của ông Lương đưa.

Tôi cùng một người bạn đến nhà ông Quang Anh sáng 30/4 thì ông ấy đi vắng. Sáng hôm sau, chúng tôi lại đến. Ông Quang Anh trầm ngâm bảo: "Triều Tiên khó lắm cậu ạ!". Nói đoạn, ông chìa cho tôi xem lịch trình làm việc, nội dung hội đàm đã được duyệt trước, khẳng định là không thêm bớt được gì.

Ông ấy dỗ: "Cậu cố chờ thêm ít năm nữa!". Tôi nói luôn: "Em chờ đến nay là 31 năm rồi, anh ạ!". Để ông ấy yên tâm, tôi nói thêm: "Việc này đã báo cáo với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao rồi.". Lúc ấy, ông anh tôi mới nói: "Vậy để Bộ Ngoại giao đề xuất, chúng tôi sẽ ủng hộ cậu.".

Tôi lại đến nhà ông bạn khác là Vụ phó Vụ châu Á làm phiên dịch đoàn đó, nhờ ông ấy giúp thêm. Ngày 5/5 đoàn về, tôi đến hỏi tin thì được ông bạn thuật lại: Ngay trên máy bay, ông Nguyễn Dy Niên đã trực tiếp báo cáo việc của tôi tới tai Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

Khi sang đến Triều Tiên, ông Niên đã đưa chuyện chúng tôi vào hội đàm 2 nước ở mục cuối cùng: Nhân đạo. Chủ tịch nước đích thân hỏi vợ cho tôi. Phía Triều Tiên nói sẽ hội ý rồi trả lời sau.

Chuyện tình Việt - Triều chấn động thế giới: 'Tôi là lãnh tụ của cuộc cách mạng tình yêu' - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương hội đàm với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il trong chuyến công du năm 2002. Ảnh: TTXVN

Tháng 9 năm 2002, tôi đang ở Hàn Quốc, dẫn đội xe đạp Hà Nội đi tập huấn và thi đấu giải. Tự dưng đêm nọ nằm mơ, tôi thấy người mẹ đã khuất cứ đứng nhìn mình mà không thấy bà nói gì. Sốt ruột, tôi mua vé máy bay về nhà.

Vừa đến nơi thì bạn tôi bên Bộ Ngoại giao tìm gặp báo tin: Đại sứ Triều Tiên lên Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi công hàm phê chuẩn việc kết hôn của tôi. Bộ Ngoại giao cũng gửi công hàm xuống Sở Thể thao để làm thủ tục cho tôi sang đón vợ.

Chưa kịp mừng thì anh bạn tôi bên Bộ Tư pháp cảnh báo, Mỹ vừa tuyên bố Triều Tiên - Iraq - Iran là trục ma quỷ, đang chuẩn bị đánh Iraq. Tôi tự nhủ, nếu không nhanh, nhỡ Triều Tiên có liên đới gì, việc của tôi có thể bị đình lại.

Tôi ra lấy vé, ngày 1/10 đi Triều Tiên luôn. Đại sứ biết tin thì giãy nảy: "Không được, đồng chí làm thế không được. Phía bên kia đồng ý rồi nhưng phải chờ gửi giấy mời, đồng chí mới đi chứ!". Tôi kệ. Tôi không thể chờ thêm được nữa.

Chuyện tình Việt - Triều chấn động thế giới: 'Tôi là lãnh tụ của cuộc cách mạng tình yêu' - Ảnh 3.

Ông Phạm Ngọc Cảnh - người đã chờ 31 năm để thực hiện lời hứa tuổi thanh xuân. (Ảnh: Thế Đại)

Ông đại sứ nghĩ một lúc, gật gù, bảo thôi đồng chí cứ đi, rồi dặn sang đấy phải làm đám cưới ở nhà gái trước, bảo tôi chuẩn bị các sính lễ, thuốc lá, rượu chè mang sang. Tôi đi may cho Yong Hui bộ vest, mua giày, chuẩn bị mì ăn liền, thuốc bổ, thuốc bệnh đi đường rồi một mình sang Triều Tiên đón dâu.

Có mấy anh bạn muốn đi cùng cho vui, nhưng ai làm giấy mời cho mà có visa. Đi Triều Tiên khó lắm!

