Chuyện người nghèo bị ốm thì chỉ có chờ chết: Các hãng thuốc đang kiếm tiền trên thân xác bệnh nhân như thế nào?

15/03/2017 08:15 AM | Xã hội

Nghe có vẻ khôi hài khi ngành dược sản xuất ra các sản phẩm cứu sống mọi người, duy chỉ có vấn đề là mức giá của chúng quá cao tại Mỹ. Hiện nay, có những loại thuốc chữa ung thư bình dân có mức giá lên đến 100.000 USD cho liều dùng 6 tháng, một con số điên rồ với nhiều người bệnh.

Vào giữa thập niên 1990, công chúng Mỹ lên án mạnh mẽ ngành công nghiệp thuốc lá khi nhiều tài liệu cho thấy các nhà sản xuất đã biết từ lâu rằng sản phẩm này có thể khiến người tiêu dùng chết nhanh hơn mặc dù chưa có bất kỳ giám đốc hãng thuốc lá nào dám thừa nhận mối liên quan giữa hút thuốc với ung thư.

Hậu quả là các công ty thuốc là trở thành tâm điểm chỉ trích của các vụ kiện tụng, phản đối của giới truyền thông, biểu tình trong công chúng...

Chính sự kiện này đã dẫn đến Biên bản thỏa thuận chung năm 1998 (Master Settlement Agreement), theo đó những công ty thuốc lá lớn sẽ chi hàng tỷ USD cho 46 bang tại Mỹ hàng năm với thời hạn vĩnh viễn, đồng thời cắt giảm chi phí marketing cho loại sản phẩm độc hại này.

Chuyển sang một sự kiện khác, đó là vụ khủng hoảng năm 2008 khi công chúng Mỹ quay ra chỉ trích Phố Wall. Những bằng chứng cho thấy chính các nhà đầu tư Phố Wall làm ăn tắc trách đã gây ra cuộc khủng hoảng lan ra toàn cầu này. Từ đó, chính phủ Mỹ phải ban hành hàng loạt các quy định kiểm soát ngành ngân hàng, đạo luật Dodd Frank ra đời cùng với nhiều bộ luật khác.

Giờ đây, có lẽ một ngành khác của Mỹ cũng đang đứng trước nguy cơ bị áp dụng các chế tài kiểm soát hoặc chịu thiệt hại lớn như ngành thuốc lá hay Phố Wall đã từng bị, đó là ngành dược.

Nghe có vẻ khôi hài khi ngành dược sản xuất ra các sản phẩm cứu sống mọi người, duy chỉ có vấn đề là mức giá của chúng quá cao tại Mỹ. Hiện nay, có những loại thuốc chữa ung thư bình dân có mức giá lên đến 100.000 USD cho liều dùng 6 tháng, một con số điên rồ với nhiều người bệnh.


Chi tiêu cho dược phẩm nói chung tại các nước (tỷ USD)

Chi tiêu cho dược phẩm nói chung tại các nước (tỷ USD)

Ngành công nghiệp móc túi 450 tỷ USD mỗi năm

Mỹ là một trong những thị trường tiêu thụ nhiều thuốc nhất thế giới. Bình quân mỗi người Mỹ chi khoảng 1.100 USD/năm cho thuốc kê đơn.

Điều này sẽ chẳng có gì đáng nói nếu giá thuốc tại thị trường này lại thuộc hàng cực cao so với nhiều nước kém phát triển khác. Một bệnh nhân ung thư tại Mỹ hàng tháng phải tốn bình quân 10.000 USD để mua thuốc hoặc sử dụng các dịch vụ chưa trị.

Không những vậy, giá các loại thuốc cũ cũng ngày một tăng lên do các quy định về bản quyền khiến nhiều công ty độc quyền trên thị trường và tha hồ tăng giá để kiếm thêm lợi nhuận.

Một điều trớ trêu là hầu như những chi phí này lại bị thanh toán bởi tiền thuế của nhân dân qua các chương trình hỗ trợ y tế, bảo hiểm... Trong khi đó, các chính sách ưu đãi về thuế khiến ngành dược tại Mỹ đem về khoản lợi nhuận siêu khổng lồ cho các tập đoàn.

Theo hãng tin Bloomberg, có hơn 3/4 số người Mỹ được hỏi cho biết chính quyền Washington nên đặt mục tiêu hạ giá thuốc làm đầu cho chương trình cải cách kinh tế và Tổng thống Donald Trump cũng phải đồng ý với điều này.


Chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người tại Mỹ năm 2014 (USD)

Chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người tại Mỹ năm 2014 (USD)

Các chính trị gia như Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton đều lên tiếng cáo buộc các công ty thao túng giá cả và nâng giá vô tội vạ để kiếm lời trên thân xác bệnh nhân. Trong khi đó, Tổng thống Trump cho rằng với mức giá trên trời của các loại thuốc, các hãng dược đang bị “bỏ qua với tội sát nhân đối với những người bệnh”.

