Chuyến tàu tốc hành không hồi kết của Roger Federer: Chiến thắng và trở thành huyền thoại, bất chấp sự hoài nghi, chấn thương và tuổi tác!

07/12/2019 14:15 PM | Sống

“Tôi chưa từng tưởng tượng rằng cậu ấy sẽ trở thành tay vợt số 1” - những người tiếp xúc với Roger Federer từ bé đều có chung suy nghĩ đó. Chẳng ai có thể ngờ cậu bé hay nóng giận ấy lại trở thành huyền thoại quần vợt thế giới.

Năm 2000, tại giải Open 13, trận chung kết khép lại với giọt nước mắt của chàng trai 19 tuổi khi để thua ở loạt tie-break quyết định. "Roger, đừng lo lắng, lần khác cậu sẽ thắng thôi", Marc Rosset - người chiến thắng khi ấy -  động viên.

19 năm sau, tại Dubai Championships, Roger Federer nâng cao chiếc cúp chiến thắng trong hạnh phúc. Ở tuổi 38 - cái tuổi dường như đã quá già để làm vận động viên, anh vẫn băng băng tiến về phía trước với danh hiệu ATP thứ 100 của mình, như một chuyến tàu tốc hành không hồi kết.

 Chuyến tàu tốc hành không hồi kết của Roger Federer: Chiến thắng và trở thành huyền thoại, bất chấp sự hoài nghi, chấn thương và tuổi tác! - Ảnh 1.
 Chuyến tàu tốc hành không hồi kết của Roger Federer: Chiến thắng và trở thành huyền thoại, bất chấp sự hoài nghi, chấn thương và tuổi tác! - Ảnh 2.

Thụy Sĩ không chỉ là cái nôi của sự xa xỉ, chính xác và chuẩn mực, mà sở hữu báu vật của làng quần vợt - Roger Federer. Sinh ra trong gia đình khá giả nên Federer được tiếp xúc với môn thể thao quý tộc từ rất sớm.

Ở tuổi 13, Federer đã mơ ước trở thành tay vợt số 1 Thụy Sĩ và lọt vào Top 100 thế giới. "Tôi thích quần vợt nhất trong số các môn thể thao. Nó thú vị và chuyện thắng hay thua đều nằm trong tay tôi", anh nói.

 Chuyến tàu tốc hành không hồi kết của Roger Federer: Chiến thắng và trở thành huyền thoại, bất chấp sự hoài nghi, chấn thương và tuổi tác! - Ảnh 3.
 Chuyến tàu tốc hành không hồi kết của Roger Federer: Chiến thắng và trở thành huyền thoại, bất chấp sự hoài nghi, chấn thương và tuổi tác! - Ảnh 4.

Để thực hiện giấc mơ, anh quyết định gia nhập Trung tâm Quần vợt Quốc gia dù phải sống xa nhà. Trong quá trình học, Federer thể hiện rõ tài năng thiên bẩm của mình. Chỉ cần 3,4 lần thử là anh thành thạo động tác, trong khi người khác phải mất đến hàng tuần. Tuy nhiên, tay vợt này lại mắc một khuyết điểm gây cản trở sự tiến bộ của mình: nóng tính. Mỗi khi thời tiết không đẹp, sân vận động quá ồn ào hoặc để thua đối thủ, anh sẽ chửi bới ầm ĩ và quăng vợt khắp sân nhằm giải tỏa cảm xúc.

"Tôi không thích bị thua - kể cả giờ cũng vậy. Nó không chỉ đơn thuần là chuyện thi đấu, nhưng việc thắng hay thua khiến tôi buồn bực rất nhiều. Tôi không biết làm sao để cân bằng giữa hai trạng thái tinh thần - tức giận và bình tĩnh", anh nói.

Không ít lần anh muốn bỏ cuộc để về với gia đình nhưng đam mê quần vợt lại níu chân. Từ tay vợt trẻ nhất và chơi tệ nhất trong đội, Federer đã trở thành vận động viên hàng đầu lứa tuổi trẻ.

 Chuyến tàu tốc hành không hồi kết của Roger Federer: Chiến thắng và trở thành huyền thoại, bất chấp sự hoài nghi, chấn thương và tuổi tác! - Ảnh 5.