Tôi sang tối thứ bảy, được đưa về sứ quán ở. Đến thứ hai, Đại sứ đưa tôi sang Bộ Ngoại giao Triều Tiên, đề nghị họ tạo điều kiện sớm cho tôi và Yong Hui gặp nhau. Vụ Lãnh sự bảo cứ chờ rồi địa phương người ta tự đưa người lên.

15 ngày không biết tin tức gì, đến ngày thứ 16 thì nghe tin cô ấy đã tới, đang ở khách sạn Thanh Niên ở ngay thủ đô. Tối đó, Đại sứ đưa tôi sang gặp. Chúng tôi không nói năng gì, chỉ nhìn nhau, ôm nhau mà khóc. Tôi chỉ sợ hớ lời, nhỡ họ phật ý thì mệt.

Gặp nhau chốc lát, Yong Hui cứ ở khách sạn, tôi cứ ở đại sứ quán mình, đợi thủ tục giấy tờ và đám cưới. Đám cưới nhà gái tổ chức đơn giản trong đại sứ quán của ta, có bánh kẹo, thuốc lá tôi mang sang. 5kg thịt bò, 5kg thịt lợn tôi mang sang biếu, các đại sứ chưa dùng đến, tặng lại cho chúng tôi làm tiệc.

Chuyện tình Việt - Triều chấn động thế giới: 'Tôi là lãnh tụ của cuộc cách mạng tình yêu' - Ảnh 4.

Đám cưới của ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Ri Yong Hui. (Ảnh: NVCC)

23/10, chúng tôi lên tàu về nước. Yong Hui bấy giờ mới kể, khi cơ quan Quốc hội cử người xuống đón, không thấy tôi đâu, cô ấy rất sợ hãi. Yong Hui không dám nhận lời cùng họ đi lên Bình Nhưỡng.

Cô ấy bảo: "Giờ tôi già rồi, tôi không đi đâu cả.". Người ta đáp: "Cô phải đi lấy chồng ở Việt Nam, đây là yêu cầu của Nhà nước, yêu cầu của Tổ quốc.". Nghe thế, cô ấy mới đồng ý đi, vì không thể trái lệnh của Tổ quốc được.

Khi đón vợ sang được Việt Nam, cô ấy đã mãn kinh rồi, tuổi thanh xuân đã rụng rơi từ lâu. Chúng tôi không thể có con, âu đó cũng là cái giá phải trả để được ở bên nhau.

Chuyện tình Việt - Triều chấn động thế giới: 'Tôi là lãnh tụ của cuộc cách mạng tình yêu' - Ảnh 5.

Trong suốt 31 năm xa cách, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc dừng yêu cô ấy, chưa bao giờ nghĩ đến việc tìm người khác. Tôi quyết cưới Yong Hui bằng mọi giá. Vì đã hẹn ước rồi.

Trước có phóng viên "chất vấn" tôi, rằng năm tôi được cử đi học, nước mình đang kháng chiến, sao tôi lại dám yêu đương. Tôi thừa nhận việc ấy bị cấm, nhưng cũng nghĩ, người với người sống để yêu nhau. Chúng tôi chỉ yêu nhau thôi, có làm gì sai trái?

Tôi vẫn về cống hiến cho đất nước, cho Tổ quốc thân yêu của tôi. Tôi không bỏ gia đình, và cũng không bỏ người yêu tôi. Chẳng phải đích đến cuối cùng của con người là đạt tới hạnh phúc sao? Tôi không muốn những rào cản ngăn mình hạnh phúc, ngăn mình yêu và cưới Yong Hui.

Chuyện tình Việt - Triều chấn động thế giới: 'Tôi là lãnh tụ của cuộc cách mạng tình yêu' - Ảnh 6.

Ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Ri Yong Hui thời thanh niên. (Ảnh: NVCC)

Thời thanh niên của chúng tôi, nhất là hội sinh viên học ở Nga về thường bảo nhau, con gái đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn xứng đáng được đắp tượng vàng. Cô ấy kết hôn với một giáo sư Liên Xô, là người khai thông được tuyến tình cảm không biên giới.

Sinh viên Việt Nam thời chúng tôi được cử ra nước ngoài học, có nhiều mối tình nhưng đành chia tay trong câm lặng. Ngay cả bố tôi, mấy lần nhìn thấy thư Yong Hui gửi sang cũng dặn dò, nếu có mối quan hệ với người nước ngoài thì phải báo cáo tổ chức. Thời đó, quốc gia nào cũng nhạy cảm với người nước ngoài.

Chúng tôi yêu nhau trong bí mật. Tôi đã ngụy trang thành công với cả Việt Nam và Triều Tiên, có lẽ là nhờ xem truyện tình báo của Liên Xô rồi đưa ra áp dụng các chiêu thức.

Lần cuối tôi gặp Yong Hui, trước khi hai đứa cách xa gần 30 năm, ấy là năm 1978, khi tôi được cử sang Triều Tiên học trong chương trình trao đổi sinh viên. Sang 3 tháng, nhưng tôi chỉ gặp được cô ấy 2 lần, phần vì lịch làm việc kín mít, phần vì nhà cô ấy khá xa nhà máy.

Tôi viết cho cô ấy một bức thư gửi vào hòm thư, hẹn: "Chủ nhật tới, khoảng 12h trưa, em hãy đến cửa hàng miến ngay sát khách sạn tôi ở. Tôi sẽ đứng ở trên chờ và nhìn xuống. Nếu thấy em đến, tôi sẽ ra gặp.". Nhưng thư gửi đi rồi mà không có hồi âm, và chủ nhật đó cô ấy cũng không đến.

Tôi xuống tận nhà, trực tiếp hỏi mới biết hơn 1 tuần thư mới đến nên, khi đó đã qua ngày hẹn rồi. Tôi lại hẹn cô ấy chủ nhật tuần sau. Lần này, chúng tôi được hẹn hò riêng tư.

Tôi lẻn khỏi khách sạn, ra gặp Yong Hui, hai đứa sóng đôi đi cùng nhau trên phố trong lặng im. Khi thấy an toàn, chúng tôi tạt vào một chung cư cũ ven đường, đứng nói chuyện với nhau.

Tôi lấy cho nàng xem lá thư tôi viết cho vợ ông Kim Nhật Thành, kể chuyện của tôi và đề nghị bà cho phép tôi được yêu nàng. Cô ấy bảo: "Thôi nhé, lá thư này nhất định không được gửi đi.". Tôi hiểu, Yong Hui sợ chuyện chúng tôi lộ ra, chuyện của chúng tôi sẽ không thành.

Chuyện tình Việt - Triều chấn động thế giới: 'Tôi là lãnh tụ của cuộc cách mạng tình yêu' - Ảnh 7.

Ông Cảnh rưng rưng khi kể lại lần gặp nhau năm 1978 trên đất Triều Tiên. (Ảnh: Thế Đại)

Tôi cũng chỉ bức xúc và viết thế thôi chứ cũng không dám gửi. Cô ấy nhìn vào mắt tôi, khẽ hỏi: "Thế đồng chí định thuyết phục Nhà nước tôi à?". Tôi không trả lời được câu hỏi ấy. Nếu không tìm cách thuyết phục thì mình còn làm được gì nữa? Tôi chỉ là một cá nhân bé nhỏ, lại sống ở nước ngoài cách cô ấy quá xa.

Yong Hui thoáng buồn, bảo tôi rằng, cứ yêu nhau thế này thì cô ấy già mất. Tôi bảo không sao, già nhưng sau này vẫn trở thành người của tôi là được rồi. Yong Hui tin lời ấy, và đã đợi tôi suốt ngần ấy năm.

Từ khi về nước, tôi vẫn tìm đủ cách để liên lạc với người yêu và vận động cho đám cưới không tưởng trở thành hiện thực.

Năm 1992, tôi xin đi cùng đoàn Taekwondo của thể thao Hà Nội sang Bình Nhưỡng thi giải thế giới. Trước khi đi, tôi có đến chơi với hai ông thầy của đoàn thể thao Triều Tiên, nhà ở phố Cát Linh.