Năm 2015, CEO Martin Shkreli trở thành tâm điểm dư luận khi công ty Turing Pharmaceuticals mua lại bản quyền 1 loại thuốc cũ chưa ung thư rồi nâng giá 50 lần lên 750 USD/viên. Một mức giá điên rồ cho các bệnh nhân đang phải vật lộn với căn bệnh thế kỷ.

Trên thực tế, giá thuốc đã tăng chóng mặt qua nhiều năm nay và mới bật tăng đột ngột trở lại từ năm 2014. Chi tiêu cho thuốc men của người Mỹ tăng mạnh 8,5% năm 2015 và phần lớn trong đó là cho các dược phẩm đặc trị có mức giá cao.


Chi tiêu cho dược phẩm tại Mỹ tăng dần qua các năm và đặc biệt tăng mạnh trở lại từ năm 2014 (tỷ USD)

Chi tiêu cho dược phẩm tại Mỹ tăng dần qua các năm và đặc biệt tăng mạnh trở lại từ năm 2014 (tỷ USD)

Kiếm tiền trên thân xác bệnh nhân

Không giống với các quốc gia khác, chính phủ Mỹ không quản lý trực tiếp giá thuốc trên thị trường. Ví dụ như tại Châu Âu, thị trường thuốc lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ, chính phủ sẽ đàm phán trực tiếp với các hãng dược về mức chi phí mà bảo hiểm y tế sẽ thanh toán cho bệnh nhân nhằm hạn chế tình trạng nâng giá quá cao để bòn rút tiền thuế của người dân.

Thậm chí, Bộ y tế Anh đã từng từ chối chi trả cho một số loại thuốc chữa ung thư thông dụng ở thị trường Mỹ với lý do mức chi phí không hề hợp lý.

Tại Mỹ, các hãng dược có thể đề mức giá tùy ý và phần lớn những bệnh nhân nghèo phải nhờ chương trình bảo hiểm của chính phủ để trợ cấp phần nào tiền thuốc. Lợi dụng được điểm này, các công ty dược đã nâng giá để hưởng nhiều tiền bảo hiểm hơn.

Hiện bệnh nhân Mỹ chỉ phải chi trả 17% tiền thuốc và phần còn lại là từ ngân sách cũng như các công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, giá thuốc quá cao khiến người bệnh cũng không thanh toán nổi mức 17% này. Khảo sát năm 2013 cho thấy có 1/5 số người Mỹ cho biết họ không thể hoàn thành khóa trị liệu bởi giá thuốc quá cao, lớn hơn nhiều so với mức tỷ lệ 1/10 ở Đức, Canada và Australia.


Phần lớn chi phí thuốc men tại Mỹ được thanh toán bởi bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước.

Phần lớn chi phí thuốc men tại Mỹ được thanh toán bởi bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước.

Hãy lấy ví dụ thuốc trị teo cơ Emflaza cho trẻ nhỏ. Thị trường thuốc này khá nhỏ khi số bệnh nhân trẻ em mắc căn bệnh này chỉ vào khoảng 15.000 người tại Mỹ. Tuy nhiên, Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ đã cấp phép cho hãng Marathon, vốn phát triển độc quyền dòng thuốc này được phân phối với giá 89.000 USD cho liều dùng 1 năm. Trong khi đó, các bậc phụ huynh có thể điều trị với 1.200 USD cho liều dùng 1 năm tại Anh.

Vào năm 2003, các hãng dược thành công vận động hành lang nhằm tự điều chỉnh giá cho các chương trình bảo hiểm y tế ở Mỹ và đây là thời điểm nhiều nhà môi giới dược phát tài. Do các bệnh nhân ở Mỹ phải mua thuốc qua công ty phân phối dược, hay nhà môi giới thứ 3 để nhận được các chương trình khuyến mãi giảm giá thuốc, những doanh nghiệp này đã lợi dụng để chi phối thị trường thuốc.

Cụ thể, các nhà môi giới này bán thuốc với giá cao hơn thực tế và lũng đoạn thị trường bởi họ được bảo hiểm y tế chỉ định là nhà phân phối thuốc. Ví dụ, bệnh nhân đến công ty phân phối và mua thuốc với giá 15 USD, nhưng trên thực tế giá gốc của loại thuốc này chỉ vào khoảng 2,05 USD. Nhà môi giới trả lại cho hãng dược 7,22 USD, như vậy hãng dược lợi nhuận 7,22-2,05= 5,17 USD. Như vậy, nhà môi giới lợi nhuận 15-7,22= 7,78 USD.

Những khoản lợi nhuận phần trăm hoa hồng này có thể nhỏ từ 2 USD cho đến 30 USD cho mỗi liều thuốc và chúng đem lại hàng trăm triệu USD cho các nhà môi giới. Kể từ tháng 10/2016, ít nhất 16 vụ kiện tại Mỹ có liên quan đến tình trạng nâng giá thuốc kiểu như thế này.