Một trong những huấn luyện viên mà Federer quý trọng nhất - Peter Carter - từng khuyên anh phải kiên nhẫn nếu muốn theo đuổi con đường chuyên nghiệp. Năm 2001, sau khi để thua trận đấu mà nhẽ ra có thể thắng, Federer nổi cơn tam bành, tệ đến mức anh tự thấy xấu hổ về bản thân. Từ đó, anh quyết tâm học cách giữ bình tĩnh.

HLV Carter sau đó không may qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi. Là người chưa từng nghĩ tới chuyện sinh tử, Federer trải qua cú sốc đầu tiên trong đời, suy sụp tới mức không thiết chơi tennis trong một thời gian. Dần dần, anh nhận ra mất mát này chính là lời cảnh tỉnh mình phải trưởng thành hơn để đối mặt với bất cứ thách thức nào cuộc sống đem lại.

Vì vậy, suốt hai năm tiếp theo, Federer tập trung vào rèn luyện thái độ - điểm yếu lớn nhất của mình, dùng "băng" để chế ngự "lửa".

 Chuyến tàu tốc hành không hồi kết của Roger Federer: Chiến thắng và trở thành huyền thoại, bất chấp sự hoài nghi, chấn thương và tuổi tác! - Ảnh 6.

Nhờ kiểm soát được tính khí nóng nảy, Roger Federer ngày càng tiến bộ về mặt kỹ thuật. Năm 2003, anh đoạt danh hiệu Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp tại giải Wimbledon, khởi đầu thời kỳ thống trị tuyệt đối trên mặt sân cỏ suốt 6 năm tiếp theo. Trung bình, mỗi năm anh sẽ giành 8-10 danh hiệu khác nhau.

Đứng trên đỉnh cao ắt sẽ có kẻ nhòm ngó. Năm 2009, sự xuất hiện của hai cô con gái sinh đôi đã chiếm hết tâm trí của tay vợt này. Trong lúc Federer bận thay tã cho con, các kỳ phùng địch thủ như Rafael Nadal và Novak Djokovic đã kịp hoàn thiện lối chơi và chiến thắng anh trong các giải đấu.

 Chuyến tàu tốc hành không hồi kết của Roger Federer: Chiến thắng và trở thành huyền thoại, bất chấp sự hoài nghi, chấn thương và tuổi tác! - Ảnh 7.

Vẻ ngoài bình thản được tôi luyện qua tháng năm khiến nhiều người hiểu lầm rằng anh không còn muốn ganh đua nữa. Sự thật là Federer vẫn luôn khao khát chiếm thế độc tôn trong làng quần vợt. Nhưng anh cũng biết, mình sẽ chẳng thể tiến xa nếu thiếu đi thử thách.

"Bạn không thể đứng một mình trên đỉnh cao được. Bạn cần có đối thủ. Nhờ họ mà tôi mới trở thành tay vợt xuất sắc hơn", Federer nhận xét. Đối với anh, những Nadal hay Djokovic không phải kẻ thù, mà là người đồng hành trên con đường chung.

Năm 2012, Federer trở thành người giữ vị trí số 1 thế giới nhiều nhất trong lịch sử ATP, phá kỷ lục của thần tượng Pete Sampras. Chỉ có điều, không ai biết tay vợt này đã phải chịu đựng những cơn đau cột sống dai dẳng trước đó. Đồng nghiệp thường ghen tị vì nghĩ anh có một cơ thể dẻo dai bất chấp tuổi tác và hiếm khi dính chấn thương cần phẫu thuật. Bởi lẽ, Federer không gọi huấn luyện viên vào sân giúp đỡ hay ôm người kêu đau sau mỗi cú đánh sai.

 Chuyến tàu tốc hành không hồi kết của Roger Federer: Chiến thắng và trở thành huyền thoại, bất chấp sự hoài nghi, chấn thương và tuổi tác! - Ảnh 8.

"Bạn biết mình không có 100% sức lực nhưng chẳng thể phàn nàn về chuyện đó, bởi bạn không biết liệu mình có thể chơi tốt hơn trong tương lai", anh giải thích.

Nếu các vận động viên khác cần giải tỏa bằng cách kêu ca, luôn chú ý đến kết quả trận đấu, Federer vẫn giữ nguyên sự bình thản của mình. Dù có để thua trong trận chung kết, anh vẫn sẽ nhanh chóng chấp nhận, cho qua và ăn mừng bên gia đình hay bạn bè. Federer cho rằng chỉ cần được đứng trên sân chơi quần vợt là đủ.

"Tại sao không thua một lần, khi mà tôi đã có quá nhiều chiến thắng để đối mặt với điều đó?", anh tự hỏi bản thân.

Khác với Federer của tuổi trẻ không ngại bẻ vợt khi cáu giận, Federer của nhiều năm sau đã trở nên lặng lẽ hơn trước mỗi khó khăn.

 Chuyến tàu tốc hành không hồi kết của Roger Federer: Chiến thắng và trở thành huyền thoại, bất chấp sự hoài nghi, chấn thương và tuổi tác! - Ảnh 9.

Năm 2016, giới hâm mộ quần vợt bàng hoàng khi nghe tin Roger Federer sẽ nghỉ thi đấu đến hết năm vì chấn thương đầu gối. Anh buộc phải lỡ hẹn với Olympics Rio, giải US Open và giải World Tour Final. Nhiều người dự đoán rằng, này sẽ đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp huy hoàng của tay vợt người Thụy Sĩ.

Thế nhưng, Federer không phải là người chịu khuất phục dễ dàng như vậy. Sau sáu tháng tĩnh dưỡng, anh trở lại mạnh mẽ với 3 danh hiệu Grand Slam, thiết lập nhiều kỷ lục chưa từng có. Đúng như biệt danh "tàu tốc hành Thụy Sĩ" của mình, Federer cứ không ngừng chiến thắng, bất chấp sự hoài nghi của người hâm mộ, chấn thương và tuổi tác.

 Chuyến tàu tốc hành không hồi kết của Roger Federer: Chiến thắng và trở thành huyền thoại, bất chấp sự hoài nghi, chấn thương và tuổi tác! - Ảnh 10.

"Tôi tin rằng mình vẫn có sức khỏe thể chất ở mức cao nhất", anh tự tin khẳng định. Quần vợt là niềm đam mê đã ăn sâu vào trong máu Federer, thứ anh đã hy sinh cả tuổi thơ để theo đuổi. Vì thế, không có lý do gì để anh ngừng chơi khi nghĩ mình vẫn còn có thể.

Cách đây 15 năm, Federer đã xác định mình sẽ chơi quần vợt lâu dài. Lâu dài không phải được tính bằng 10 năm, 15 năm, hay 20 năm. Federer muốn tiếp tục thi đấu từ thế hệ này sang thế hệ khác.

"Cứ 5 năm, bạn sẽ lại gặp những người mới. Thế hệ của tôi có Rafael, Novak và Andy. Rồi bạn sẽ có thế hệ kế tiếp. Tôi muốn trải qua điều đó - và tuy nghe có vẻ ngu ngốc nhưng tôi muốn cho những người trẻ cơ hội được đối đầu với những lão làng như mình".

Ở tuổi 38, Federer chơi quần vợt với tần suất điều độ hơn, không chỉ để bảo vệ cơ thể đang lão hóa từng ngày, mà còn vì muốn dành thời gian bên gia đình. Sau mỗi ngày thi đấu, anh sẽ trở về bên người vợ Mirka và chơi đùa vui vẻ cùng hai cặp sinh đôi kháu khỉnh của mình, dù thắng hay thua.

 Chuyến tàu tốc hành không hồi kết của Roger Federer: Chiến thắng và trở thành huyền thoại, bất chấp sự hoài nghi, chấn thương và tuổi tác! - Ảnh 11.

"Bạn sẽ không muốn trải qua sự nghiệp một cách vội vã, để rồi nghĩ: Mình vẫn chưa được tận hưởng những khoảnh khắc lớn lao nhất trong đời", Federer cho biết.

Không ai có thể chiến thắng được thời gian và Roger Federer cũng vậy. Tuy nhiên, với khả năng thích nghi, tinh thần lạc quan và sự điềm tĩnh của mình, sẽ phải rất lâu nữa "tàu tốc hành Thụy Sĩ" mới ngừng chạy hoàn toàn, như lời tuyên bố cách đây không lâu.

"Tuổi tác khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn chút. Nhưng đồng thời, kinh nghiệm sẽ giúp bạn tận hưởng những khoảnh khắc một cách sâu sắc hơn. Do đó, tôi chưa có kế hoạch giải nghệ".

Theo Ngọc Hà

Cùng chuyên mục
XEM