Ở đó, tôi gặp một người bạn của hai ông ấy, làm bên Bộ Ngoại giao Triều Tiên (tạm gọi là ông A.) và có kể chuyện tình yêu của mình cho họ nghe. Ông A. bảo: "Hôm tổ chức giải, đồng chí cứ sang, tôi không hứa gì nhiều, nhưng sắp xếp cho hai đồng chí gặp nhau thì tôi làm được.".

Tôi nghe vậy mừng lắm, về nhà chuẩn bị quà cáp cho Yong Hui, mẹ và em gái cô ấy. Rồi tôi đi vận động tài trợ, lo kinh phí, hậu cần cho đoàn. Hồi ấy biên giới còn đóng, chúng tôi là đoàn đầu tiên đi qua biên giới Trung Quốc, anh em còn dặn nhau phải đi thẳng hàng, không đi chệch ra khỏi vệ cỏ vì sợ bom mìn còn sót lại. Đến Bắc Kinh, chúng tôi nghỉ 2 hôm rồi bắt tàu đi Bình Nhưỡng.

Sang đến nơi, tôi đề nghị được gặp ông A nhưng không tìm được. 3 tuần ở Bình Nhưỡng, tôi như ngồi trên đống lửa vì không có thời gian hay giấy tờ gì mà ra được Hàm Hưng tìm Yong Hui.

Ngày cuối ở đó, tôi kể chuyện mình cho các bạn Triều Tiên dẫn đoàn nghe, cho họ xem cả thư của vợ tôi, người ta khóc như mưa. Tôi chia hết quà cáp cho họ rồi dẫn đoàn mình về.

Chuyện tình Việt - Triều chấn động thế giới: 'Tôi là lãnh tụ của cuộc cách mạng tình yêu' - Ảnh 8.

31 năm cách trở, ông Cảnh vẫn tìm đủ cách để liên lạc với người yêu. (Ảnh: Thế Đại)

Sau này, ông A. được cử sang công tác ở Đại sứ quán Triều Tiên tại Hà Nội. Gặp tôi, A. cứ áy náy chuyện thất hứa. Nhưng tôi hiểu và cũng chẳng trách cứ gì, chỉ nhờ ông ấy làm "tai mắt" của mình.

Đến năm 1997, bạn tôi làm trong Bộ Ngoại giao báo tin, ông Nguyễn Mạnh Cầm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sắp sang Triều Tiên công tác. Lúc ấy, tôi mới thổ lộ với bố mình chuyện của tôi và Yong Hui. Bố tôi cầm thư tay sang đưa ông Nguyễn Mạnh Cầm nhờ tác động cho chúng tôi.

Năm ấy, chưa có gì thay đổi. Nhưng tôi vẫn "nhẵn mặt" ở Đại sứ quán Triều Tiên với các hoạt động ngoại giao, là thành viên của CLB Hữu nghị Việt - Triều, vận động quyên góp gạo cứu đói cho nước bạn.

Ông A. về nước khoảng năm 2001. Năm ấy là cao điểm nạn đói ở Triều Tiên, người chết nhiều lắm. Tôi dúi cho ông ấy ít tiền, nhờ tìm thông tin và chuyển cho Yong Hui. Một thời gian sau, bạn tôi bên Bộ Ngoại giao bắn tin: "Tay ấy (ông A) lại sang mình đấy, cùng phái đoàn của Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên, đang ở Bắc Bộ Phủ.".

Lúc ấy, tôi đã chuyển về làm ở Sở Thể thao Hà Nội. Đang dẫn đoàn thể thao trẻ của Hà Nội thi đấu tít trong miền Tây, tôi vội vàng đi ra. Ông A. bảo tôi: "Ở dưới địa phương họ nói cô ấy chết 10 năm rồi, đồng chí tìm làm gì nữa!".

Chuyện tình Việt - Triều chấn động thế giới: 'Tôi là lãnh tụ của cuộc cách mạng tình yêu' - Ảnh 9.

Ông Phạm Ngọc Cảnh. (Ảnh: Thế Đại)

Mới nghe, tôi buồn lắm, chẳng nhẽ chờ 30 năm chỉ để nghe tin Yong Hui đã chết. Nhưng tĩnh trí lại, trước đó chưa lâu tôi còn nhận thư cô ấy. Tôi đoán ông bạn này đã không xuống địa phương tìm mà chỉ nghe tin qua tai thôi.

Quả thế! Mấy tháng sau, đặc tình của tôi, ông A. lại cùng đoàn ngoại giao sang để xin đón 14 hài cốt lính Triều Tiên ở nghĩa trang hữu nghị ở Bắc Giang về nước. Ông ấy xin lỗi vì thông tin nhầm, báo lại là Yong Hui còn sống. Người mất là em vợ tôi, Song Hui.

Tôi lại viết thư và nhờ ông A. gửi cho cô ấy cùng ít tiền. Sau vợ tôi nói lại, cô ấy được nhận 200 đô đã đổi sang tiền Triều Tiên, khoe là chừng ấy nhiều lắm, tiêu cả năm không hết.

Chuyện tình Việt - Triều chấn động thế giới: 'Tôi là lãnh tụ của cuộc cách mạng tình yêu' - Ảnh 10.

Yong Hui kể, có thời kỳ đói kém khủng khiếp, mỗi ngày cô ấy ăn có 2 bắp ngô. Cô ấy cứ tự hỏi, không hiểu sao khổ ngần ấy mà không chết. Tôi thì tin rằng, có lẽ lời cầu khấn của mình đã ứng nghiệm.

Ròng rã 10 năm, tôi đi lễ Phủ Tây Hồ cầu xin cho chúng tôi được đoàn tụ. Tôi nhờ Đảng, nhờ Nhà nước, nhờ các lãnh đạo và bạn bè mình hỗ trợ, nhưng vẫn cầu xin thêm phần tâm linh nữa. Đón được vợ về, hai đứa tôi đưa ra Phủ Tây Hồ lễ tạ.

20 năm sống ở Việt Nam, Yong Hui vẫn phàn nàn người Việt Nam thờ cúng nhiều quá. Ở Triều Tiên không có khái niệm hương khói, bàn thờ, không có thủ tục cúng lễ tổ tiên.

Còn tôi, trong tận thâm tâm, vẫn nghĩ "chiến công" của mình có sự hợp sức của hai bà mẹ quá cố. Họ đã phù hộ, vun vén cho chúng tôi đến với nhau. Hơi tiếc là cả hai người mẹ không được dự đám cưới.

Chuyện tình Việt - Triều chấn động thế giới: 'Tôi là lãnh tụ của cuộc cách mạng tình yêu' - Ảnh 11.

Ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Ri Yong Hui tại Việt Nam. (Ảnh: Reuters/Nguyễn Huy Khâm)

Thư cô ấy gửi cho tôi, tên người nhận là mẹ tôi, địa chỉ cũng là Ngân hàng quốc gia Việt Nam, cơ quan mẹ tôi làm việc. Tôi viết thư sang cũng là viết cho mẹ cô ấy, gửi bằng tên của mẹ tôi. Không biết mẹ tôi có nghi ngờ gì không. Chắc là không, vì cũng chẳng có nhiều mà để ý, mỗi năm chỉ có vài lá thư qua lại, bà đưa về trả tôi.

Bà cụ mẹ Yong Hui cũng rất mến tôi. Chúng tôi yêu nhau không nói ra lời, Yong Hui cũng chẳng giới thiệu gì nhưng mấy lần tôi qua nhà, liếc mắt qua bà cũng hiểu chúng tôi phải lòng nhau. Bà cụ chỉ nhìn tôi cười, bảo tôi trông giống cô ấy.

Còn bố vợ tôi, từ năm 1953 đã cùng các anh em vượt biên sang Hàn Quốc. Mẹ vợ tôi, khi ấy đang mang bầu cô em gái gần sinh nên không đi theo. Vì chuyện ấy mà vợ tôi sau này ít có bạn bè, không được học cao, bị mang tiếng là con của kẻ quay lưng. Trước khi cô ấy lên tàu về Việt Nam, phía Triều Tiên cũng dặn: Tuyệt đối không được tìm cha.

Đến giờ, tôi vẫn trêu cô ấy là một người "vượt ải" đặc biệt, vì khi đi khỏi địa phận Triều Tiên mà được cả người của Quốc hội, Bộ Ngoại giao, cả Hội Hữu nghị Triều Tiên - Việt Nam ra tiễn tận sân ga Bình Nhưỡng.

Chuyện tình Việt - Triều chấn động thế giới: 'Tôi là lãnh tụ của cuộc cách mạng tình yêu' - Ảnh 12.

Chuyện tình của ông Phạm Ngọc Cảnh và bà Ri Yong Hui nhận được sự chú ý của truyền thông quốc tế. Trong ảnh là 1 bài viết đăng trên báo Hàn Quốc. (Ảnh: Thế Đại)

Năm 2003, sau đám cưới của chúng tôi, báo chí quốc tế tìm đến nườm nượp. Trong đó có cả các phóng viên Hàn Quốc. Họ đã đưa câu chuyện của chúng tôi lên báo và cả internet, mục tìm người thân thất lạc.

Một người anh họ (con trai của bác) cô ấy biết được tin, liên lạc và xin kết nối. Họ đi một phái đoàn chục người, trong đó có 4 người em cùng cha khác mẹ của Yong Hui sang Hà Nội thăm chúng tôi. Chuyến thăm thân ấy được Hàn Quốc tài trợ cho vé máy bay, cho ở khách sạn Daewoo miễn phí.

Nỗi đau trong thời tuổi trẻ khiến vợ tôi lúc đầu "cứng rắn", muốn tuyệt giao với gia đình mới của bố. Các em cùng cha khác mẹ cũng sợ cô ấy nghèo, sẽ đòi hỏi quyền thừa kế.

Cuộc gặp ban đầu dè dặt, nhưng tâm sự một hồi thì hai bên hiểu nhau. Hóa ra, bố vợ tôi mất năm 1966, bị bệnh tim. Ông sang Hàn Quốc, đi du học Nhật rồi về làm nghề xây dựng, cũng có chút của ăn của để.

Vợ tôi có cần gì đâu, chúng tôi cũng không nghèo đến mức phải xin xỏ, chỉ muốn biết thông tin về gia đình thất lạc để an ủi tâm hồn.

Làm rể Triều Tiên ở Hà Nội, tôi vẫn duy trì các hoạt động ngoại giao với "nhà ngoại" ở Đại sứ quán. Nếu năm ấy, họ bắt tôi sang sống ở Triều Tiên, tôi cũng đồng ý. Ở Việt Nam tôi cũng chẳng có gì ngoài một cái nhà của bố mẹ, một sự nghiệp không có gì đáng kể. Nếu phải từ bỏ để được sống với cô ấy thì cũng đành. May mà họ cho chúng tôi được chọn lựa.

Vợ tôi thì mãi mãi là một người Triều Tiên sống ở nước ngoài, dù cô ấy kết hôn với tôi. Yong Hui không được phép nhập quốc tịch Việt hay được nhập hộ khẩu. Cô ấy phải gia hạn visa liên tục, thời gian đầu 3 tháng/lần, rồi 6 tháng, giờ là 1 năm/lần.

Đất nước hiếm hoi vợ tôi có thể xuất ngoại đi du lịch là Trung Quốc. Tôi từng hứa, khi cưới được nhau, tôi sẽ đưa cô ấy sang Trung Quốc chơi, sẽ lái xe chở vợ đi khắp Việt Nam. Tôi đã làm được hết những lời hứa của mình với Yong Hui.

Người ta bảo chuyện tình của chúng tôi là không tưởng. Đúng thế, sao người ngoài có thể tưởng tượng nổi những gì chúng tôi đã trải qua! Tôi tự coi mình là lãnh tụ của một cuộc cách mạng tình yêu.

Lãnh tụ, tức là anh phải tự tìm đường lối để thực hiện, tập trung một mục tiêu duy nhất, không để những gì xung quanh làm xao nhãng. 31 năm, tôi khép lòng với mọi cám dỗ yêu đương, vì chỉ nghĩ đến Ri Yong Hui - Lý Vĩnh Hỷ - niềm vui vĩnh cửu của đời mình.

Trần Huyền Trang
Thế Đại, TTXVN, NVCC, Reuters
Bạch Quả
Theo Trí Thức Trẻ09/03/2022
https://soha.vn/chuyen-tinh-viet-trieu-chan-dong-the-gioi-20220307172840215.htm

Trí thức trẻ