“Việc nâng giá ăn tiền hoa hồng này cứ như hút thuốc phiện vậy. Những nhà môi giới không bao giờ là thấy đủ”, chuyên gia tư vấn Susan Hayes của Pharmacy Outcomes Specialists nói.

Các cuộc điều tra của hãng tin Bloomberg cho thấy hầu như chỉ có những nhà môi giới mà hãng dược là biết số tiền khổng lồ mà bệnh nhân Mỹ phải trả hàng năm sẽ vào túi ai. Nhiều dược sĩ cho biết các giao dịch dược phẩm qua nhà môi giới như vậy chiếm khoảng 10% tổng thu nhập của họ.

Một cuộc khảo sát của hiệp hội dược sĩ Mỹ (NCPA) cho thấy 83% số dược sĩ có ít nhất 10 lần giao dịch qua nhà môi giới và được trích phần trăm mỗi tháng. Các hợp đồng giữa dược sĩ, bác sĩ và nhà môi giới khiến họ không thể tiết lộ bất cứ thông tin nào về việc giao dịch này.


Các nhà môi giới móc túi bệnh nhân Mỹ như thế nào?

Các nhà môi giới móc túi bệnh nhân Mỹ như thế nào?

Tồi tệ hơn, các nhà môi giới thậm chí hạn chế thể loại thuốc mà người bệnh có thể được nhận giảm giá nhằm quảng bá cho một dòng thuốc nhất định. Bằng cách làm này, các công ty môi giới có thể ăn thêm tiền hoa hồng từ các hãng dược để quảng bá thuốc cho họ.

Theo MTS Health Partners, cứ mỗi 100 USD chi phí cho bất kỳ loại thuốc có tiếng nào tại Mỹ thì khoảng 15 USD sẽ rơi vào túi các nhà môi giới dược phẩm. Trong khi đó, tỷ lệ này chỉ vào khoảng 4 USD tại các nước phát triển khác.

Hệ thống phân phối thuốc qua các nhà môi giới này chỉ thực sự bùng nổ ở Mỹ từ cuối thập niên 60 và giờ đã chi phối hầu như toàn ngành dược phẩm, y tế, chăm sóc sức khỏe tại đây. Thông thường, các nhà môi giới sẽ giữ khoảng 10% giá thuốc làm hoa hồng từ các nhà sản xuất dược. Tuy nhiên, họ có thể nâng tỷ lệ phân chia này lên tùy thích bởi khả năng kiểm soát thị trường. Nói cho cùng, không có bệnh nhân nào tiếc vài USD để mua thuốc tốt.

Đến Tổng thống Trump cũng gặp khó

Nhiều hãng thuốc biện minh rằng mức giá cao là để thu hồi lợi nhuận sau khi bỏ chi phí lớn cho nghiên cứu và việc giới hạn giá thuốc sẽ hạn chế khả năng phát minh, sáng tạo ra các dòng dược phẩm mới.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng các hãng dược nên tiết kiệm chi phí marketing cũng như tiền hoa hồng cho những người môi giới thay vì nâng giá quá cao trên thị trường lên mức cực kỳ bất hợp lý.

Ngay cả tân Tổng thống Trump cũng đã từng tuyên bố sẽ yêu cầu các hãng dược đấu giá để có thể nằm trong danh sách được bảo hiểm y tế thanh toán. Tuy nhiên sau khi có cuộc họp với những công ty thuốc, nhà lãnh đạo này đã từ bỏ ý định trên và thay thế bằng cách cắt giảm các quy định trong ngành dược để hạ chi phí.


Chi tiêu cho thuốc kê đơn nói riêng tại Mỹ (triệu USD)

Chi tiêu cho thuốc kê đơn nói riêng tại Mỹ (triệu USD)

Hiện vẫn chưa rõ chính quyền Washington với nhà lãnh đạo mới sẽ làm gì để đối phó với tình trạng giá thuốc quá cao hiện nay. Tuy nhiên, thị trường dược phẩm lớn thứ 3 thế giới là Nhật Bản đã có những động thái quyết liệt nhằm hạ giá thuốc bất hợp lý trên thị trường.

Hàng năm, Nhật Bản tiêu thụ khoảng 93 tỷ USD tiền thuốc và 40% chi phí được thanh toán bằng bảo hiểm. Hiện chính quyền Tokyo đang yêu cầu hạ giá hàng loạt loại thuốc hoặc từ chối thanh toán bằng bảo hiểm. Hiệp hội nghiên cứu và sản xuất dược phẩm Mỹ (PRMA) dự đoán với những động thái này, thị trường thuốc Nhật Bản sẽ suy giảm 30% xuống chỉ còn 62 tỷ USD vào năm 2025.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM